|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT: Nông dân trồng lúa có lợi nhuận 100% là không phải, cao nhất chỉ khoảng mức 30%

14:53 | 31/03/2023
Chia sẻ
Liên quan đến thông tin năm 2022 nông dân trồng lúa đạt lợi nhuận 100%, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT khẳng định mức lãi người nông dân hưởng từ lĩnh vực này chỉ khoảng 30%.

Trong báo cáo với Chính phủ về kết quả xuất khẩu gạo năm 2022 và phương hướng năm 2023, Bộ Công Thương cho biết lượng lúa gạo đã được tiêu thụ hết cho người nông dân, đảm bảo người trồng lúa có lãi, bình ổn giá thóc, gạo trong nước.

Bộ Công Thương dẫn số liệu của Bộ Tài chính, giá thành sản xuất thóc bình quân là 3.219 đồng/kg. Trong khi, giá bán thóc trên thị trường khoảng 6.650 đồng/kg. Như số liệu của Bộ Công Thương, nông dân trồng lúa đang có lợi nhuận hơn 100%.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến trả lời báo chí tại họp báo quý I. (Ảnh: Hoàng Anh)

Tại họp báo quý I/2023 của Bộ NN&PTNT, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định: “Thông tin nông dân có lợi nhuận 100% khi trồng lúa là không phải đâu, con số mức 30% là tốt lắm rồi”.

Cũng thông tin về điều này, ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết trong nhiều năm qua, ngành lúa gạo vẫn phấn đấu mang về lợi nhuận khoảng 30% cho nông dân. Mặt khác, mức thu về bao nhiêu còn phải trừ đi chi phí sản xuất, vận chuyển, nhân công, thuê đất...

Lãnh đạo Cục Trồng trọt cho biết hàng năm, Bộ Tài chính và Bộ NN&PTNT thường có báo cáo về giá thành sản xuất lúa gạo, từ đó có chính sách hỗ trợ cho người dân.

Ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt trả lời báo chí. (Ảnh: Hoàng Anh)

Theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến ngày 15/2, giá thóc, gạo tăng 200 - 300 đồng/kg so với vụ Hè Thu; tăng 150 - 250 đồng/kg so với thời điểm cuối năm 2022. Hiện, giá gạo nguyên liệu ở mức 9.600 - 9.700 đồng/kg, gạo thành phẩm 10.600 - 10.700 đồng/kg, giá tấm ở mức 9.600 đồng/kg.

Giá thóc, gạo trong nước tăng trong thời gian qua do vụ Đông Xuân 2022-2023 mới bắt đầu vào vụ thu hoạch, sản lượng chưa nhiều, gạo được thu mua ngay sau khi thu hoạch. Ngoài ra, việc Trung Quốc mở cửa, Indonesia tăng dự trữ gạo cũng tác động tích cực đến giá thóc, gạo của Việt Nam.

Giá lúa, gạo trong nước tính đến ngày 15/2 (Nguồn: VFA)

Chủng loại

Giá thóc, gạo

So sánh với tuần trước đó

(đồng/kg)

Lúa thường tại ruộng

6.650 – 6.750

Tăng 100 – 200

Lúa khô thường tại kho

7.450 – 7.750

Tăng 100

Gạo lứt loại 1

9.950 – 10.500

Tăng 100

Gạo thành phẩm 5%

10.600 – 10.800

Tăng 100

Gạo thành phẩm 25%

9.850 – 10.200

Tăng 100

Ở mảng xuất khẩu, giá gạo của Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng từ những tháng cuối năm 2022 và duy trì ở mức cao cho đến tháng 3/2023.

Kể từ tháng 8/2022, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam luôn ở mức cao nhất thế giới, cao hơn giá gạo xuất khẩu của Thái Lan trung bình 15- 27 USD/tấn, hơn giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ từ 40-50USD/tấn. Hiện, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Thái Lan và Việt Nam tương đương, ở mức 463 – 467 USD/tấn.

“Tín hiệu thị trường thế giới tương đối khả quan khi nhu cầu nhập khẩu của các nước tăng để gia tăng dự trữ trong bối cảnh lạm phát tăng, xung đột địa chính trị giữa Nga - Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt”, VFA nhận định.

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường truyền thống như Philippines, Trung Quốc, châu Phi... trong nửa đầu năm 2023 sẽ ổn định do các nước đang tăng cường dự trữ lương thực cũng như chuẩn bị cho thời điểm năm mới.

Bên cạnh đó, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình trạng hạn hán tại các nước Mỹ, châu Âu, Trung Quốc đang đặt nguồn cung gạo vào tình trạng thiếu hụt. Ấn Độ cũng đang áp dụng lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm và áp dụng thuế 20% với chủng loại gạo trắng. Do vậy, dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2023 khoảng 6,5 - 7 triệu tấn gạo.

Hoàng Anh