|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Thuê tài chính – giải pháp giúp doanh nghiệp Việt vượt qua các rào cản tiếp cận vốn

21:00 | 04/08/2018
Chia sẻ
Thuê tài chính được đánh giá là có tiềm năng phát triển mạnh tại Việt Nam, nhất là trong bối cảnh nhu cầu nguồn vốn trung dài hạn của doanh nghiệp ngày càng tăng. Đây sẽ là giải pháp quan trọng giúp doanh nghiệp Việt vượt qua các rào cản tiếp cận vốn.
thue tai chinh giai phap giup doanh nghiep viet vuot qua cac rao can tiep can von Agribank đang hoàn thành thủ tục bán và phá sản hai công ty cho thuê tài chính
thue tai chinh giai phap giup doanh nghiep viet vuot qua cac rao can tiep can von

Ảnh minh họa. Nguồn: Shutterstock

Cho thuê tài chính là gì?

Hình thức cho thuê tài chính ra đời vào năm 1952 ở Mỹ và hiện được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới, đặc biệt là ở các nước phát triển như Anh, Mỹ, Nhật Bản... Năm 2015, tổng giá trị thị trường cho thuê tài chính toàn cầu đạt gần 1.000 tỷ USD, theo White Clarke Global Report. Bắc Mỹ dẫn đầu thị phần cho thuê tài chính theo doanh số với 38%, châu Âu 37% và châu Á 20%.

Theo Điều 113 Luật các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 được Quốc hội Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 16/6/2010, cho thuê tài chính là việc cấp tín dụng trung và dài hạn trên cơ sở hợp đồng cho thuê tài chính. Theo đó, bên cho thuê (công ty cho thuê tài chính) sẽ mua tài sản theo yêu cầu của bên thuê (cá nhân hoặc doanh nghiệp), thanh toán tiền mua tài sản và nắm giữ quyền sở hữu đối với tài sản trong suốt thời hạn thuê. Còn bên thuê sẽ nắm quyền sử dụng tài sản trong thời hạn thuê và có nghĩa vụ thanh toán tiền thuê.

Loại tài sản thuê sẽ phụ thuộc vào lĩnh vực kinh doanh của bên thuê, thường là thiết bị, phương tiện vận tải, dây chuyền sản xuất cũng như các loại động sản khác.

thue tai chinh giai phap giup doanh nghiep viet vuot qua cac rao can tiep can von

TS. Cấn Văn Lực tại hội thảo “Thuê tài chính – lời giải vốn trung dài hạn cho doanh nghiệp Việt Nam và kinh nghiệm từ Nhật Bản”

Nêu những điểm khác biệt quan trọng của cho thuê tài chính so với tín dụng truyền thống, TS. Cấn Văn Lực – chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nhấn mạnh: Thứ nhất, cho thuê tài chính gắn liền với một tài sản cụ thể: thiết bị, máy móc, ô tô, thậm chí cả máy bay. Thứ hai, doanh nghiệp không cần bỏ tiền ra để mua tài sản đó, tránh được rủi ro lạc hậu công nghệ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Thứ ba là thời gian thuê rất linh hoạt, tùy theo loại tài sản và năng lực tài chính của doanh nghiệp. Thứ tư, doanh nghiệp không cần phải có tài sản thế chấp. Hơn nữa, khâu thủ tục cho thuê cũng dễ dàng hơn so với kênh vay vốn thông thường.

Tiềm năng thị trường Việt Nam

Tại thị trường Việt Nam, công ty cho thuê tài chính đầu tiên được thành lập vào năm 1996, nhưng đến năm 2001, khi Nghị định 16/2001/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của công ty cho thuê tài chính được ban hành, hoạt động cho thuê tài chính mới có đầy đủ môi trường và điều kiện pháp lý để phát triển.

Trên thực tế, quy mô hoạt động của thị trường cho thuê tài chính tại Việt Nam còn rất nhỏ, và vẫn còn rất ít doanh nghiệp biết đến hình thức thuê tài chính. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, chỉ mới có 11 công ty cho thuê tài chính hoạt động tại Việt Nam, với dư nợ cho thuê tài chính quý I/2018 chỉ vào khoảng 370 triệu USD. Vì vậy, thuê tài chính được đánh giá là còn tiềm năng phát triển mạnh tại Việt Nam, nhất là trong bối cảnh nhu cầu nguồn vốn trung dài hạn của doanh nghiệp ngày càng tăng như hiện nay. Đây sẽ là một giải pháp quan trọng giúp doanh nghiệp vượt qua các rào cản tiếp cận vốn.

