|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thép Việt Nam có lợi thế cạnh tranh nhờ chi phí nguyên liệu thấp hơn Trung Quốc

08:30 | 24/07/2021
Chia sẻ
Sau khi căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc – Australia, giá than cốc tăng, đội chi phí sản xuất thép ở Trung Quốc nhích lên 8%. Điều này đang tạo lợi thế cạnh tranh cho thị trường thép Việt Nam.

Theo phân tích của Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) giá than ở cả Trung Quốc và Australia đều có cùng xu hướng tăng trong quý II nhưng vẫn có sự khác biệt trong mặt bằng giá than cốc ở hai thị trường này.

Việc Trung Quốc áp dụng lệnh trừng phạt không chính thức lên than Australia từ giữa năm 2020 làm ảnh hưởng tiêu cực đến nền sản xuất than cốc ở cả 2 quốc gia. 

Trung Quốc phải đối mặt với tình trạng thiếu cung than cốc, chi phí sản xuất thép tăng cao. Trong khi việc Australia mất đi một khách hàng lớn, làm giá than cốc giảm mạnh, tạo lợi thế cho các nhà sản xuất thép khác.

Nếu cộng thêm chi phí vận chuyển vào khoảng 30 - 50 USD/tấn, giá than cốc giao đến các quốc gia khác đang thấp hơn Trung Quốc rất nhiều.

Với sự khác biệt về giá than cốc, chi phí sản xuất thép ở Trung Quốc đang cao hơn khoảng 8% so với các thị trường khác.

Chi phí nguyên liệu thấp hơn Trung Quốc, thép Việt Nam có lợi thế cạnh tranh - Ảnh 1.

Giá than cốc tại 2 thị trường Trung Quốc và Australia (Nguồn: ACBS)

ACBS cho biết từ trước đến nay, ngành thép Việt Nam luôn phải chịu sự cạnh tranh gay gắt từ thép Trung Quốc trong nhiều năm do thị trường này có lợi thế sản xuất trên quy mô lớn.

Trong bối cảnh giá than đang tăng mạnh, chi phí phát điện cao, giá thép BOF Việt Nam chủ yếu sử dụng than cốc nhập từ Australia dường như đang có lợi thế đôi chút về chi phí so với thép sử dụng công nghệ lò EAF. Điều này giúp thép Việt Nam có sức cạnh tranh lớn hơn trên thị trường.

Chi phí nguyên liệu thấp hơn Trung Quốc, thép Việt Nam có lợi thế cạnh tranh - Ảnh 2.

Giá thép nội địa của Việt Nam (Nguồn: ACBS)

Ngành công nghiệp thép Trung Quốc chiếm đến gần một nửa tổng lượng sản xuất thép trên toàn thế giới. Tuy nhiên, thép từ lò BOF đang chiếm từ 85 - 90% tổng sản lượng thép của quốc gia này trong khi tỷ lệ này ở Mỹ và EU chỉ từ 30 - 40%.

Trung Quốc đang đối mặt với vấn đề cắt giảm tỷ trọng của công nghệ BOF trong sản xuất thép mà vẫn đảm bảo đủ sản lượng cho nhu cầu tiêu thụ.

ACBS nhận định khi chi phí sản xuất thép nội địa Trung Quốc tăng cao, nước này có khả năng sẽ tìm kiếm các nguồn nhập khẩu thép thô thay vì sản xuất trong nước.

Các số liệu cũng cho thấy lượng thép nhập khẩu từ các quốc gia lân cận như Ấn Độ, Hàn Quốc, Việt Nam và Nhật Bản đang có xu hướng tăng mạnh. Việc gia tăng nhập khẩu thép của Trung Quốc nằm kế hoạch cắt giảm lượng khí thải CO2.

Hoàng Anh