Thực hư việc sao kê tài khoản của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng bị lộ?
Thông tin được bà Nguyễn Phương Hằng, vợ của đại gia Huỳnh Uy Dũng (Dũng "lò vôi"), tiết lộ đã thu hút được sự quan tâm lớn của cộng đồng mạng, với hàng triệu lượt xem trên các kênh mạng xã hội.
Đáng chú ý, bà Phương Hằng cho biết số tiền thực sự trong khoản từ thiện của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng lên tới hơn 96 tỷ đồng, chứ không phải 1,8 tỷ đồng như ca sĩ đã công bố.
Trước những thông tin này, đến sáng ngày 25/8, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã lên tiếng về sự việc. Trên fanpage cá nhân, nam ca sĩ sinh năm 1971 đã phủ nhận những thông tin từ bà Phương Hằng và cho biết sẵn sàng hợp tác cùng các cơ quan chức năng cũng như ngân hàng để điều tra sự việc.
Khoan bàn đến câu chuyện thật giả, việc bà Phương Hằng cho biết đang nắm giữ sao kê từ tài khoản ngân hàng của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đang dấy lên nghi vấn lộ lọt thông tin khách hàng từ phía ngân hàng. Sự việc tương tự như trường hợp đã xảy ra với nghệ sĩ Hoài Linh trước đó.
Theo tìm hiểu của người viết, luật Các tổ chức tín dụng 2010 có quy định rất rõ về việc bảo mật thông tin.
Cụ thể, luật quy định Tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải bảo đảm bí mật thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi và các giao dịch của khách hàng tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Bên cạnh đó, không được cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi, các giao dịch của khách hàng tại TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho tổ chức, cá nhân khác, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng.
Theo Điều 47, Nghị định 88/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, việc cung cấp, làm lộ, sử dụng thông tin khách hàng của TCTD không đúng mục đích theo quy định của pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng.
Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho biết theo quy định trong luật, ngân hàng chỉ được phép cung cấp thông tin trong ba trường hợp: khách hàng yêu cầu, khách hàng đồng ý, khách hàng cho phép; (2) theo yêu cầu của cơ quan chức năng nhà nước, cơ quan pháp luật (toà án, công an, cơ quan thuế,...); (3) phục vụ cho hoạt động nội bộ.
Nếu không nằm trong các trường hợp trên thì sẽ bị xử phạt vi phạm theo Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14-11-2019 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng:
"Hành vi của cá nhân làm lộ hoặc cung cấp thông tin khách hàng không đúng quy định thì có thể bị phạt tiền từ 30 – 40 triệu đồng theo quy định tại Điều 47. Vi phạm quy định về chế độ báo cáo, quản lý và cung cấp thông tin. Đối với tổ chức vi phạm thì phạt gấp 2 lần mức này", ông cho biết.
Bên cạnh đó, cá nhân sẽ phải chịu các hình thức kỷ luật từ phía tổ chức tín dụng (theo quy định của bộ luật lao động) có thể từ khiển trách tới chấm dứt hợp đồng lao động hay bồi thường thiệt hại nếu có.
Trước đó, vụ việc tương tự cũng đã xảy ra đối với Ngân hàng Quân Đội (MB) khi phát hiện một cá nhân làm việc tại ngân hàng để lộ lọt thông tin của khách hàng; theo đó, cá nhân này đã vi phạm nghiêm trọng quy định của ngân hàng.
Ngay sau đó, ngân hàng cho biết đã đình chỉ công việc cá nhân vi phạm và sẽ tổ chức thi hành kỷ luật với hình thức cao nhất cá nhân vi phạm, đồng thời ngân hàng đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra xử lý.
Vấn đề rò rỉ thông tin của khách hàng phần nào "dấy" lên nghi vấn về tính bảo mật của ngân hàng dù nguyên nhân từ nhân viên hay do lỗi hệ thống. Do vậy, ngân hàng liên quan cùng các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc, điều tra, làm rõ; tránh tình trạng gây hoang mang dư luận, đánh mất niềm tin từ phía khách hàng.