Tiền ảo dựa trên Blockchain: Chính phủ chuyển từ giám sát sang chấp nhận
Chính phủ Thái Lan lên kế hoạch đánh thuế nhà đầu tư tiền ảo | |
Ấn Độ mở lớp dạy đào bitcoin tại 30 thành phố | |
G20 nhất trí giám sát tiền ảo |
Sở đúc tiền Hoàng gia Anh (Royal Mint) cũng bắt đầu bán loại tiền điện tử được hỗ trợ bằng vàng.
Năm nay sẽ chứng kiến sự trưởng thành của công nghệ blockchain khi những dự án thí điểm năm 2017 được triển khai trong nhiều ngành khác nhau trong năm 2018 này. Ngay cả những lĩnh vực trước đây vẫn thấy lo lắng trước công nghệ blockchain cũng bắt đầu theo đuôi. Điều đáng chú ý là một số chính phủ đang thử nghiệm tiền ảo (cryptocurrency - còn gọi là tiền số, tiền mật mã, tiền điện tử) như một loại tiền pháp định (fiat money).
Tăng cường quản lý
Nói một cách đơn giản, blockchain là sổ cái kỹ thuật số (digital ledger) được chia sẻ công khai giữa những người sử dụng và ghi lại các giao dịch của họ. Nội dung này không thể được chỉnh sửa hoặc thay đổi. Sổ cái số không được lưu trữ một chỗ mà được phân phối đến hàng trăm, hoặc thậm chí là hàng ngàn máy tính khắp thế giới. Bất kỳ ai trong mạng lưới máy tính này đều có thể truy xuất phiên bản cập nhật của sổ cái nên công nghệ tỏ ra rất minh bạch.
Blockchain chỉ có thể được cập nhật bởi sự đồng thuận của các bên tham gia vào hệ thống. Khi dữ liệu mới được nhập vào, nó không thể bị xóa. Vì thế, blockchain chứa đựng các nội dung ghi chép chính xác và có thể kiểm chứng được về mỗi một giao dịch được tiến hành trong hệ thống đó. Ngoài ra, các cơ sở dữ liệu blockchain có thể được quản lý tự động để thuận tiện cho việc trao đổi thông tin giữa các bên khác nhau nên không cần người quản trị. Mạng blockchain cũng có thể được sử dụng cho loại “hợp đồng thông minh”, tức những đoạn mã được tự động thực thi khi một số điều kiện được đáp ứng.
Giờ đây, một số chính phủ đang có những bước đi nhằm điều chỉnh công nghệ blockchain và những loại tiền ảo nó đứng đằng sau. Loại tiền này, nổi bật là bitcoin, tồn tại trong các mạng mở và cho đến giờ vẫn chưa chịu sự quản lý vì không có cách nào để nhà chức trách theo dõi người sử dụng chúng. Tuy nhiên, các sổ cái phân phối (distributed ledger) tỏ ra rất hữu ích vì chúng có thể cho phép các giao dịch xuyên biên giới được tiến hành thông qua mạng ngang hàng trong thời gian thực tại bất cứ nơi nào trên thế giới mà không cần đến ngân hàng hoặc công ty cung cấp thẻ tín dụng.
Trong những tháng gần đây, nhà chức trách của một số nước, trong đó có Mỹ và Trung Quốc, bắt đầu tăng cường sự quản lý tiền ảo dựa trên blockchain. Một lý do là nỗi lo ngày càng tăng rằng loại tiền ảo này có thể được sử dụng cho những hoạt động bất chính, như rửa tiền. Tiền ảo cũng có thể là một mối đe dọa đối với hệ thống tài chính hiện tại bởi chúng thỉnh thoảng khuyến khích người tiêu dùng đầu cơ và vay mượn vô tội vạ.
“Chúng tôi chứng kiến ngày càng nhiều người đang vay mượn để đầu tư vào tiền ảo. Một số trường hợp vay mượn từ thẻ tín dụng để đầu tư. Điều đó có thể dẫn đến sự sụp đổ tín dụng”, cô Martha Bennett, nhà phân tích chính của công ty Forrester Research, cảnh báo.
Năm ngoái, Trung Quốc đã cấm phát hành tiền ảo lần đầu (ICO) – một dạng tài trợ đám đông cho tiền ảo, và sau đó chấm dứt giao dịch tiền điện tử. Gần đây hơn, Bắc Kinh còn ra lệnh cấm cung cấp điện cho những trang trại máy chủ được sử dụng để đào bitcoin. Còn tại Mỹ, các cơ quan khác nhau cũng phản ứng với những gì họ xem là hoạt động gian lận của các công ty tiền ảo bằng cách ra lệnh cho họ ngừng mua bán bitcoin. Một nhà lập pháp ở bang Nebraska (Mỹ) đưa ra ba dự luật chỉnh sửa luật chống rửa tiền để bổ sung tiền ảo nói riêng và những ứng dụng dựa trên blockchain nói chung. Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ (SEC) cũng thường xuyên đưa ra các lời cảnh báo về tiền ảo trên mạng Twitter.
