TCTD được tham gia xử lý TSBĐ của khoản nợ xấu bán cho VAMC
TCTD được tham gia xử lý TSBĐ của khoản nợ xấu mua bằng trái phiếu đặc biệt (Ảnh minh hoạ) |
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiền về Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 19/2013/TT-NHNN về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản các TCTD (VAMC) đã được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 14/2015/TT-NHNN và Thông tư số 08/2016/TT-NHNN.
Việc sửa đổi bổ sung này nhằm làm phù hợp với quy định tại Nghị quyết về xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng (TCTD) và Nghị định 61 quy định những trường hợp phải thẩm định giá khởi điểm của khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm (TSBĐ).
Theo Dự thảo, ngoài các khoản nợ xấu đang hạch toán trong bảng cân đối kế toán của TCTD, VAMC còn được phép mua các khoản nợ xấu ngoài bảng cân đối kế toán của TCTD, được chuyển các khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt thành khoản nợ xấu mua theo giá trị thị trường. Trong đó nợ xấu là các khoản nợ phát sinh từ hoạt động cấp tín dụng, mua, ủy thác mua trái phiếu doanh nghiệp, mua bán nợ, gửi tiền, ủy thác cấp tín dụng và các hoạt động khác có phát sinh khoản phải thu.
Dự thảo bổ sung các điều kiện để các khoản nợ xấu được VAMC mua theo giá thị trường. Theo đó, các khoản nợ xấu phải nằm trong giới hạn nợ xấu quy định tại Nghị quyết xử lý nợ xấu được Quốc hội thông qua ngày 21/6 (các khoản nợ xấu phát sinh trước ngày 15/8/2017). Đồng thời các khoản nợ xấu này phải được VAMC đánh giá có khả năng thu hồi, tài sản bảo đảm có khả năng phát mại. Đối với các khoản nợ xấu phát sinh sau, các điều kiện này được giữ nguyên theo quy định tại Thông tư 19 và Nghị định 53.
Trong trường hợp các khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt, thì chỉ được chuyển thành khoản nợ xấu mua theo giá trị thị trường khi trái phiếu chưa đến hạn thanh toán và không bị phong toả tại NHNN. Dự thảo lần này cũng quy định về cách thực hiện ký kết hợp đồng trong trường hợp này.
Cụ thể, VAMC sẽ nhận lại trái phiếu đặc biệt từ TCTD và thực hiện tất toán vốn góp, vốn cổ phần, số tiền thu hồi nợ, số dư nợ gốc đang hạch toán trong bảng cân đối kế toán. Sau đó thực hiện ghi nhận số tiền mua, bán nợ theo giá trị thị trường, thực hiện chuyển giao toàn bộ quyền, nghĩa vụ liên quan đến các khoản vốn góp, vốn cổ phần.
Trường hợp số tiền bán nợ, số tiền thu hồi nợ và giá trị của khoản vốn góp, vốn cổ phần nhận được từ VAMC cao hơn mệnh giá trái phiếu đặc biệt, TCTD hạch toán phần chênh lệch vào thu nhập trong năm tài chính. Ngược lại, nếu số tiền nhận được từ VAMC thấp hơn mệnh giá trái phiếu đặc biệt, TCTD sử dụng dự phòng rủi ro đã trích lập cho trái phiếu đặc biệt để bù đắp phần chênh lệch. Trường hợp vẫn còn thiếu, TCTD hạch toán vào chi phí.
Việc mua bán khoản nợ xấu theo giá trị thị trường giữa VAMC và TCTD phải được lập thành hợp đồng bằng văn bản phù hợp với các quy định tại Thông tư và các quy định có liên quan.
Đối với trường hợp chuyển khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt thành khoản nợ xấu mua theo giá trị thị trường thì hợp đồng mua bán nợ bằng trái phiếu đặc biệt chấm dứt hiệu lực kể từ thời điểm hợp đồng mua bán nợ theo giá trị thị trường có hiệu lực. Quy định này nhằm chấm dứt tất cả các quyền, nghĩa vụ liên quan đến trái phiếu đặc biệt khi đã chuyển thành khoản nợ xấu mua theo giá trị thị trường, xác lập các quyền, nghĩa vụ của các bên khi thực hiện mua bán nợ xấu theo giá trị thị trường.
Dự thảo quy định rõ VAMC phải trao đổi với TCTD bán nợ trước khi quyết định xử lý TSBĐ với bên bảo đảm theo quy định. Sau 10 ngày làm việc kể từ ngày VAMC có văn bản đề nghị có ý kiến, TCTD phải trả lời bằng văn bản. Sau thời hạn trên, VAMC quyết định và chịu trách nhiệm về việc xử lý TSBĐ với bên bảo đảm theo quy định. Quy định này cho phép TCTD tham gia trong quá trình xử lý TSBĐ của khoản nợ xấu mua bằng trái phiếu đặc biệt nhằm đảm bảo quyền lợi cho TCTD.
Ngoài ra, Dự thảo Thông tư bổ sung quy định trường hợp bán đấu giá khoản nợ xấu, việc thẩm định giá khởi điểm của khoản nợ xấu, VAMC thực hiện theo quy định pháp luật về đấu giá tài sản, nhằm phù hợp với Nghị định 61.
Xử lý nợ xấu: Cần sự tham gia tích cực của các ngành
Nghị quyết về XLNX đã tạo cơ chế, thể chế, và khung hành lang pháp lý để xử lý nhanh nợ xấu là hết sức ... |
BVSC: Nghị quyết xử lý nợ xấu tác động tích cực đối với BIDV, Sacombank
BVSC đánh giá Nghị quyết nợ xấu được thông qua tác động tích cực đối với ngành ngân hàng nói chung, đặc biệt là những ... |
Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết xử lý nợ xấu các TCTD
86% đại biểu Quốc hội tham dự biểu quyết tán thành thông qua Nội dung của Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu ... |