Thiếu container rỗng đe dọa xuất khẩu điều sang Mỹ, châu Âu
Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt điều tháng 5 đạt gần 53 nghìn tấn, trị giá 324,5 triệu USD, tăng 9% về lượng và tăng 13% về trị giá so với tháng 4.
Tính chung 5 tháng đầu năm, xuất khẩu hạt điều đạt gần 214,5 nghìn tấn, trị giá gần 1,3 tỷ USD, tăng 17% về lượng và tăng gần 4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Giá xuất khẩu hạt điều tháng 5 đạt 6.140 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 6/2020, tăng gần 4% so với tháng 4 và giảm nhẹ so với tháng 5/2020.
Tính chung 5 tháng đầu năm, giá xuất khẩu bình quân hạt điều đạt 5.946 USD/tấn, giảm 11,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Xuất khẩu hạt điều sang Trung Quốc, Hà Lan, Canada, Nga, Thái Lan tăng so với cùng kỳ năm 2020, nhưng xuất khẩu sang Mỹ, Đức, Anh, Australia, Italia giảm.
Hiệp hội điều Việt Nam (VINACAS) cũng cho biết nhu cầu đối với hạt điều giảm nhẹ vào cuối tháng 6, khi các nước phương Tây nhập kho dự trữ lớn.
Giá điều vẫn ổn định đối với các quốc gia ít bị tác động về logistics như Côte d'Ivoire, Nigeria...
Theo VINACAS, nhu cầu thế giới đang tăng mạnh ở các nước tiêu thụ và sự gián đoạn chuỗi cung ứng có thể sẽ kéo dài vài tháng. Đồng thời, giá điều sẽ giảm nhẹ trong thời gian ngắn.
Khó khăn hiện tại là chi phí vận chuyển hàng hóa cao từ các cảng châu Á đã khiến người mua tìm đến châu Phi để tìm nguồn cung. Trong một số trường hợp, giá giao dịch ở mức cao hơn 30 cents/pound so với giá chào hàng của Việt Nam.
Việc mua hạt nhân từ Ấn Độ để xuất khẩu không đạt kết quả mong muốn vì doanh số bán hàng nội địa vẫn có ý nghĩa đối với các nhà chế biến Ấn Độ. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu container khá căng thẳng ở nước này.
Trong bối cảnh đó, các nhà nhập khẩu và rang xay đang ở thế khó vì bán giá cố định cho các nhà bán lẻ. Các nhà nhập khẩu có nhiều khả năng thực hiện chiến lược rủi ro thấp để có thể giữ giá hạt nhân ổn định.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) giữa tháng 6, giá chào bán nhân hạt điều của Việt Nam loại WW320 ở mức gần 7,5 USD/kg, WW240 là 8,3 USD/kg và WW180 là 9 USD/kg.
Cục Xuất nhập khẩu dự báo trong vài tháng tới, tình trạng thiếu container rỗng nhiều khả năng sẽ tiếp tục diễn trong vài tháng nữa, giá cước vận chuyển cao được dự báo kéo dài sang tận năm 2022.
Xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang thị Mỹ và châu Âu sẽ tiếp tục gặp khó khăn do tình hình vận chuyển chưa có dấu hiệu được cải thiện. Ngược lại, xuất khẩu sang Trung Quốc, Canada được dự báo sẽ tiếp tục tăng.