Thước đo thành công của Warren Buffett: Tài khoản có bao nhiêu tiền không quan trọng bằng việc có bao nhiêu người yêu quý
Tỷ phú Warren Buffett là một biểu tượng trong lĩnh vực tài chính. Trong cuốn tiểu sử về Warren Buffett, “The Snowball: Warren Buffett and the Business of Life”, tác giả Alice Schroeder đã viết về thời điểm Buffett thuyết trình tại Đại học Georgia. Tại đây, các sinh viên đã hỏi ông về định nghĩa của sự thành công.
“Khi bạn sắp kết thúc cuộc đời, thước đo thành công duy nhất của bạn phải là số lượng "người mà bạn mong muốn sẽ yêu bạn thực sự làm điều đó”, tỷ phú Warren Buffett trả lời.
“Tôi biết những người có rất nhiều tiền. Họ nhận được những sự đãi ngộ đặc biệt. Tuy nhiên, sự thật là không ai trên thế giới này yêu họ cả. Nếu bạn ở độ tuổi của tôi và không có ai trên đời này nghĩ tốt về bạn, thì con số trong tài khoản của bạn chẳng có ý nghĩa gì cả. Cuộc đời bạn đúng nghĩa là một thảm họa”, ông chủ Berkshire Hathaway nói thêm
Đồng quan điểm với tỷ phú Warren Buffett, một tỷ phú tự thân khác đã nói rằng số tiền mà bạn thật sự trân trọng, không phải sự giàu có hay thành tích cá nhân, mới là thước đo cuối cùng cho sự thành công.
Quan điểm về tình yêu
Tình yêu là một trong những cảm xúc mạnh mẽ nhất mà con người có thể cảm nhận được, nhưng chúng ta vẫn sống trong một xã hội theo chủ nghĩa cá nhân. Chúng ta bắt đầu với các dự án kinh doanh của mình và lập kế hoạch chiến lược cho con đường sự nghiệp với hy vọng tìm kiếm danh tiếng và sự giàu có.
Chúng ta cảm thấy cuối cùng đã đạt được đỉnh cao khi có thể đi nghỉ hai lần một năm đến những hòn đảo kỳ lạ và có những chiếc xe hơi sang trọng trong nhà garage. Chúng ta mơ về việc có tất cả những thứ này. Đấy liệu có phải là tình yêu?
Buffett nói với các sinh viên: “Tình yêu không phải thứ dùng để giao dịch. Cách duy nhất để có được tình yêu là trở nên đáng yêu. Đôi khi, việc có rất nhiều tiền sẽ khiến bạn cảm thấy khó chịu. Bạn nghĩ rằng mình có thể mua tình yêu với giá 1 triệu USD? Nhưng tình yêu không hoạt động theo cách đó. Bạn càng cho đi nhiều, bạn càng nhận lại được nhiều”.
Vậy làm thế nào chúng ta có thể tuân theo nguyên tắc thành công của Warren Buffett theo cách mà chúng ta có thể thực sự để lại di sản cho xã hội? Theo CNBC Make It, có những cách để đạt được tình yêu theo những gì được tỷ phú Warren Buffett định nghĩa
Cho đi và không mong được đáp lại
Quy luật của tình yêu là tương hỗ. Khi chúng ta chọn yêu ai đó vô điều kiện bằng cách tin tưởng vào họ, tình yêu sẽ đến với chúng ta một cách đầy đủ thông qua sự tôn trọng, ngưỡng mộ, tin tưởng và trung thành từ đối phương.
Ngoài ra, khi nhận được những điều đó, chúng ta sẽ trở nên rộng lượng hơn. Một nghiên cứu năm 2011 do Đại học California thực hiện cho thấy lòng trắc ẩn có thể giúp bản thân tăng động lực, ý chí và khả năng phục hồi sau mỗi lần thất bại. Một nghiên cứu khác, được công bố vào năm 2007 trên Tạp chí Nghiên cứu Nhân cách, kết luận rằng những người có lòng trắc ẩn với bản thân thường vui vẻ, lạc quan và thể hiện sự chủ động hơn.
Đồng cảm với mọi người
Sự đồng cảm là một trong những đặc điểm phổ biến nhất của những người đáng mến (hoặc, như Buffett thích nói, "đáng yêu"). Sự đồng cảm thực sự xảy ra khi bạn “có thể xỏ vừa chân vào giày của người khác”, tức cùng chung quan điểm với họ.
Sự đồng cảm cũng đóng vai trò quan trọng trong khả năng gây ảnh hưởng đến người khác. Trong một nghiên cứu DDI với hơn 15.000 nhà lãnh đạo trong 20 ngành nghề khác nhau, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng khả năng lắng nghe và phản hồi bằng sự đồng cảm là động lực quan trọng nhất thúc đẩy hiệu suất tổng thể của nhóm.
Biến công việc trở nên thú vị
Khi bạn tận hưởng công việc đồng nghĩa với việc bạn đang tận hưởng cuộc sống. Trong cuốn tiểu sử về Warren Buffett của Carol J. Loomis, “Tap Dancing to Work: Warren Buffett on Practice Everything”, tác giả đã đề cập đến một câu nói của tỷ phú người Mỹ: “Tôi yêu mỗi ngày. Ý tôi là, tôi tập nhảy ở đây và không làm việc gì ngoài nhảy cùng những người tôi thích. Không có công việc nào trên thế giới này vui hơn việc điều hành Berkshire, và tôi tự cho rằng mình thật may mắn khi được đứng ở vị trí hiện tại”.
Điều này có nghĩa là trong một môi trường văn hóa tích cực, nơi mọi người có cùng giá trị, niềm tin và chuẩn mực, bạn sẽ tìm thấy một nhóm người có hiệu suất cao thu hút những người cùng cấp độ.
Đối xử với người khác theo cách họ muốn được đối xử
Khi còn nhỏ, chúng ta thường được dạy Quy tắc vàng: "Hãy đối xử với người khác như cách bạn muốn được đối xử". Tuy nhiên, Quy tắc bạch kim đã đưa nó lên một cấp độ hoàn toàn mới: “Hãy đối xử với người khác theo cách họ muốn được đối xử”.
Khi tuân theo Quy tắc bạch kim, chúng ta có thể chắc chắn rằng đang tôn trọng những gì người khác muốn, thay vì quy chụp chung về một hệ quy chiếu giống bản thân. Điều đó không có nghĩa là chúng ta nên bỏ qua Quy tắc vàng, nhưng nên nhận ra những hạn chế của quy tắc này vì mỗi người trong mỗi hoàn cảnh sẽ khác nhau.
Theo đuổi đam mê của bạn
Muốn có được nghề nghiệp mơ ước thì phải theo đuổi đam mê của mình. Đây là một quy tắc đơn giản. Nhiều người cho rằng mức lương cao ngất ngưởng và một công việc ổn định là định nghĩa của sự thành công, mặc dù họ đang làm những công việc mà bản thân không hề yêu thích.
Là con người, làm những gì chúng ta yêu thích là một đóng góp lớn vào hạnh phúc thực sự trong cuộc sống. Vì vậy, nếu chưa biết đam mê của mình là gì, đã đến lúc để bạn đi tìm nó.