thue tai chinh giai phap giup doanh nghiep viet vuot qua cac rao can tiep can von

Ông Nguyễn Thiều Sơn - TGĐ Công ty BSL

Phát biểu tại hội thảo “Thuê tài chính – lời giải vốn trung dài hạn cho doanh nghiệp Việt Nam và kinh nghiệm từ Nhật Bản”, ông Nguyễn Thiều Sơn – Tổng giám đốc Công ty cho thuê tài chính BIDV-SuMi TRUST (gọi tắt là BSL, là công ty liên doanh giữa BIDV và tập đoàn ngân hàng tín thác lớn nhất Nhật Bản SuMi TRUST) cho biết, thuê tài chính không những mang lại nhiều lợi ích cho bên thuê mà còn cho cả nhà cung cấp, giúp họ mở rộng việc bán hàng, tránh rủi ro trong thu hồi tiền bán hàng, đồng thời bán được hàng hóa kèm theo dịch vụ gia tăng. “Sự ra đời và phổ biến của hoạt động cho thuê tài chính cũng như công ty cho thuê tài chính là điều tất yếu trong sự hoàn thiện hệ thống tài chính. Có thể nói, giải pháp cho thuê tài chính sẽ đóng vai trò lớn trong việc gia tăng thêm nguồn vốn trung dài hạn cho doanh nghiệp và cho nền kinh tế Việt Nam”, ông Lê Trung Thành – Phó tổng giám đốc ngân hàng BIDV nhận định.

Kinh nghiệm từ Nhật Bản

Ông Fujita Takeshi – chuyên gia từ tập đoàn ngân hàng tín thác SuMi TRUST, Phó tổng giám đốc BSL cho biết, tại thị trường Nhật, cho thuê tài chính đóng vai trò không thể thiếu đối với sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế Nhật Bản nói chung. Thực tế, có hơn 90% doanh nghiệp tại Nhật Bản đang sử dụng dịch vụ thuê tài chính, với các loại tài sản thuê chủ yếu là thiết bị thông tin truyền thông, ô tô, máy móc thiết bị công nghiệp, thiết bị sử dụng trong thương mại và dịch vụ, thiết bị văn phòng…

Thị trường cho thuê tài chính tăng trưởng nhanh cùng với sự tăng trưởng cao của nền kinh tế Nhật. Sau khi công ty cho thuê tài chính đầu tiên ra đời ở Nhật vào năm 1963, chỉ trong vòng 30 năm phát triển, giá trị đầu tư thiết bị tư nhân bằng hình thức thuê tài chính ở Nhật đã đạt mức 7.000 tỷ yen (khoảng 70 tỷ USD), chiếm khoảng 8% tổng đầu tư thiết bị tư nhân tại Nhật. Theo Báo cáo xu hướng nhu cầu cho thuê tài chính năm 2015, ba lý do hàng đầu khiến doanh nghiệp Nhật Bản chọn sử dụng sản phẩm cho thuê tài chính là: (1) không cần vốn ban đầu khi đầu tư thiết bị, (2) tiết kiệm nguồn lực cho các việc quản lý hành chính và (3) dễ dàng nắm bắt được chi phí. Đặc biệt, các công ty muốn mở nhiều cửa hàng cùng lúc sẽ rất quan tâm đến yếu tố chi phí dự kiến, vì nhờ đó, họ sẽ dễ dàng ước tính được chi phí phải bỏ ra cho từng cửa hàng, theo ông Fujita Takeshi.

Với sự hiện diện của hàng trăm công ty cho thuê tài chính, Phó tổng giám đốc BSL nhận định, thị trường cho thuê tài chính ở Nhật đã chuẩn bị bão hòa. So với con số 243 công ty cho thuê tài chính tại Nhật (các công ty có tham gia Hiệp hội các doanh nghiệp cho thuê tài chính vào năm 2016) thì số lượng trên dưới 10 công ty cho thuê tài chính đang hoạt động ở Việt Nam còn rất khiêm tốn, dù lĩnh vực này đã khởi đầu tại Việt Nam hơn 20 năm. Vì vậy, ông cũng đánh giá rất cao tiềm năng cho sự phát triển của lĩnh vực cho thuê tài chính ở thị trường Việt Nam và mong rằng có thể tận dụng những kinh nghiệm, bí quyết ở thị trường Nhật vào thị trườn Việt Nam, đồng thời phối hợp với BIDV nhằm thực hiện một số thay đổi cần thiết để tạo nên những sản phẩm cho thuê tài chính phù hợp với nhu cầu đa dạng của các doanh nghiệp Việt Nam.

Xem thêm

Bích Trâm