|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thói quen thanh toán bằng vàng và tiền mặt khó bỏ, liệu Việt Nam có bắt kịp giao dịch kĩ thuật số

17:33 | 28/05/2019
Chia sẻ
Việt Nam có thể là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, tuy nhiên hiện vẫn chưa bắt kịp xu hướng giao dịch không dùng tiền mặt trên toàn cầu.
Thói quen thanh toán bằng vàng và tiền mặt khó bỏ, liệu Việt Nam có bắt kịp giao dịch kĩ thuật số - Ảnh 1.

Mua hàng và tiết kiệm bằng vàng cũng như tiền mặt đã là thói quen từ lâu của người dân Việt Nam. (Ảnh: AFP)

Câu chuyện mua nhà bằng vàng thỏi và tiền mặt của người dân Hà Nội

Bài viết trên The Asean Post mới đây ghi nhận Việt Nam có thể là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, tuy nhiên vẫn chưa bắt kịp xu hướng giao dịch không dùng tiền mặt trên toàn cầu. Những người tiêu dùng như ông Trần Văn Nhân (47 tuổi), người vừa mới một căn nhà hai phòng ngủ ở Hà Nội bằng vàng và tiền mặt, có thể chứng minh cho điều này.

"Chúng tôi trả gần một nửa bằng vàng thỏi và phần còn lại bằng tiền mặt", ông Nhân nói về căn hộ mới trị giá hơn 3 tỉ đồng mới mua. "Chúng tôi thanh toán như thế vì bản thân và chủ căn hộ không muốn chuyển khoản ngân hàng. Người Việt Nam quen mua hàng hóa bằng vàng và tiền mặt rồi".

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nỗ lực lôi kéo người dân sử dụng thanh toán kĩ thuật số

Thủ tướng Nguyễn Xuân phúc đang khuyến khích người dân bước vào kỉ nguyên thanh toán kĩ thuật số hiện đại, giảm lượng USD lưu thông trong nước và tăng sức mạnh của đồng nội tệ VND.

Điều này đồng nghĩa với việc Chính phủ đang tích cực quáng bá việc sử dụng thẻ tín dụng, hoạt động thanh toán kỹ thuật số, chuyển khoản ngân hàng đến người dân, thay vì mang theo hàng đống tiền mặt và vàng thỏi để mua hàng.

Theo Chính phủ, chỉ 31% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản ngân hàng và hơn 95% thanh toán bằng tiền mặt, vàng.

"Thanh toán bằng tiền mặt và vàng đã ngấm vào văn hóa Việt Nam", Chuyên gia tài chính ngân hàng TS Nguyễn Trí Hiếu cho hay. "Điều này khiến đất nước thụt lùi. Chính phủ nhận thấy để hội nhập vào nền kinh tế thế giới, thói quen thanh toán bằng tiền mặt của Việt Nam cần phải thay đổi".

Chính phủ Việt Nam đã đưa mục tiêu hiện đại hóa hệ thống thanh toán quốc gia làm ưu tiên hàng đầu. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang chỉ đạo các ngân hàng giảm giao dịch tiền mặt xuống dưới 10% vào cuối năm 2020.

Thương mại điện tử cũng được thúc đẩy tại các trung tâm thương mại và siêu thị ở các thành phố lớn. Theo đó, chính phủ muốn ít nhất 70% người Việt Nam từ 15 tuổi trở lên có tài khoản ngân hàng.

Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thuyết phục người Việt Nam sử dụng các hệ thống thanh toán kĩ thuật số nhiều hơn trong năm nay, chẳng hạn như mã QR. Một qui định mới vào tháng 1/2019 bắt buộc các nhà cung cấp dịch vụ công cộng, từ bệnh viện đến trường học, ngừng nhận tiền mặt vào tháng 12 tới.

Tuy nhiên, Hàn Quốc lại cảnh báo về những hệ quả có thể xảy ra nếu xã hội chuyển sang áp dụng thẻ tín dụng hàng loạt quá nhanh. Được biết, một cuộc chạy đau tín dụng hồi đầu những năm 2000 đã dẫn đến tình trạng nợ hộ gia đình tăng lên. Năm 2004, khoảng 1/13 người trong 48 triệu dân Hàn Quốc chậm thanh toán nợ quá hạn ba tháng hoặc hơn, trong khi 2/3 trong số này vỡ nợ thẻ tín dụng.

