Thương vụ M&A cao lịch sử ngành game của Microsoft hé lộ chiến địa mới giữa các ông lớn công nghệ
Việc Microsoft chi 75 tỷ USD để mua lại nhà phát hành game Activision Blizzard được coi là một "quả bom" trong ngành công nghiệp game. Bên cạnh quy mô thương vụ, triển vọng của "ông lớn" công nghệ có giá trị 2.000 tỷ USD trong việc trở thành người dẫn đầu mảng game cũng làm dấy lên dự đoán về việc ngành công nghiệp này có thể sẽ được "tái tổ chức", theo Financial Times.
Nhiều chuyên gia dự đoán việc Microsoft mua lại Activision Blizzard sẽ tiếp tục bổ sung thêm các xu hướng vốn đang tái định hình ngành game trong vài năm trở lại đây, bao gồm mảng game streaming. Từ đó, thị trường có thể sẽ đón nhận các "đế chế" game lớn chưa từng có.
Quy mô người dùng khổng lồ của mảng game phù hợp với thế mạnh của các công ty có thể xây dựng và quản lý các mô hình kinh doanh trực tuyến lớn để chia sẻ chi phí hoạt động, ông Bing Gordon, một nhà đầu tư và lãnh đạo cao cấp lâu nắm trong mảng game, nhận định,
Khi so sánh áp lực xây dựng mảng game với cuộc chiến streaming video đang diễn ra, ông nói thêm rằng: "Ai đó sẽ phát triển một dịch vụ game với hàng trăm triệu người đăng ký".
Trong khi đó, ông Satya Nadella, CEO Microsoft, nói rằng việc mua lại Activision Blizzard là một bước tiến của Microsoft vào metaverse, "vũ trụ ảo" mà nhiều "ông lớn" công nghệ tin rằng là cuộc cách mạng tiếp theo của internet. Trước đó, game vẫn được xem là một con đường dẫn tới một thế giới trực tuyến với trải nghiệm toàn diện hơn.
Các công ty công nghệ lớn nhất có động lực lớn để phát triển mảng game toàn diện, ông Michael Wolf, một nhà tư vấn truyền thông đa phương tiện, nói. "Bất kỳ ai trong số các công ty công nghệ lớn đều biết rằng game sẽ là mảng tương trưởng tiếp theo và gắn liền với tham vọng của họ ở mảng metaverse".
Với việc thế giới game mở rộng thành nơi người chơi có thể thực hiện mua sắm hoặc xem phim, "tất cả những gì bạn làm ở thế giới thực đều có thể làm được trong game", ông Wolf nói thêm.
Nếu quan điểm của ông Wolf là chính sách, game sẽ trở thành "chiến trường" tiếp theo của các công ty công nghệ muốn tiếp tục là tâm điểm đời sống số của người dùng.
Những sự hoài nghi bên trong ngành công nghiệp
Sự căng thẳng diễn ra trên thị trường chứng khoán sau khi thương vụ Microsoft mua lại Activision Blizzard được công bố cho thấy nhiều nhà đầu tư đồng ý rằng một điều gì đó quan trọng sắp xảy ra.
Giá cổ phiếu của một số nhà phát hành game lớn khác tăng mạnh với dự đoán cho rằng họ có thể sẽ tìm kiếm các thương vụ để tăng qua mô hoặc hợp tác sâu hơn với các nhà phân phối game quyền lực, tương tự như cách Activision đang thực hiện với Microsoft. Giá cổ phiếu Sony giảm 13% với lo lắng rằng nó có thể vừa bị tụt lại phía sau.
Thế nhưng cú sốc với thị trường chứng khoán sớm mờ đi. Giá cổ phiếu Sony cho thấy dấu hiệu phục hồi chỉ trong 24 giờ sau đó. Trign khi đó, cú tăng giá trong cổ phiểu của nhiều nhà phát hành game khác không đủ bù đắp đợt sụt giảm trước đó khi đại dịch COVID-19 có những dấu hiệu giảm nhiệt.
Phản ứng đầu tiên của thị trường về việc Microsoft mua lại Activision Blizzard là một làn sóng thâu tóm, sáp nhập tiếp theo là một phản ứng đơn giản, một nhân sự cấp cao tại một trong những nhà phát hành game lớn nhất nói.
Một số chuyên gia khác trong ngành thì cho rằng nó là một bằng chứng cho thấy cạnh tranh ngày càng lớn hơn trong một cuộc chiến vốn đã khốc liệt giữa Xbox (Microsoft) và PlayStation (Sony).
"Ảnh hưởng chính của nó sẽ là một đợt khởi động lại của cuộc chiến máy chơi game thay vì chuyển từ cuộc chiến máy chơi game sang cuộc chiến nói chung trên nhiều nền tảng", ông Pelham Smithers, một nhà phân tích ngành chia sẻ.
