|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Thiên Ngọc Minh Uy 'vươn vòi' hút tiền tỷ của bản nghèo nhất nước

22:43 | 04/05/2017
Chia sẻ
Là một trong những bản nghèo nhất xã Quy Hướng huyện Mộc Châu, Sơn La nhưng nhiều hộ dân ở bản Bó Hoi sẵn sàng mang hầu hết số tiền được đền bù giải phóng mặt bằng đầu tư vào đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy với ước mơ “đổi đời”.

Khi ước mơ chưa thành

Chúng tôi may mắn khi tìm đường vào bản Bó Hoi một ngày trời nắng, khô ráo bởi nếu chỉ cần một vài ngày trước đó trời mưa thì có lẽ chỉ còn cách chống gậy đi bộ vào bản.

Xuất phát từ trung tâm huyện, sau hơn 2 giờ đi men theo con đường dài 14km chỉ toàn đất, đá và dốc, nhiều đoạn đường xấu phải dắt xe, cuối cùng chúng tôi cũng tới được bản Bó Hoi.

Hình ảnh đầu tiên chúng tôi nhìn thấy ở bản nghèo này là sự xác xơ của những căn nhà được làm bằng gỗ.

Cái oi nóng đầu hè bao trùm lên bản nghèo nhưng có lẽ không thể ''nóng" bằng không khí của 22 hộ dân nơi đây đã trót đầu tư vài tỷ đồng vào đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy (TNMU).

Nguồn gốc số tiền này đa phần đều từ việc đền bù tái định cư của đề án Ổn định dân cư, phát triển KT- XH vùng chuyển dân sông Đà xây dựng thủy điện Hòa Bình, thuộc tỉnh Sơn La giai đoạn 2011-2015.

thien ngoc minh uy vuon voi hut tien ty cua ban ngheo nhat nuoc
Đường dẫn vào bản Bó Hoi nhỏ, hẹp men theo sườn núi một bên là đồi trọc một bên là vực. (Ảnh: Chí Duy)
thien ngoc minh uy vuon voi hut tien ty cua ban ngheo nhat nuoc
Cây cầu treo bắc qua con suối nơi nối con đường từ bản Bó Hoi ra đường quốc lộ 43. (Ảnh Chí Duy)

Cả bản giờ chỉ có hai ngôi nhà hai tầng được xây kiên cố, còn lại đều làm bằng gỗ, nhiều nơi đã mục nát.

Và những đứa trẻ vẫn hồn nhiên chơi đùa giữa trời nắng buổi trưa 35, 36 độ mà không có người trông coi, bởi lúc này bố mẹ chúng đang phải còng lưng mót từng bữa ăn trên nương, rẫy.

Khi chúng tôi tìm đến nhà ông Bàn Văn Tơn - một hộ gia đình theo đa cấp sớm nhất bản nhưng căn nhà vắng lặng.

Những người xung quanh cho hay cả gia đình ông Tơn đang đi phá rẫy lấy đất trồng ngô bởi tiền đền bù đã “nướng” vào đa cấp hết chưa lấy ra được, hơn nữa cũng chẳng còn đồng nào lấy vốn để làm ăn, buôn bán.

thien ngoc minh uy vuon voi hut tien ty cua ban ngheo nhat nuoc
Những hộ gia đình này sẽ đi về đâu khi toàn bộ tiền của đã đổ vào đa cấp. (Ảnh Chí Duy)

Theo sự chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tiếp tục tìm gặp gia đình phó bí thư chi bộ của bản là ông Bàn Văn Den. Anh Bàn Văn Cường, con trai ông Den là người theo TNMU từ năm 2015.

Năm đầu tiên, anh Cường nhận được 90 triệu đồng tiền thưởng và đó cũng là số tiền duy nhất trong hơn chục năm kể từ khi người đàn ông này đầu tư 390 triệu đồng vào đa cấp.

Ông Den cho biết thời điểm tháng 4/2015, ông bị đổ bệnh nên biết con trai mang tiền đi đầu tư đa cấp nhưng cũng không còn sức đâu mà ngăn cản bởi lúc đó "đang nằm liệt giường nên không suy nghĩ được gì”.

Ông Den cho biết thêm, trong số những người "vận động" gia đình ông tham gia đa cấp có một người phụ nữ tên Hà - tự xưng làm việc tại một cơ quan nhà nước của huyện đứng ra đảm bảo nên gia đình ông Den càng yên tâm.

thien ngoc minh uy vuon voi hut tien ty cua ban ngheo nhat nuoc
Ông Bàn Văn Den là phó bí thư chi bộ bản Bó Hoi cảm thấy hối hận khi không ngăn cản con trai đổ toàn bộ tiền của gia đình vào đa cấp. (Ảnh Chí Duy)

Anh Bàn Văn Cường chia sẻ: “Nhà tôi nhận được tiền đền bù mặt bằng được 480 triệu đồng. Sau khi bỏ ra 100 triệu đồng trả nợ gia đình đã bỏ số còn lại cộng với 10 triệu đồng tiền bán ngô giống để mua 35 mã hàng của TNMU, trong đó 15 mã Ozon và 20 mã Chăm sóc sức khoẻ.

