Thứ trưởng BXD: ‘Quảng Ninh cần quy hoạch Vân Đồn thành đặc khu chứ không phải khu kinh tế đơn thuần’
Đến 2020, Quảng Ninh có gần 362.000 ha đất đặc khu kinh tế, bằng hơn nửa diện tích tự nhiên toàn tỉnh |
Tại buổi làm việc với đoàn công tác Bộ Xây dựng mới đây, UBND tỉnh Quảng Ninh báo cáo, tỉnh hiện có 4 thành phố, gồm Hạ Long là đô thị loại I; Cẩm Phả, Uông Bí là đô thị loại II; Móng Cái là đô thị loại III; 2 thị xã Quảng Yên và Đông Triều; hai huyện Vân Đồn và Hoành Bồ là đô thị loại IV; 6 thị trấn huyện lỵ gồm Hải Hà, Đầm Hà, Cô Tô, Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên là đô thị loại V và có 4 khu kinh tế (KKT), trong đó KKT ven biển Vân Đồn đã và đang được Nhà nước định hướng thí điểm phát triển thành Đặc khu kinh tế.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng, KKT ven biển Vân Đồn đang được định hướng thành Đặc khu kinh tế nên cần xây dựng quy hoạch Vân Đồn theo đề án đặc khu chứ không phải là KKT đơn thuần. (Ảnh: quangninh.gov.vn) |
Theo Nghị quyết về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 – 2020) tỉnh Quảng Ninh ban hành mới đây, tổng diện tích đất tự nhiên của toàn tỉnh điều chỉnh quy hoạch đến năm 2020 là 617.779 ha, tăng thêm hơn 7.500 ha đất so với diện tích quy hoạch năm 2010. Trong điều chỉnh quy hoạch đến năm 2020, Quảng Ninh được cấp Quốc gia phân bổ riêng 361.868 ha đất đặc khu kinh tế (bằng gần 59% tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh). |
Trưởng đoàn công tác là Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh đặt vấn đề, tỉnh Quảng Ninh cần quan tâm đến vấn đề triển khai thực hiện và quản lý sau quy hoạch; cần rà soát tổng thể quy hoạch. Tỉnh đang triển khai Đề án Khu hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn nên thời gian tới cần xây dựng quy hoạch cho Vân Đồn theo đề án đặc khu chứ không phải là Khu kinh tế đơn thuần.
Đối với thành phố Hạ Long, Thứ trưởng đề nghị Sở Xây dựng cần rà soát tổng thể, đảm bảo thành phố triển khai thực hiện đúng quy hoạch, từ đó có điều chỉnh liên quan đến Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh.
Ngoài ra, Thứ trưởng cũng lưu ý hàng loạt vấn đề khi quy hoạch và phát triển tỉnh Quảng Ninh như: tỉnh có những lợi thế khá mâu thuẫn đó là khai thác khoáng sản và phát triển du lịch, vì vậy cần cân bằng giữa các lợi thế này; hạn chế tối đa việc điều chỉnh quy hoạch; tăng cường tuyên truyền nhận thức cho nhân dân trong việc phân loại nhằm tái chế rác, hạn chế việc chôn lấp rác thải như hiện nay; yêu cầu các nhà đầu tư có phương án phân tách nước thải, có trạm xử lý cục bộ nhằm hạn chế việc xả thải ra môi trường; quy hoạch nghĩa trang nhân dân của tỉnh... Các đơn vị của Bộ Xây dựn cần tiếp thu và có ý kiến giải đáp thỏa đáng những vấn đề này.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, hiện tỉnh Quảng Ninh đã triển khai Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh đến năm 2030 tầm nhìn ngoài năm 2050. Trên cơ sở đó, tỉnh cũng hoàn thành điều chỉnh Quy hoạch quản lý chất thải rắn; Quy hoạch cấp nước và hệ thống cấp nước phòng cháy chữa cháy tập trung các đô thị và Khu công nghiệp tỉnh Quảng Ninh; Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Quảng Ninh.
Về quy hoạch chung đô thị, quy hoạch xây dựng vùng huyện, 14/14 địa phương đã được lập quy hoạch chung; đã triển khai lập quy hoạch xã nông thôn mới toàn bộ 111/111 xã thuộc 13 huyện, thị xã, thành phố (trừ thành phố Hạ Long).
Đối với các khu chức năng đặc thù, Quy hoạch chung KKT cửa khẩu Móng Cái, KKT cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn đã được Thủ tướng phê duyệt; UBND tỉnh cũng đã duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu cửa khẩu Bắc Phong Sinh, vùng xây dựng tập trung và các khu phát triển phân tán – KKT cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn. Tỉnh cũng đã lập mới, điều chỉnh quy hoạch 8/11 Khu công nghiệp theo quy hoạch của Chính phủ; đang triển khai quy hoạch chung các vùng than theo các nhiệm vụ quy hoạch được phê duyệt.