Thủ tướng Chính phủ ra chỉ thị đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết xử lý nợ xấu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ra chỉ thị đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết xử lý nợ xấu (Ảnh: baogiaothong) |
Ngày 28/6, Thủ tướng Chính phủ đã phát đi chỉ thị về việc triển khai Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) vừa được Quốc hội thông qua ngày 21/6 và có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2017.
Nghị quyết này ban hành nhằm xử lý các vướng mắc, khó khăn pháp lý liên quan đến xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm (TSBĐ) của các khoản nợ của TCTD. Qua đó, tạo cơ chế xử lý đồng bộ, hiệu quả để xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu của TCTD, đảm bảo các TCTD tiếp tục phát huy tốt vai trò là kênh dẫn vốn chủ đạo đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế.
Để đảm bảo các điều kiện cần thiết để có thể thi hành kịp thời, hiệu quả Nghị quyết này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các đơn vị có liên quan tập trung triển khai phổ biến, tuyên truyền thông tin.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức quán triệt nội dung Nghị quyết đối với hệ thống các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VAMC. Đồng thời, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện hoạt động mua bán nợ xấu của VAMC.
Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp và NHNN xây dựng thông tư hướng dẫn việc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản hình thành trong tương lai; hướng dẫn đăng ký thay đổi thông tin đối với TSBĐ của khoản nợ xấu của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo Nghị quyết. Bộ cũng cần chỉ đạo các cơ quan đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản có trách nhiệm thực hiện chuyển quyền sở hữu, sử dụng cho bên mua TSBĐ của TCTD, ngân hàng nước ngoài.
Chỉ thị cũng yêu cầu Bộ Tư pháp có trách nhiệm chỉ thị cơ quan thi hành án các cấp thực hiện nghiêm túc về các quy định liên quan đến các khoản nợ xấu theo quy định tại Nghị quyết. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ thi hành án, khẩn trương hoàn thành các Nghị quyết về giao dịch bảo đảm, đăng ký biện pháp bảo đảm.
Bộ Tài chính có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan thuế những chính sách liên quan và hướng dẫn Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) áp dụng các chính sách theo Nghị quyết mới ban hành.
Bộ Công an có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan công an các cấp thực hiện giữ gìn an ninh, trật tự để TCTD và tổ chức mua bán nợ có thể thực hiện quyền thu giữ TSBĐ. Ủy ban Nhân dân các cấp có trách nhiệm hỗ trợ trong quá trình thu giữ TSBĐ của khoản nợ xấu theo Nghị quyết. Đồng thời lập phương án phân bổ nguồn vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản liên quan đến nợ xấu thuộc trách nhiệm chi của ngân sách địa phương.
NHNN sẽ là cơ quan có trách nhiệm giám sát thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, giám sát các TCTD để thực hiện đồng bộ các giải pháp hạn chế nợ xấu phát sinh. Hàng năm, NHNN phải báo cáo Chính phủ về kết quả xử lý nợ xấu và việc thực hiện chỉ thị này.
Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Bộ Tư Pháp phối hợp với các đơn vị có liên quan để hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu, TSBĐ trên cơ sở thực tiễn áp dụng Nghị quyết này trước thời điểm Nghị quyết hết hiệu lực một năm (15/8/2021).
TCTD được tham gia xử lý TSBĐ của khoản nợ xấu bán cho VAMC
Theo Dự thảo sửa đổi Thông tư 19/2013/TT-NHNN, khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt được phép chuyển thành khoản nợ xấu ... |
Xử lý nợ xấu: Cần sự tham gia tích cực của các ngành
Nghị quyết về XLNX đã tạo cơ chế, thể chế, và khung hành lang pháp lý để xử lý nhanh nợ xấu là hết sức ... |
Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết xử lý nợ xấu các TCTD
86% đại biểu Quốc hội tham dự biểu quyết tán thành thông qua Nội dung của Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu ... |