|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thủ tướng: 2020 giảm ít nhất 0,5% lãi suất cho vay

20:45 | 08/11/2019
Chia sẻ
Chiều 8/11, báo cáo, làm rõ hơn về một số vấn đề trọng tâm mà Quốc hội, đồng bào, cử tri cả nước quan tâm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng vấn đề cơ cấu lại các ngân hàng thương mại yếu kém và xử lý nợ xấu cần phải được triển khai, xử lý quyết liệt hơn, nhanh hơn và thực chất hơn.
Thủ tướng: 2020 giảm ít nhất 0,5% lãi suất cho vay - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là thành viên thứ 5 của Chính phủ đăng đàn trả lời chất vấn tại kỳ họp này của Quốc hội.

Sử dụng hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ, phấn đấu 2020, giảm ít nhất 0,5 điểm phần trăm lãi suất cho vay, nhất là đối với những lĩnh vực ưu tiên. Điều hành tỷ giá linh hoạt, hiệu quả theo tín hiệu thị trường, hỗ trợ xuất khẩu và nâng đỡ sản xuất trong nước, Thủ tướng nêu yêu cầu cụ thể. 

Xây dựng các kịch bản phòng ngừa, xử lý sự cố môi trường

Hồi âm ý kiến đại biểu về vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt ở các đô thị lớn, trong đó nổi lên là ô nhiễm nguồn nước, không khí, và vấn đề rác thải, úng ngập,… Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước tiếp tục đặt ra yêu cầu cao hơn về an ninh, an toàn và chất lượng cuộc sống của người dân.

Quan điểm phát triển hài hòa trên ba trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường được thể hiện trong các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ phải được tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.

Thủ tướng cũng khẳng định sẽ kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, rác thải nhập khẩu, khuyến khích đầu tư sử dụng các loại vật liệu thân thiện với môi trường, hạn chế sản xuất và tiêu dùng sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần, chú trọng phát triển năng lượng tái tạo. 

Xây dựng các kịch bản phòng ngừa, xử lý sự cố môi trường như ô nhiễm không khí, bụi mịn, an ninh nguồn nước, thắt chặt quản lý khai thác nước ngầm,....

tbt cạnh chủ tịch nước

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tham dự phiên chất vấn chiều 8/11. Ông ngồi cạnh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nghe Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn - Ảnh: Quang Phúc.

Cải thiện mạnh mẽ chỉ số giải quyết phá sản

Về môi trường đầu tư kinh doanh, thông điệp từ người đứng đầu Chính phủ là cải cách mạnh mẽ nền hành chính công vụ, khuyến khích đổi mới và sáng tạo trong mọi hoạt động của nền kinh tế. 

Tiếp tục nỗ lực nâng hạng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia thuộc nhóm ASEAN-4 trong 5 năm tới. Đặc biệt, cần phối hợp với ngành tòa án cải thiện mạnh mẽ chỉ số giải quyết phá sản (xếp hạng của WB về chỉ số này của Việt Nam là 133/190 nền kinh tế).

Thủ tướng cũng cho biết, tiếp thu ý kiến các đại biểu, Chính phủ sẽ chỉ đạo tiếp tục rà soát, bãi bỏ và giảm đáng kể danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện thông qua việc bổ sung, sửa đổi Luật Đầu tư. Tiếp tục bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh, bảo đảm những thay đổi này có tác động thiết thực đối với người dân và doanh nghiệp, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Chính phủ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao để hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan về cơ chế bảo vệ quyền tài sản và thực thi các hợp đồng, về phá sản doanh nghiệp và giải quyết tranh chấp hợp đồng là những lĩnh vực chậm cải thiện nhất thời gian qua, Thủ tướng nói tiếp.  

Theo Thủ tướng, các thủ tục hành chính về đầu tư, đất đai, xây dựng và môi trường còn phức tạp, đôi khi không rõ ràng, chồng chéo, mâu thuẫn,… gây tốn kém nhiều thời gian, tiền bạc và rủi ro cao cho các nhà đầu tư. Đây là những rào cản trực tiếp gây khó khăn cho việc mở rộng đầu tư, kinh doanh.

Ngay sau kỳ họp này, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo tập trung rà soát toàn diện để bãi bỏ các quy định bất hợp lý, sửa đổi các thủ tục hành chính trùng lặp, chồng chéo, không rõ ràng trong các quy định pháp luật thuộc phạm vi thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Xây dựng một luật sửa nhiều luật trình Quốc hội nhằm khắc phục những bất cập của pháp luật hiện hành trước yêu cầu đổi mới, phát triển và hội nhập, Thủ tướng cho biết.

Không để tiếp diễn tình trạng bê trễ, đùn đẩy

Với giải ngân đầu tư công, nhiều đại biểu đã rất sốt ruột về tiến độ chậm trễ.

Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ, các bộ trưởng và chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải bám sát kế hoạch và tiến độ giải ngân của từng dự án thuộc thẩm quyền quản lý, khẩn trương đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, chịu trách nhiệm trực tiếp về kết quả thực hiện giải ngân và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của ngành mình, địa phương mình, không để tiếp diễn tình trạng bê trễ, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.

Yêu cầu tiếp theo của Thủ tướng là không được để tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công làm phát sinh thêm chi phí, giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực và hạn chế tiềm năng phát triển đất nước. Không được để thất thoát, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong đầu tư công; phải đảm bảo hiệu quả cao nhất, chất lượng tốt nhất.

Thủ tướng cũng thông tin tiến độ  dự án trọng điểm quốc gia Cảng hàng không quốc tế Long Thành và đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Theo đó, tỉnh Đồng Nai đã cam kết bàn giao mặt bằng vào đầu năm 2020 để khởi công sân bay Long Thành vào đầu năm 2021 và hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2025.

Đối với 11 dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc -  Nam phía Đông, trong số 3 dự án đầu tư công thì đã khởi công 1 dự án, 2 dự án còn lại sẽ triển khai trong quý 4 năm nay. 8 dự án theo hình thức PPP chuyển sang đấu thầu trong nước, sẽ triển khai xây dựng vào giữa năm 2020. 

Hà Vũ

[Cập nhật] KQKD ngân hàng 2024: Xuất hiện nhà băng có lợi nhuận tăng bằng lần
Nhiều ngân hàng thông báo vượt chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh đã được đại hội đồng cổ đông giao. Trong đó, một số nhà băng ước tính tăng trưởng lợi nhuận, dư nợ tín dụng cả năm 2024 sẽ ở mức hai con số.