Ông Brian Behlendorf, Giám đốc điều hành công ty Hyperledger, cho biết: “Mục tiêu của họ khá rõ ràng. Họ đang nói về tiền ảo của bên thứ 3, như bitcoin và khoảng 1.300 loại tiền ảo khác hiện có, nhưng lại không nói gì về blockchain. Họ vẫn còn lạc quan về công nghệ này. Họ đang thúc đẩy sử dụng blockchain để tung ra tiền ảo của riêng mình”.
Ứng dụng đa dạng
Blockchain là nền tảng của tiền ảo nhưng ứng dụng của nó không chỉ gắn liền với loại tiền này. Công nghệ này được sử dụng trong nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau, như chứng thực chuyển nhượng bất động sản, số hóa chuỗi cung ứng hoặc theo dõi hoạt động vận chuyển hàng quốc tế theo thời gian thực. Một loại tiền ảo dựa trên blockchain và được chính phủ hậu thuẫn sẽ mang lại những lợi ích của một loại tiền tệ quốc tế có thể được sử dụng trong thương mại toàn cầu. Chi phí sử dụng cũng thấp hơn vì đòi hỏi ít sự quản trị hơn - tất cả đều nhờ vào loại hợp đồng thông minh tự thực thi.
Để có thể đi vào hoạt động và phát huy hết lợi ích, tiền ảo cần sự hậu thuẫn của các chính phủ hoặc ngân hàng trung ương. Khi đó, loại tiền ảo được gọi là “đồng tiền ổn định” được gắn liền trực tiếp với tiền pháp định của một quốc gia hoặc được hỗ trợ bởi một hàng hóa thiết yếu, như vàng chẳng hạn. Lấy ví dụ từ OneGram (OGC) - loại tiền ảo được hỗ trợ bằng vàng. Mỗi giao dịch của đồng OneGram tạo ra một phí giao dịch nhỏ được tái đầu tư để mua thêm vàng, từ đó làm tăng số lượng vàng hậu thuẫn cho mỗi một OGC. Sở đúc tiền Hoàng gia Anh (Royal Mint) cũng bắt đầu bán loại tiền điện tử được hỗ trợ bằng vàng và gọi nó là “Royal Mint Gold - Tiêu chuẩn vàng kỹ thuật số mới”.
Ý tưởng ban đầu đằng sau bitcoin là tạo ra một đồng tiền điện tử phân quyền dùng cho những hoạt động mua sắm hằng ngày. Tuy nhiên, nó đã nhanh chóng trở thành một thứ tài sản đầu cơ với giá trị không ngừng biến động trong những tháng gần đây - có lúc đạt giá trị gần 20.000 đô la để rồi giảm xuống dưới 10.000 đô la như hiện nay. “Bitcoin ra đời trong bối cảnh niềm tin của công chúng dành cho các tổ chức tài chính và chính phủ bị xói mòn. Mục tiêu của bitcoin là qua mặt sự kiểm soát tiền tệ của bất kỳ quyền lực tập trung nào, trong khi giúp đơn giản hóa giao dịch trực tuyến bằng cách cắt giảm các bên trung gian”, ông Csilla Zsigri, chuyên gia phân tích cao cấp tại công ty 451 Research (Mỹ), giải thích.
Tuy nhiên, theo ông Zsigri, cơn sốt điên cuồng về bitcoin nói riêng và tiền ảo nói chung buộc các chính phủ phải xem xét kỹ hơn về vai trò, tác động của chúng đối với tương lai thương mại, tài chính và ngân hàng trung ương trong nền kinh tế tương lai. Một số chính phủ đang thăm dò hoặc chủ động nghiên cứu về tiền số. Ông David Andolfatto, một nhà kinh tế thuộc chi nhánh Cục Dự trữ Liên bang tại thành phố St. Louis (Mỹ), cho rằng loại tiền ảo được chính phủ hỗ trợ sẽ mang lại sự minh bạch trong các giao dịch.
Mặc dù các ngân hàng và chính phủ có thể tạo ra tiền ảo riêng theo kiểu tiền pháp định nhưng chúng vẫn có những bất lợi nếu so với tiền ảo của bên thứ 3, như bitcoin. Lý do là tiền ảo của bên thứ 3 có thể được giao dịch mà không cần phải tuân thủ các quy định chống rửa tiền. Trong khi đó, ông Zsigri cho rằng một hệ thống tiền ảo do nhà nước hậu thuẫn sẽ ít tốn kém hơn và có ít trung gian hơn hệ thống hiện tại, và về lâu dài có thể giúp người sử dụng tiết kiệm thời gian và tiền bạc. Tuy nhiên, nó sẽ chịu mọi bất lợi mà những hệ thống tập trung đang có.