|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT kêu gọi đầu tư vào hạ tầng số, năng lượng xanh tại WEF

11:16 | 23/01/2025
Chia sẻ
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam mong muốn và kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế, các tổ chức khoa học cùng hợp tác trong việc đẩy mạnh đầu tư vào các dự án hạ tầng số và năng lượng xanh tại Việt Nam, tham gia vào các sáng kiến chung để thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển bền vững.

Nhân dịp dự Hội nghị thường niên lần thứ 55 Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF Davos 55) tại Thuỵ Sĩ, trưa ngày 22/1 theo giờ địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao phối hợp với Tập đoàn Sovico đã tổ chức tọa đàm cùng lãnh đạo các doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế với chủ đề "Hạ tầng số - Năng lượng xanh: Vươn mình trong kỷ nguyên thông minh".

Phát biểu tại toạ đàm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, thế giới đang chứng kiến sự chuyển đổi mạnh mẽ với hai động lực chính là cách mạng số và chuyển đổi năng lượng.

Trong đó, hạ tầng số không chỉ là nền tảng cho kinh tế số mà còn mở ra cơ hội mới trong mọi lĩnh vực; năng lượng xanh, với vai trò giảm thiểu phát thải và bảo vệ môi trường, là yếu tố quyết định để phát triển bền vững trong tương lai.

"Việt Nam nhận thức rõ rằng hạ tầng số và năng lượng xanh không chỉ là mục tiêu phát triển mà còn là phương tiện để hiện thực hóa khát vọng trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045", Bộ trưởng khẳng định.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại toạ đàm. (Ảnh: VGP).

Ông cũng cho biết thêm, hiện có nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới cho biết đang có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam, cho thấy một làn sóng đầu tư mới, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao, điện tử, bán dẫn, năng lượng sạch, giao thông, kết cấu hạ tầng,…

Theo Bộ trưởng, thông qua phát triển hạ tầng số, Việt Nam có thể đạt mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có năng lực đi ra toàn cầu.

Việt Nam sẽ tập trung xây dựng, phát triển hạ tầng băng rộng chất lượng cao trên toàn quốc; quy hoạch lại băng tần, phát triển hạ tầng mạng di động 5G; mở rộng kết nối Internet trong nước, khu vực và quốc tế; phát triển hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IoT).

Đặc biệt, Việt Nam đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ các điều kiện nền tảng cho các ngành công nghệ cao. Trong đó, yếu tố nguồn nhân lực chất lượng là một trong những nội dung cốt lõi.

"Tới năm 2030, Việt Nam sẽ đào tạo, nâng cấp để có lực lượng hàng trăm nghìn kỹ sư công nghệ cao. Riêng lĩnh vực chip, bán dẫn sẽ có số lượng 50.000 người, để đáp ứng các nhu cầu mạnh mẽ trong xu hướng hiện đại hóa đất nước", Bộ trưởng thông tin thêm.

Cùng với đó, để chuyển đổi năng lượng xanh, Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện chuyển dịch năng lượng nhằm hiện thực hóa mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính thông qua việc ban hành khung chính sách, các chiến lược, quy hoạch.

Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia hàng đầu Đông Nam Á về phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió. Đồng thời, Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, theo Tuyên bố tại Hội nghị COP26.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã ban hành Luật Điện lực sửa đổi năm 2024 và đã phê duyệt Quy hoạch Điện VIII và hiện đang tiếp tục cập nhật Quy hoạch cho phù hợp với tình hình thực tế, trong đó khuyến khích khu vực tư nhân, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư các dự án điện tại Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, Việt Nam mong muốn và kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế, các tổ chức khoa học cùng hợp tác trong việc đẩy mạnh đầu tư vào các dự án hạ tầng số và năng lượng xanh tại Việt Nam; tham gia vào các sáng kiến chung để thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển bền vững; ứng dụng công nghệ tiên tiến để giải quyết các vấn đề về môi trường và xã hội.

Thời gian tới, Việt Nam sẽ đẩy mạnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược, các dự án quan trọng, có tính lan tỏa nhanh vào nền kinh tế để giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Cùng với đó, Chính phủ sẽ đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại, phát huy tối đa hiệu quả các định hướng truyền thống, đi đôi với khai thác các định hướng tăng trưởng mới, nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ của nền kinh tế, tiếp tục cải thiện, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Chính phủ Việt Nam cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển hạ tầng số và năng lượng xanh.

Trong đó, Chính phủ sẽ thúc đẩy chính sách khuyến khích đầu tư, với môi trường minh bạch, thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ số và năng lượng tái tạo; đẩy mạnh hợp tác quốc tế để học hỏi kinh nghiệm, tiếp nhận công nghệ và mở rộng hợp tác với các đối tác quốc tế trong lĩnh vực này.

Đồng thời, Việt Nam sẽ tập trung phát triển nguồn nhân lực để chuẩn bị lực lượng lao động chất lượng cao, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu trong kỷ nguyên số và chuyển đổi năng lượng.

Anh My

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.