Ngay cả khi sự hoài nghi là chính xác và rằng việc mua Activision Blizzard của Microsoft không thực sự có tác động lớn đến toàn ngành, động thái của Microsoft cũng mang một ý nghĩa lớn.
Các trò chơi của Activision Blizzard như Call of Duty, World of Warcraft và Candy Crush hiện đang thu hút hàng trăm triệu người chơi và có mặt trên nhiều nền tảng khác như như máy chơi game, PC và smartphone. Nhà phát hành các trò chơi này cũng tìm ra nhiều nguồn doanh thu khác nhau như quảng cáo, mua nội dung trong game và đăng ký chơi game.
"15 năm trước bạn có khoảng 200 triệu game thủ trên thế giới và hiện nay con số này là 2,7 tỷ", ông Neil Campling, một nhà phân tích công nghệ tại Mirabaud Securities, chia sẻ. "Game trở thành nội dung đa phương tiện lớn nhất".
Một số công ty công nghệ lớn cũng đang có hiện diện rõ nét ở mảng game dù có thể họ chưa tự mình sản xuất các tựa game. Trong số này có Google và Apple với vai trò là người "gác cổng" các kho ứng dụng lớn nhất thế giới. Twitch (Amazon) và YouTube (Google) cũng thu hút nhiều người xem các video về game. Bên cạnh đó, thông qua Oculus, Facebook cũng đang có vị thế ở mảng thực tế ảo dù còn sơ khai.
Meta, công ty mẹ của Facebook, là một trong số các công ty mà Activision Blizzard đã tiếp cận để thảo luận về khả năng thâu tóm, một nguồn tin thân cận cho biết.
Kathryn Rudie Harrigan, một giáo sư tại Đại học Columbia, nhận định rằng mua lại Activision Blizzard giúp Microsoft thu ngắn khoảng cách với Meta trong cuộc đua xây dựng metaverse.
Cơ quan quản lý và các đối thủ
Các công ty công nghệ lớn có ví tiền dày để thực hiện các đơn đầu tư lớn vào mảng game. Ngay cả đối với một công ty lớn như Sony, mua lại Activision vẫn là một bài toán tài chính đau đầu khi nó tương đương hơn 1 nửa giá trị vốn hoá của công ty này.
Ngược lại, chi phí mua lại Activision Blizzard chỉ tương đương 3% giá trị vốn hoá của Microsoft. Thương vụ Microsoft - Activision Blizzard được dự đoán sẽ được các nhà điều hành kiểm tra gắt gao và có thể cần tới 18 tháng để hoàn thành.
Google và Amazon đang nỗ lực phát triển game tuy nhiên chưa đạt được nhiều điểm nhấn. Họ tụt lại phía sau Microsoft khi hãng này xây dựng được mảng kinh doanh game khá thành công trong 2 thập niên sau khi ra mắt máy chơi game Xbox. Dù vậy, Microsoft sẽ cạnh tranh với nhiều "ông lớn" ngành game khác bao gồm Tencent hay Sony.
Tác động đầu tiên của việc mua lại Activision Blizzard có lẽ sẽ được thể hiện ở cuộc chiến máy chơi game. Sau khi để mấy doanh số và người dùng cho PlayStation (Sony) trong 2 đời máy gần đây nhất, mua lại Activision Blizzard có thể sẽ giúp Microsoft tìm lại được chỗ đứng nhờ các tựa game độc quyền.
Bên cạnh đó, nó cũng có thể có tác động tích cực đến dịch vụ đăng ký chơi game mang tên Game Pass của Microsoft. Và, theo ông Nadella, thương vụ này còn có thể giúp Microsoft có vị thế tốt hơn để tiếp cận người dùng di động ở các thị trường mới nổi..
Dưới sức ép của các cơ quan quản lý, Microsoft sẽ không muốn xuất hiện với hình ảnh một nhà độc quyền với các tựa game của Activision Blizzard. Ông Phil Spencer, người đứng đầu mảng game của Microsoft, chia sẻ trên Twitter rằng Microsoft muốn "giữ Call of Duty trên PlayStation".
Với dịch vụ đăng ký chơi game vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ trong doanh thu của ngành game, việc đưa Call of Duty thành một trò chơi độc quyền trên Game Pass không mang lại lợi ích kinh tế cho Microsoft. Microsoft phải cần có thêm 5 triệu người đăng ký chơi game mới bù đắp được doanh số mất đi khi đưa Call of Duty rời khỏi nền tảng PlayStation.
Với nhận định này, Activision Blizzard về tay Microsoft sẽ không mang đến nhiều xáo trộn trong tương lai gần. Dù vậy, cấu trúc ngành game trong dài hạn được kỳ vọng sẽ có nhiều điều để nói.