|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thông qua khung thuận lợi hóa thương mại điện tử xuyên biên giới trong APEC

14:22 | 09/11/2017
Chia sẻ
Khung thuận lợi hóa thương mại điện tử xuyên biên giới trong APEC là sáng kiến của Bộ Công thương Việt Nam và là một trong những nội dung quan trọng của chương trình nghị sự APEC 2017.

Tại Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC 2017 ngày 8/11, Khung thuận lợi hóa thương mại điện tử xuyên biên giới trong APEC – một trong những văn kiện quan trọng, mang tính dấu ấn của năm APEC 2017 đã được thông qua.

Khung thuận lợi hóa thương mại điện tử xuyên biên giới trong APEC là sáng kiến của Bộ Công thương Việt Nam và là một trong những nội dung quan trọng của chương trình nghị sự APEC 2017.

thong qua khung thuan loi hoa thuong mai dien tu xuyen bien gioi trong apec
Ảnh: TTXVN.

Khung Thuận lợi hóa này tập trung vào 5 trụ cột làm việc, bao gồm:

Hoàn thiện và hài hòa hòa khung pháp lý thương mại điện tử của các nền kinh tế APEC nhằm tạo thuận lợi cho thương mại điện tử xuyên biên giới trong khu vực;

Tăng cường xây dựng năng lực để các nền kinh tế APEC có thể hỗ trợ các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ tham gia vào thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới trong khu vực và trên toàn thế giới;

Thúc đẩy hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân xuyên biên giới thông qua việc thực hiện các chương trình đang triển khai của APEC;

Thuận lợi hóa thương mại phi giấy tờ trong khu vực;

Giải quyết những vấn đề mới và liên quan đến nhiều bên trong thương mại điện tử xuyên biên giới.

Theo Bộ Công thương Việt Nam, việc ra đời Khung thuận lợi hóa TMĐT xuyên biên giới như một thành quả của năm APEC 2017, cũng như sự xuất hiện của nhiều doanh nghiệp TMĐT hàng đầu thế giới (Alibaba, Facebook...) tại Việt Nam trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC đã cho thấy tầm quan trọng của TMĐT cả từ góc nhìn chính sách cũng như kinh doanh trong bài toán hội nhập hiện nay.

Bộ Công thương cũng cho biết, con số thống kê những năm qua cho thấy thị trường TMĐT Việt Nam luôn tăng trưởng ở tốc độ cao (25-35%/năm), mức độ phổ cập TMĐT trong cộng đồng và doanh nghiệp đã ngang tầm, thậm chí vượt một số nước trong khu vực. Cùng với tốc độ phát triển của công nghệ và hạ tầng viễn thông - internet, hoạt động kinh doanh và mua sắm trên môi trường mạng đang trở thành một phần tất yếu của đời sống xã hội. Theo kết quả khảo sát về tình hình phát triển TMĐT do Bộ Công Thương thực hiện, doanh số TMĐT bán lẻ Việt Nam năm 2016 đạt khoảng 5 tỷ đô la Mỹ và dự đoán sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 20%/năm, đạt 10 tỷ đô la Mỹ vào năm 2020, chiếm 5% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Thị trường TMĐT được dự đoán tiếp tục phát triển mạnh trong giai đoạn 2016-2020 dựa trên nền tảng pháp lý, hạ tầng kỹ thuật và mức độ hiểu biết của người tiêu dùng ngày một hoàn thiện. Với lợi thế dân số trẻ, ước tính 30% dân số Việt Nam sẽ tham gia mua sắm trực tuyến vào năm 2020; giá trị mua hàng đạt mức trung bình 350 đô la Mỹ. Bên cạnh đó, TMĐT xuyên biên giới phát triển nhanh, phục vụ thiết thực hoạt động xuất nhập khẩu. Giao dịch TMĐT B2B dự đoán tác động tới 30% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vào năm 2020.

Để thực hiện mục tiêu trên, Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2016 – 2020 ban hành tại Quyết định số 1563/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra hàng loạt giải pháp, trong đó một nhóm giải pháp quan trọng cần tập trung thực hiện trong giai đoạn tới là phát triển các hệ thống hạ tầng thiết yếu cho TMĐT, bao gồm hạ tầng thanh toán, hạ tầng logistic, hệ thống chứng thực cho giao dịch điện tử v.v… hướng tới thiết lập một nền tảng hạ tầng đồng bộ, linh hoạt, hỗ trợ tối ưu nhất cho doanh nghiệp tham gia TMĐT. Bên cạnh đó, Chính phủ đang chú trọng tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhanh chóng hấp thụ và phát triển được các công nghệ sản xuất kinh doanh mới thông qua Chỉ thị số 16/CT-TTg, Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP, Nghị quyết số 36a/NQ-CP… Với nỗ lực đó của Chính phủ nhằm tạo môi trường thuận lợi cho ứng dụng TMĐT và kinh doanh số, thì bản thân doanh nghiệp cũng cần chủ động nắm bắt các cơ hội và xu hướng phát triển TMĐT trên thế giới, tận dụng tối đa lợi thế của cuộc CMCN 4.0 để bứt phá, sáng tạo và đóng góp cho tăng trưởng kinh tế chung của đất nước.

Nằm trong khu vực được đánh giá là khu vực phát triển năng động nhất về TMĐT trên thế giới (Năm 2016, doanh số TMĐT B2C của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương ước tính đạt 1.000 tỷ USD, chiếm hơn 50% thị trường TMĐT B2C toàn cầu - 1.900 tỷ USD. Tỷ trọng của TMĐT trên tổng doanh thu bán lẻ ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cũng cao hơn các khu vực khác trên thế giới, đạt mức 12,1%), Việt Nam đang đứng trước cả những thuận lợi và thách thức mà vị trí địa lý này mang lại.

Bên cạnh nhiều yếu tố, thì xu hướng hội nhập và toàn cầu hóa cũng đang tác động rất mạnh đến TMĐT Việt Nam, thể hiện ở dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian qua, và cùng với vốn đầu tư là công nghệ và giải pháp. Dưới tác động đó, các xu hướng phát triển của TMĐT Việt Nam thời gian tới sẽ không nằm ngoài những xu hướng chung của thế giới, cụ thể như:

- Các công nghệ đặc trưng của Cách mạng công nghiệp 4.0 (dữ liệu lớn, Internet của vạn vật, trí tuệ nhân tạo, sinh trắc học...) sẽ khởi nguồn những hình thái ứng dụng TMĐT mới trong thời gian tới.

- Các mô hình kinh tế chia sẻ (Sharing Economy) phát triển mạnh.

- Phương thức bán hàng đa kênh (Omni Channel) được ứng dụng rộng rãi trong doanh nghiệp.

- TMĐT xuyên biên giới, cả theo phương thức B2B và B2C, phát triển nhanh.

- TMĐT trên di động và thanh toán di động trở nên phổ biến.

Khánh Hà