|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Thịt heo, bò Mỹ, tôm hùm, rau củ... lên sàn thương mại điện tử, ngành bán lẻ hậu COVID-19 gặp thời

07:24 | 15/05/2020
Chia sẻ
Các sàn thương mại điện tử Tiki, Lazada, Shopee... đang ồ ạt đưa thực phẩm thịt bò Úc, Mỹ, rau củ quả, tôm hùm… lên bán để tranh thủ nhu cầu mua sắm hậu COVID-19 của người tiêu dùng, hình thành các chợ thực phẩm đa dạng.

Dù đã hết cách li xã hội phòng đại dịch Covid-19 nhưng chị Minh Thanh (quận Phú Nhuận) hiện vẫn giảm tần suất đến siêu thị hoặc chợ gần nhà, để mua hàng hoá thiết yếu lẫn thực phẩm tươi sống.

Chị Thanh cho hay trong giai đoạn "nhà nào ở nhà nấy" và hạn chế tối đa việc đi ra ngoài, chị đặt các mặt hàng nhu yếu phẩm như gạo, mì gói, bún miến… trên một sàn thương mại điện tử lớn. Riêng thực phẩm tươi sống như thịt cá và rau xanh, sau giờ làm, chị sẽ ghé siêu thị để mua. 

"Nhưng hiện trang thương mại điện tử tôi hay đặt vừa mới bán luôn cả thịt cá, rau xanh, trái cây, muốn mua gì cũng có, nên tôi đã hạn chế luôn việc đến siêu thị. Sắp tan sở, tôi lên trang này đặt rồi chạy xe về nhà là nhận được thực phẩm và nấu ăn cho bữa tối, rất tiện lợi", chị Thanh nói.

Thịt heo, bò Mỹ, tôm hùm lên sàn thương mại điện tử

Dữ liệu của iPrice cho biết 3 tháng đầu năm 2020, các mặt hàng nhu yếu phẩm, tạp hóa trên các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam tăng trưởng nóng. Trong khi đó, nhóm hàng này từ trước đến nay vốn không phải là mặt hàng chủ lực của các sàn.

Thịt heo, bò Mỹ, tôm hùm... lên sàn thương mại điện tử, 'thời tới' cho ngành bán lẻ hậu Covid-19 - Ảnh 1.

Thịt cá, tôm hùm bắt đầu lên các sàn thương mại điện tử như Lazada, Tiki, Shopee. (Ảnh chụp màn hình).

Dịch Covid-19 khiến nhu cầu mua hàng thiết yếu tăng mạnh, thực tế, nhiều người tiêu dùng, đặc biệt là các đô thị lớn như Hà Nội và TP HCM chọn các sàn thương mại điện tử Tiki, Lazada, Shopee… để mua gạo, mì tôm, thịt đóng hộp vì tâm lí ngại đến nơi đông người.

Ngay khi nhóm hàng tạp hoá tăng trưởng nóng, giữa tháng 4, Lazada đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội, tung thêm nhóm hàng thực phẩm tươi sống gồm thịt heo, thịt bò trong nước và nhập khẩu, rau củ quả. Sàn này chọn cách kết nối với các nhà cung cấp chuyên về thịt mát, thịt nhập khẩu để phân phối lại cho khách hàng.

Tổng giám đốc Lazada Việt Nam - ông James Dong, cho biết thông qua tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp và tận dụng tối đa nguồn lực cung ứng (logistics) của mình, sàn sẽ mang những thực phẩm tươi, sạch như trái cây, rau củ, thịt cá đến tận nhà cho khách hàng, đơn được giao trong vòng 2h đồng hồ.

Trên Shopee, sàn này lại chuyên về loại thực phẩm tươi sống nhập khẩu như thịt bò Mỹ, Úc, tôm hùm…

Sau Lazada, Shopee, bắt đầu từ tháng 5, thịt cá, trái cây, rau củ quả từ nội đến ngoại cũng bắt đầu có mặt trên sàn thương mại điện tử Tiki. Khảo sát trên sàn này cho thấy các sản phẩm thuộc nhóm hàng hoá tươi sống bán khá đa dạng, từ trái cây, rau củ, thịt, thực phẩm khô đến hải sản như tôm hùm, hàu sữa…

Đặc biệt, để đáp ứng nhu cầu chế biến ngay sau khi vừa nhận hàng từ shipper, Tiki có sẵn cả thực phẩm đã qua sơ chế như canh khoai sọ sườn non, canh bầu nấu tôm…

Đi chợ hộ tăng trưởng đột biến

Không riêng các sàn thương mại điện tử, các ứng dụng gọi xe cũng nhanh chóng chớp lấy thời cơ về nhu cầu mua sắm thực phẩm tươi sống trực tuyến.

Cuối tháng 3, ngay khi Việt Nam chuẩn bị bước vào giai đoạn cách li xã hội, Grab ra mắt dịch đi siêu thị hộ GrabMart. Người dùng chỉ cần mở ứng dụng này, chọn các cửa hàng tiện lợi, chuỗi cửa hàng bán lẻ, siêu thị… đang có trên hệ thống và thoải mái chọn mua thực phẩm đóng hộp, thức ăn chế biến sẵn, trái cây tươi, thức uống đóng chai, rau củ quả…

Thịt heo, bò Mỹ, tôm hùm... lên sàn thương mại điện tử, 'thời tới' cho ngành bán lẻ hậu Covid-19 - Ảnh 2.