Việt Nam đã sẵn sàng cho cuộc cách mạng phương thức thanh toán mới?

Khác với Trung Quốc, quê hương của thị trường thanh toán di động lớn nhất thế giới, phần lớn trong 97 triệu người dân Việt Nam còn phụ thuộc vào tiền giấy và kim loại quí để mua hàng, từ tạp hóa đến ô tô. Chủ cửa hàng phải đến ngân hàng nhiều lần trong tuần và rút tiền về nhà để chi tiêu.

Việt Nam đang sẵn sàng cho một cuộc cách mạng về phương thức thanh toán. Dân số trẻ am hiểu công nghệ, với 70% sử dụng điện thoại thông minh và dễ dàng tiếp cận với các hệ thống thanh toán kĩ thuật số được cung cấp bởi loạt công ty khởi nghiệp địa phương.

Bên cạnh đó, Việt Nam còn sở hữu nhiều phương tiện di chuyển và các công trình hiện đại. Tầng lớp trung gia tăng nhanh chóng sẵn sàng gửi con cái đến các nền kinh tế tiên tiến, nơi tập trung nhiều triệu phú và tỉ phú, để du học.

Amazon, Alibaba và các công ty thương mại điện tử toàn cầu khác đã bắt đầu hoạt động tại Việt Nam. Theo Bộ Công thương, doanh thu thương mại điện tử của Việt Nam đã tăng lên 8 tỉ USD trong năm 2018, gấp đôi so với ba năm trước nhờ 1/3 dân số mua sắm trực tuyến. Tuy nhiên, đa phần thanh toán bằng tiền mặt.

Thói quen tiết kiệm bằng vàng và đồng USD khó bỏ

Việt Nam từng ghi nhận lạm phát đạt đỉnh vào tháng 8/2018 ở mức hai con số 28,3%, nhiều người vẫn muốn trữ đồng USD và vàng. Ông Nguyễn Trí Hiếu ước tính, người dân Việt Nam nắm giữ khoảng 400 tấn vàng.

"Mọi người vẫn đang tích trữ vàng", ông Hiếu nói. "Bạn bè tôi còn giữ vàng ở nhà".

Trong khi đó, chỉ có 4,1% người dân sử dụng thẻ tín dụng, theo Standard Chartered. "Khoảng 80% khách hàng của chúng tôi chi trả bằng tiền mặt và tôi vẫn vui vẻ với việc nhận tiền mặt thay vì thanh toán thẻ tín dụng", bà Nguyễn Thu Hương (44 tuổi) đang điều hành cửa hàng quần áo ở quận trung tâm TP HCM. Chiếc máy quẹt thẻ tín dụng của cửa hàng đang phủ bụi.

"Chính phủ đã cố gắng để mọi người dùng nhiều thẻ tín dụng hơn, nhưng tôi nghĩ rằng vẫn còn một chặng đường dài trước khi mọi người sử dụng".

Việc chậm chuyển sang một hệ thống thanh toán hiện đại đang kìm hãm nền kinh tế Việt Nam. "Rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn vay vốn nhưng không thể bởi các tổ chức tài chính thường không có cách nào để xác minh doanh thu", ông Nguyễn Trí Hiếu nói.

"Họ có sổ thu chi tiền mặt trình cơ quan thuế nhưng không có cách nào để ngân hàng xác minh chúng là thật", ông nói.

Tuy nhiên, các nhà chức trách vẫn chưa đưa ra khung pháp lí cần thiết cho việc sử dụng rộng rãi thanh toán di động hoặc thành lập cơ quan đại diện cho ngân hàng ở khu vực nông thôn, vốn thiếu các dịch vụ ngân hàng, ông Alwaleed Alatabani, chuyên gia tài chính của World Bank tại Việt Nam, cho biết.

"Vấn đề này không dễ thay đổi", bà Trần Thị Lệ (35 tuổi), một thư kí sống tại TP HCM, nói. "Tiết kiệm bằng vàng hoặc những đồng ngoại tệ mạnh như USD hay EUR, là thói quen từ lâu của đa phần người dân Việt Nam".

Ông Nhân, chủ cửa hàng ở Hà Nội, và vợ cũng để dành tiền để mua vàng thỏi. "Tôi muốn tiết kiệm vàng để sử dụng trong tương lai sau khi đã nghỉ hưu. Tôi cảm thấy vàng an toàn hơn".

Trần Nam Thi