Thương vụ Việt Nam tại Đức
Thông tin địa chỉ Thương vụ Việt Nam tại Đức
Địa chỉ Thương vụ Việt Nam tại Đức: Rosa Luxemburg Str. 7 – 10178 Berlin - Germany.
Điện thoại: 0049 30 2298198/ 2292374
Email: de@moit.gov.vn
Fax: 0049 30 2291812
Tham tán: Ông Bùi Vương Anh.
Thông tin cơ bản về quan hệ thương mại giữa Việt Nam – Đức
Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu, chiếm 19% xuất khẩu của ta sang EU (bằng cả Anh và Pháp cộng lại). Đây cũng là cửa ngõ trung chuyển quan trọng của hàng hóa Việt Nam sang các thị trường khác ở châu Âu.
Với sự phục hồi nhanh của kinh tế Đức, trao đổi thương mại song phương từ năm 2011 đến nay tăng đều bất chấp tác động tiêu cực của khủng hoảng nợ châu Âu.
Đức ủng hộ EU sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam, sớm khởi động đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam – EU nhằm tăng cường trao đổi kinh tế, thương mại giữa hai nước.
Sau khi trở thành đối tác chiến lược, ngay trong năm 2011, mặc dù Đức bị tác động tiêu cực bởi dư chấn nợ công ở châu Âu, trong khi Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu thì trao đổi thương mại hai nước lần đầu tiên chạm ngưỡng 6 tỉ USD.
Chỉ số đó tiếp tục được duy trì và liên tục tăng trưởng, năm 2012 đạt 6,4 tỉ USD và năm 2014 nhích lên 7,8 tỉ USD, tăng hơn 1%; trong đó Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Đức đạt 5,18 tỉ USD, tăng gần 10% so với năm 2013.
Việt Nam được Đức xếp hạng đối tác thương mại thứ 40/144 nước xuất khẩu hàng hóa vào Đức, hạng 55/144 nước nhập khẩu hàng hóa từ Đức và hạng 47/144 đối tác thương mại chính trên kinh ngạch hai chiều.
Mặc dù kim ngạch xuất nhập khẩu với Việt Nam chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng giá trị kim ngạch ngoại thương của Đức, nhưng Đức vẫn coi Việt Nam là một thị trường tiềm năng và là bạn hàng quan trọng trong tương lai gần.
Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang Đức theo thứ tự tổng trị giá là giày dép, hàng dệt may, cà phê hạt, đồ gỗ, thủy sản, đồ da... Trong khi, Việt Nam nhập từ Đức chủ yếu là máy móc, thiết bị kĩ thuật, ô tô, máy dệt, dược phẩm, hóa chất.
Trong các nước EU và kể cả toàn châu Âu, Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch ngoại thương Việt – Đức đóng góp 28% kim ngạch ngoại thương Việt Nam – EU. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia thường kì các triển lãm, hội chợ quốc tế tại Đức như Anuga Colonge, Tendence, Koblenz, Resale Frankfurt, EXPO Hannover.
Thông qua các hội chợ, triển lãm này các doanh nghiệp Việt Nam đã thiết lập được nhiều quan hệ bạn hàng, kí được nhiều hợp đồng với các nhà nhập khẩu Đức cũng như với các doanh nhân nước ngoài khác.
Đứng đầu các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường Đức là hàng dệt may, tiếp theo là giày dép, cà phê, hàng thủ công mĩ nghệ, thủy sản, máy vi tính và linh kiện...
Ngược lại, Đức cũng là nguồn cung cấp nhiều máy móc, thiết bị, công nghệ tiên tiến cho chương trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu nhiều tân dược, chất dẻo và nguyên liệu công nghiệp từ Đức.
Mặc dù nhập khẩu từ Đức nhiều, Việt Nam vẫn liên tục xuất siêu, năm sau cao hơn năm trước nhờ xuất khẩu đạt khá.
Quan hệ thương mại song phương được đánh giá có một số thuận lợi như: thị trường Đức lớn và tương đối ổn định, sức mua của người tiêu dùng Đức lớn và đa dạng.
Một số sản phẩm Việt Nam như giày dép, máy tính... đã thâm nhập tốt và khẳng định được vị trí trên thị trường Đức; nhiều doanh nghiệp Việt đã thiết lập được quan hệ bạn hàng lâu dài, vững chắc với các doanh nghiệp Đức.
Không những thế, nhiều sản phẩm của Việt Nam được hưởng thuế ưu đãi GSP áp dụng chung trong toàn lãnh thổ EU; đội ngũ kĩ sư, cán bộ Việt Nam được Cộng hòa Dân chủ Đức đào tạo...
Doanh nghiệp Đức cũng có tập quán kinh doanh nghiêm túc, làm ăn chắc chắn, có tính chiến lược và có kế hoạch dài hạn. Đức có công nghệ hiện đại, khả năng cung cấp hàng hóa lớn với chất lượng cao.
Cùng với đó, mạng lưới 240 văn phòng đại diện và cho nhánh thương nhân từ 9/16 bang của Đức hoạt động rất tích cực tại Việt Nam.
Ngược lại, quan hệ thương mại giữa hai bên đang vướng một số thách thức như: mức độ cạnh tranh trên thị trường Đức nói riêng và EU nói chung ngày càng gay gắt, có chiều hướng bất lợi cho một số hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, nhất là sau khi Trung Quốc gia nhập WTO và 10 nước Đông Âu gia nhập EU.