Tăng trưởng tín dụng trên 20% không đi kèm giảm lãi suất sẽ tiềm ẩn lạm phát
Chuyên gia Lê Xuân Nghĩa. |
Tăng trưởng tín dụng đang là vấn đề nóng liên tục được đề cập trong các cuộc họp của Chính phủ và bàn luận của các chuyên gia kinh tế. Mới đây, Thủ tướng chính phủ đã đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có kế hoạch, lộ trình để làm sao bảo đảm tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 21 – 22%. Trước đó, Thủ tướng cũng đã định hướng chỉ tiêu này năm nay cần đạt khoảng 20%, thay vì mức 18% mà NHNN dự tính và cân đối từ đầu năm.
Tăng trưởng tín dụng trên 20% là có khả thi
Theo đánh giá của chuyên gia Lê Xuân Nghĩa, các điều kiện vĩ mô hiện nay đang thuận lợi để NHNN có thể xem xét nới lỏng tín dụng hay tăng cung tiền tệ và tạo điều kiện giảm lãi suất cho doanh nghiệp. Khả năng nới tín dụng tới 20% là có thể.
Nhưng liệu các doanh nghiệp hay nền kinh tế có khả năng hấp thụ được lượng vốn do ngân hàng cung cấp hay không. Ông cho rằng khi tăng trưởng tín dụng đi kèm với lãi suất thấp thì vốn sẽ đi vào được các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, chế biến và dịch vụ. Nhưng nếu lãi suất duy trì ở mức cao thì nhiều khả năng vốn sẽ chảy vào các ngành có khả năng chấp nhận rủi ro cao hơn như đầu tư chứng khoán, bất động sản và cho vay tiêu dùng.
Ông cũng nhận định rằng, xu thể nới lỏng tiền tệ đang ngày một chi phối trên toàn cầu. Nếu đặt chính sách tiền tệ của Việt Nam trong chính sách chung có thể nhận thấy, dư địa giảm lãi suất và tăng tín dụng vẫn còn nhưng không nhiều.
Nguy cơ lạm phát khi nới tăng trưởng tín dụng
Theo đánh giá của chuyên gia Lê Xuân Nghĩa, đưa tăng trưởng tín dụng lên trên 20% có thể tạo ra hai khả năng.
Khả năng thứ nhất, nếu nền kinh tế có thể hấp thụ tốt với lãi suất tương đối thấp thì sẽ kích thích làm tăng tổng cầu và tư đó làm tăng GDP. Đây là tín hiệu tích cực.
Tuy nhiên, cũng có khả năng khi tăng tín dụng nhưng lại không đi kèm với việc giảm lãi suất, hay nói cách khác duy trì mức lãi suất cao thì sẽ không tạo ra hiện tượng tăng tổng cầu an toàn, sẽ tiềm ẩn lạm phát cho những năm tiếp theo.
Ông lấy ví dụ như chính sách tiền tệ của Mỹ, ban đầu việc tăng lãi suất được đặt lộ trình tương đối nhanh 1 quý 1 lần nhưng đến hiện tại cũng phải giãn dần tốc độ xuống. Nguyên nhân là do việc tăng lãi suất ban đầu đã kích thích tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng lên được một chút nhưng sau đó lại có dấu hiệu chậm lại.
Khi so sánh với một số nước trong khu vực, nhiều chuyên gia ngân hàng nhận định lãi suất Việt Nam hiện nay là vừa phải. Tuy nhiên, theo ông Nghĩa so sánh như vậy là khập khiễng, bởi trên thực tế mặt bằng lãi suất của Việt Nam hiện tại khá cao so với Trung Quốc và khu vực ASEAN.
Một luồng ý kiến khác cho rằng trong bối cảnh phần lớn vốn đầu tư từ đi vay, các doanh nghiệp đều có đòn bẩy tài chính cao, ông Nghĩa ước khoảng 100 tỷ đồng thì vốn tự có chỉ chiếm khoảng 15%. Do vậy lãi suất cho vay ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp thông qua chi phí tài chính.
Chuyên gia lấy ví dụ một doanh nghiệp có doanh thu 150 tỷ đồng, nhưng có khi lãi vay ngân hàng năm lên đến 500 tỷ đồng. Điều này cho thấy sức ép lãi suất ngân hàng khủng khiếp như thế nào cho dù doanh nghiệp có tăng tốc độ quay vòng vốn cỡ nào.
Nói tóm lại, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng trên dưới 20% chưa phải nguy cơ gì lớn trong điều kiện hiện tại của Việt Nam với điều kiện quan trọng là lãi suất phải giảm, nâng được cung vốn cho nền kinh tế và tăng được sức ép lên GDP.
Mở van vốn cho 'big 4' ngân hàng? Một số chỉ báo của nhóm “big 4” đã ở gần giới hạn trước định hướng tăng mạnh tín dụng... |
700 nghìn tỷ đồng trong 5 tháng cuối năm để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 22% Nếu thực hiện tăng trưởng tín dụng theo định hướng mới đây của Thủ tưởng ở mức 22%/năm, hệ thống ngân hàng phải bơm ra ... |
Nới room tín dụng lên 20%, lợi nhuận ngân hàng niêm yết có thể đạt trên 40 nghìn tỷ Theo HSC, nếu NHTM được phép đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng cuối năm lên 20%, thì lợi nhuận trước thuế của ... |