Dịch vụ đi chợ hộ tăng trưởng đột biến. (Ảnh: Grab).

Tài xế Grab chỉ cần đến cửa hàng, báo số đơn, chờ nhận hàng và giao đến tận nơi cho người mua, tất cả chỉ trong vòng 1 giờ. 

Theo Grab, trong giai đoạn cách li xã hội và dịch vụ đi chợ hộ được triển khai, top 5 mặt hàng được tìm kiếm nhiều nhất trên hệ thống ứng dụng này là sữa, mì tôm, sữa đậu nành, nước soda và xúc xích heo. Đây cũng chính là những mặt hàng thiết yếu quen thuộc dùng hàng ngày của đại đa số gia đình Việt.

"Số lượng đơn hàng GrabMart đã tăng đến 91% chỉ sau 1 tuần triển khai. Dữ liệu trên hệ thống Grab ghi nhận ngày 31/3/2020 là ngày đạt số lượng đơn hàng GrabMart cao kỉ lục, ngay trước thời điểm thực hiện cách li toàn xã hội", đại diện Grab cho biết.

Trước Grab 1 tháng, ứng dụng gọi xe Be cũng ra mắt dịch vụ đi chợ hộ. Tuy nhiên, giai đoạn cách li xã hội mới thực sự "bấm nút" kích hoạt dịch vụ này của Be. Ccó hôm, số lượt khách vào hệ thống yêu cầu đi chợ hộ mua sắm hàng hoá lên đến 15.000 lượt, tăng 200% so với trước thời điểm có dịch bệnh. 

Các ứng dụng gọi xe có thêm dịch vụ đi chợ hộ thường kết nối với các hệ thống bán lẻ lớn hiện nay như Big C, Saigon Co.op, VinMart và các cửa hàng tiện lợi, để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Riêng các hệ thống bán lẻ, ngoài việc hợp tác với Grab, Be, các đại gia này còn có trang thương mại điện tử riêng hoặc triển khai thêm dịch vụ bán hàng qua điện thoại, tức tương tự như dịch vụ đi chợ hộ. Người tiêu dùng chỉ cần gọi điện qua tổng đại, ghi lại danh sách những món hàng cần mua là hàng hoá và thực phẩm sẽ được chuyển đến tận nhà mà không phải trực tiếp mua sắm.

Thời của mua sắm trực tuyến đã đến

Nhóm hàng tạp hoá được đặt mua trên các sàn thương mại điện tử tăng trưởng nóng trong giai đoạn cách li xã hội; dịch vụ đi chợ hộ của các ứng dụng gọi xe và hệ thống bán lẻ tăng trưởng ấn tượng, được kì vọng sẽ làm một cú hích cho nền tảng mua sắm trực tuyến, khi người tiêu dùng bắt đầu thay đổi thói quen mua sắm.

Thịt heo, bò Mỹ, tôm hùm... lên sàn thương mại điện tử, 'thời tới' cho ngành bán lẻ hậu Covid-19 - Ảnh 3.

Dịch vụ đi chợ hộ thông qua đặt hàng điện thoại của các siêu thị tăng trưởng tốt vì dịch Covid-19. (Ảnh: Phúc Minh).

"Dịch Covid-19 kéo dài đã gây ra những xáo trộn trong cuộc sống của nhiều người dân Việt Nam, nhưng mặt khác lại đang thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ, và tạo ra những thay đổi đáng kể trong thói quen tiêu dùng của người Việt", phía Grab nhận định.

Đồng thời, "ông lớn" trong lĩnh vực gọi xe công nghệ này cũng cho rằng những chính sách vừa qua trong giai đoạn cách li xã hội có thể là "chất xúc tác", giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, khi các cơ quan chức năng đang khuyến khích đẩy mạnh mua sắm trực tuyến và thương mại điện tử.

Ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Tập đoàn Masan, ngay sau khi tiếp nhận hệ thống bán lẻ VinMart và VinMart+ từ Vingroup cũng nhận định dịch bệnh Covid-19 sẽ là "thời" dành cho bán hàng online, bởi tâm lí người tiêu dùng ngại đến nơi đông người vẫn còn hiện hữu.

"Khủng hoảng luôn là động lực để kích hoạt sự thay đổi, giúp chúng ta phát triển mạnh mẽ hơn. Bán hàng online là xu thế tất yếu của tương lai, và tôi tin rằng khủng hoảng do Covid-19 sẽ đẩy xu thế này phát triển nhanh hơn. Các doanh nghiệp về công nghệ nên đi đầu để nhanh chóng đón bắt vấn đề này", ông Quang nói. 

Nielsen Việt Nam cũng cho rằng thời điểm hiện nay là cơ hội rất lớn cho ngành bán lẻ, nhà sản xuất và các công ty giao thực phẩm. Theo đó, sự chuyển biến về thói quen ăn uống tại nhà sẽ kéo dài cho đến hậu đại dịch. 

Vì vậy, Nielsen khuyến cáo các nhà bán lẻ cần khai thác sâu các kênh trực tuyến, suy nghĩ lại về việc giao hàng, phát triển hơn các dịch vụ O2O (offline-to-online) và thúc đẩy tích hợp đa kênh bởi đây là cách mà người tiêu dùng mua sắm trong tương lai.

Phúc Minh