|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thủ tướng Phạm Minh Chính: 'Làm sao để thương hiệu gạo Việt Nam có thể tồn tại 100 năm, thậm chí ngàn năm?'

14:00 | 14/08/2023
Chia sẻ
Lấy thương hiệu VinaRice (Tập đoàn PAN) làm ví dụ, Thủ tướng cho rằng có khi nhắc đến lúa gạo Việt Nam thì người ta sẽ nhớ đến thương hiệu này và có thể tồn tại 100, thậm chí cả ngàn năm. Muốn vậy, ngành gạo cần tập trung đầu tư xây dựng và phát triển thương hiệu.

Sáng 13/8, trong chương trình công tác tại tỉnh Đồng Tháp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tới thăm nhà máy chế biến gạo của Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam (Vinarice) – một đơn vị thuộc Vinaseed, thành viên Tập đoàn PAN, tại cụm công nghiệp Trường Xuân, huyện Tháp Mười.

Đây là một trong những nhà máy chế biến gạo và nông sản lớn nhất Việt Nam với tổng vốn đầu tư 350 tỷ đồng, công suất chế biến bảo quản 100.000 tấn gạo/năm và 50.000 tấn giống/năm.

Doanh nghiệp nông nghiệp Việt xây nền kinh tế tự chủ, tích cực tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Chuyến thăm Vinarice của Thủ tướng diễn ra trong bối cảnh thị trường gạo toàn cầu đang chứng kiến những diễn biến phức tạp. Theo đó, hồi cuối tháng 7, Ấn Độ ra lệnh cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo trắng thường (trừ gạo trắng basmati) của nước này, nhằm mục đích kiểm soát giá trong nước. Sau Ấn Độ, chỉ trong vòng 10 ngày, các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Nga đều ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo.

Diễn biến này đẩy giá gạo tăng cao và mang lại lợi ích kinh tế trong ngắn hạn cho doanh nghiệp lúa gạo Việt Nam. Từ cơ hội đó, các doanh nghiệp càng cần nâng cao năng lực dài hạn để tạo dựng vị thế trên thương trường.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Nhà máy chế biến gạo Vinarice - Tập đoàn PAN. (Ảnh Dương Giang/TTXVN)

Tại chuyến thăm, Thủ tướng nhấn mạnh về việc xây dựng nền kinh tế tự chủ, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả, đồng thời ghi nhận việc Tập đoàn PAN đã tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Để làm được như vậy, doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam phải nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm và đặc biệt chú trọng xây dựng, phát triển thương hiệu nông sản Việt nói chung cũng như của công ty nói riêng.

“Làm sao để khi nhắc đến Vinarice, người tiêu dùng nghĩ ngay đến gạo Việt Nam và thương hiệu có thể tồn tại 100 năm, thậm chí cả ngàn năm” – Thủ tướng nói.

Sau khi xây dựng được thương hiệu, doanh nghiệp cần quy hoạch vùng nguyên liệu với quỹ đất hợp lý, bảo đảm lợi ích phù hợp cho người nông dân, góp phần công nghiệp hoá nông thôn.

Để làm được điều đó, cần đầu tư chế biến sâu; nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao năng suất và chất lượng gắn liền với sản xuất xanh, giảm phát thải khí; ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc. Doanh nghiệp cũng không thể quên đầu tư hình thức cho bao bì mẫu mã để nâng tầm sản phẩm.

Thủ tướng nhấn mạnh, làm sao để khi nhắc đến Vinarice, người tiêu dùng nghĩ ngay đến gạo Việt Nam và thương hiệu có thể tồn tại 100 năm, thậm chí cả ngàn năm. (Ảnh VGP/Nhật Bắc)

Thủ tướng cho rằng, trong quá trình hội nhập, doanh nghiệp Việt cần tích cực hợp tác bền vững với các đối tác, coi trọng văn hoá, đạo đức kinh doanh, phát huy truyền thống, đạo lý của con người Việt Nam.

Đồng thời, xây dựng chuỗi liên kết "5 nhà" bao gồm: Nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nông, nhà kinh doanh (bao gồm ngân hàng) và người tiêu dùng, trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ". Các doanh nghiệp cần xây dựng hệ sinh thái là các hợp tác xã, cơ sở sản xuất, hộ nông dân với thoả thuận hợp tác lâu dài, hài hoà lợi ích, ổn định thị trường, phát triển văn hoá kinh doanh.

Cách làm của PAN

Tập đoàn PAN cho biết, gạo từ nhà máy Vinarice được phân phối đến tay người tiêu dùng khắp cả nước, đồng thời xuất khẩu sang nhiều thị trường quốc tế như Bắc Mỹ, Anh, Châu Âu, Úc, Mông Cổ...

Qua khảo sát, Thủ tướng đánh giá Vinarice là một trong những đơn vị đang thực hiện tốt các nhiệm vụ của Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo định hướng nông dân văn minh, thu nhập cao, nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại. Vinarice cũng là doanh nghiệp đa dạng hoá sản phẩm, tích cực tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thủ tướng biểu dương Tập đoàn đã đầu tư cơ sở sản xuất gạo chất lượng cao, góp phần xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo và nâng cao đời sống cho người nông dân. (Ảnh: CTCP Tập đoàn PAN)

Điều này được thể hiện trong thực tế khi công ty đã xây dựng thành công chuỗi giá trị lúa gạo từ nghiên cứu - canh tác, sản xuất - sau thu hoạch - thương mại với hai lĩnh vực chính.

Thứ nhất, tổ chức sản xuất và cung ứng các dòng sản phẩm giống cây trồng bản quyền như giống lúa Đài Thơm 8, Thơm RVT, Hương Châu 6, VNR20, Japonica DS1. Đặc biệt giống lúa Đài Thơm 8 sản phẩm đoạt giải Nhì giải thưởng sáng tạo KHCN Việt Nam – VIFOTEC.

Hiện nay, Đài thơm 8 đang chiếm gần 40,1% cơ cấu gạo xuất khẩu của Việt Nam. Sản phẩm Đài Thơm 8 được nhiều địa phương lựa chọn là giống chủ lực phục vụ quy hoạch vùng sản xuất lúa chất lượng, bền vững với tổng diện tích sản xuất lúa Đài Thơm hiện nay đạt trên 1 triệu ha/năm.

Thứ hai, tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị lúa gạo an toàn, tổ chức chuyển giao kỹ thuật giống cây trồng, ứng dụng và chuẩn hóa các giải pháp canh tác bền vững: 3 giảm, 3 tăng, quản lý dịch hại tổng hợp IPM. Trong quá trình này, doanh nghiệp áp dụng quy trình sản xuất sạch chứng nhận VietGap, ứng dụng quản lý Farm Record để truy xuất nguồn gốc.

Các sản phẩm từ đồng ruộng được đưa về nhà máy với hệ thống dây chuyền chế biến đồng bộ hiện đại của Nhật Bản, được quản lý, vận hành theo tiêu chuẩn HACCP, FSSC22000 qua đó tạo ra các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn an toàn và chất lượng khắt khe nhất của nhà xuất khẩu và phân khúc thị trường nội địa cao cấp.

Bên cạnh đó, một mô hình canh tác lúa lý tưởng đã được công ty xây dựng, đó là mô hình liên kết sản xuất giữa Vinarice và Trung tâm DVNN huyện Tháp Mười, HTX Mỹ Đông 2 với quy mô 170 ha.

Mô hình đã ứng dụng công nghệ thông tin và máy móc hiện đại phục vụ quản trị sản xuất từ nước, phân bón, chỉ dẫn môi trường, độ PH. Từ đó đưa ra những hành động phù hợp với sự sinh trưởng, đảm bảo năng suất tối đa, tiết kiệm vật tư, phân bón và bảo vệ môi trường. Sản phẩm sản xuất ra được Vinarice hỗ trợ bao tiêu chế biến gạo thương hiệu xuất khẩu sang Châu Âu.

Mô hình sản xuất này đã thay đổi tập quán của nông dân từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, chú trọng sản xuất sạch, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.

Đưa nền nông nghiệp Việt Nam vươn xa hơn

Chia sẻ về thành công của Vinarice, bà Nguyễn Thị Trà My, Tổng giám đốc Tập đoàn PAN cho biết: “Lý do chúng tôi lựa chọn Đồng Tháp để đầu tư vì Đồng Tháp là trái tim của Đồng bằng Sông Cửu Long và là tỉnh trọng điểm, có diện tích sản xuất lúa gạo lớn của cả nước”.

Tại vựa lúa của Việt Nam, người nông dân Đồng Tháp có kinh nghiệm và đam mê phát triển cây lúa. Đây cũng là vùng đất tiềm năng để xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo.

Quan trọng hơn, theo bà Trà My, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp và các ban ngành của Tỉnh luôn quan tâm, đồng hành và có những cơ chế chính sách khuyến khích đối với doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao để xây dựng chuỗi giá trị liên kết bền vững. Với sự tạo điều kiện, hỗ trợ của tỉnh, Công ty Vinarice với vốn đầu tư 350 tỷ đồng đã được triển khai xây dựng chỉ trong vòng 8 tháng từ tháng 4 - tháng 12/2019.

Với tổng vốn đầu tư trên 350 tỷ đồng và hệ thống dây chuyền công nghệ hiện đại từ Nhật Bản đầu tiên tại Việt Nam, Nhà máy Vinarice của Tập đoàn PAN có công suất sấy và chế biến 50.000 tấn hạt giống và 100.000 tấn gạo/năm.(Ảnh: CTCP Tập đoàn PAN)

“Nhưng Tập đoàn PAN không chỉ dừng lại ở việc kinh doanh hiệu quả. Chúng tôi đặt mục tiêu cao hơn, đó là "nâng tầm nông nghiệp và nông sản Việt Nam", mang lại giá trị thực sự cho xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước” - Bà Trà My khẳng định.

Theo đó, PAN đã và đang hợp tác chặt chẽ với nông dân trên khắp 63 tỉnh thành, thông qua các hợp đồng bao tiêu, để thực hiện các dự án kinh doanh, không chỉ đảm bảo thu nhập ổn định cho bà con nông dân mà còn giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó nâng tầm thương hiệu nông sản Việt Nam trên thế giới.

Thời gian qua, PAN cũng tham gia tích cực vào việc nghiên cứu và chuẩn bị lộ trình trung hòa carbon, phù hợp với cam kết của Việt Nam tại COP26.

“Đây là minh chứng rõ nét cho sự tương thích giữa kinh doanh và trách nhiệm xã hội mà chúng tôi đang hướng tới” – Tổng giám đốc Tập đoàn khẳng định – “Sắp tới, chúng tôi sẽ cùng UBND Đồng Tháp ký kết hợp tác trong việc thực hiện Đề án "Nâng cao thu nhập người trồng lúa", một dự án ý nghĩa mà chúng tôi tin tưởng sẽ góp phần đưa nền nông nghiệp Việt Nam vươn xa hơn nữa”.

Bích Thu

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).