Khi bắt đầu tham gia từ ngày 27/4/2015 tháng đầu tiên tôi nhận được 62 triệu tiền thù lao, đến tháng thứ hai tôi nhận được thêm 37 triệu đồng nữa. Nhưng từ đó đến nay dù họ hứa hẹn nhiều lần nhưng tôi vẫn chưa nhận được thêm một đồng nào từ phía công ty TNMU.

Khi liên hệ, họ nói do hoạt động không hiệu quả nên tiền thưởng chậm hơn những nơi khác và không trả lời gì thêm. Từ lúc nghe tin về việc TNMU bị rút giấy phép kinh doanh đa cấp, tôi gọi điện cho tuyến trên thì không thấy nghe máy nữa”.

Anh Cường cũng cho biết tới giờ phút này gia đình anh cũng như nhiều hộ khác đang rất hoang mang cũng như giảm sút niềm tin vào TNMU.

“Gia đình tôi giờ chỉ mong lấy lại được số tiền đã đầu tư chứ không dám mong muốn nhận được tiền lãi hay trả thưởng gì từ phía TNMU nữa”, anh Cường nói trong lo lắng.

"Dân ở đây làm gì có tiền đâu"

Tìm đến vị trưởng bản Bàn Văn Quốc, qua vài câu chuyện về những người tham gia Thiên Ngọc Minh Uy ở bản, ông Quốc cho biết cả xã có 22 hộ trên 105 hộ theo bán hàng đa cấp, hộ nào theo ít cũng vài chục triệu, nhiều thì cũng 500 - 600 triệu đồng.

“Dân ở đây làm gì có tiền đâu, mỗi năm trồng ngô kiếm được 10 - 20 triệu đồng là cùng.

Vài năm trước được nhà nước quan tâm tạo điều kiện đền bù giải phóng mặt bằng cho người dân khi xây dựng thuỷ điện, bỗng dưng có vài trăm triệu trong tay lại đúng lúc có người trong bản giới thiệu về TNMU nên nhiều hộ đổ tiền vào.

Thậm chí có nhà được đền bù 380 triệu đồng thì đổ hết cả vào đa cấp với hy vọng đổi đời. Theo thống kê của tôi bản này đổ vào đa cấp khoảng gần 5 tỷ đồng rồi”, vị trưởng bản cho biết.

Vừa nói chuyện ông vừa chỉ ra ngôi nhà ngay đầu dốc cách đó một con suối nhỏ. Theo lời vị trưởng bản, đấy là nhà anh Bàn Văn Hương, Bí thư chi bộ bản Bó Hoi, người đã đổ khoảng hơn 600 triệu đồng vào TNMU.

Ngoài ra, hơn chục hộ trong bản là tuyến dưới của anh Hương cũng đã bỏ ra là gần 3 tỷ đồng để trở thành hội viên của đa cấp TNMU.

Nhớ về ngày đầu đa cấp xuất hiện ở bản nghèo này ông Quốc cho biết: “Đầu năm 2014 một hộ trong bản có đứa con gái học hết lớp 12 và cho ra ngoài huyện để đi làm, sau vài tháng trở về rủ rê bố mẹ làm đa cấp cùng.

Một thời gian ngắn sau đó, nhiều người từ huyện vào đây để mời mọc, dụ dỗ người dân theo đa cấp. Nhiều nhà nhẹ dạ cả tin, lại sẵn có tiền đền bù liền dốc hết ra để tham gia đa cấp. Nhà này thấy nhà khác vừa làm đã có tiền nên chạy theo, đến giờ cả bản có 22 hộ tham gia”.

Ông Quốc cho biết không riêng gì gia đình anh Cường đang mất ăn mất ngủ vì đa cấp mà còn nhiều hộ khác cũng đến để xin ý kiến của vị trưởng bản để làm sao lấy lại được tiền đã đầu tư.

“Mặc dù đã nhiều lần huyện xuống nhắc nhở, cũng như thông báo người dân không nên đầu tư tất cả vào đa cấp nhưng nhiều hộ vẫn không nghe mà vẫn đổ tiền vào” ông Quốc nói.

Theo vị Trưởng bản này, mặc dù có thông tin TNMU bị thu hồi giấy chứng nhận kinh doanh đa cấp nhưng nhiều hộ vẫn tin tưởng lắm, họ vẫn nghĩ rằng đầu tư vào đó sau này sẽ có tiền.

"Tuy nhiên, hiện tại tôi đang tìm hiểu và đã nhận được phản hồi của vài hộ không được yên tâm về TNMU sau khi nghe tin đó.

Sắp tới họ sẽ cùng nhau tới văn phòng đại diện TNMU ở Thị trấn nông trường Mộc Châu để xin thanh lý hợp đồng, tôi sẽ cùng họ tới đó”, ông Quốc khẳng định.

Đề án "Ổn định dân cư, phát triển KT- XH vùng chuyển dân sông Đà xây dựng thủy điện Hòa Bình thuộc tỉnh Sơn La giai đoạn 2011-2015” theo Quyết định số 1460/QĐ-TTg ngày 23-8-2011 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án 1460) phê duyệt và điều chỉnh với tổng mức đầu tư gần 1.400 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2011-2017; thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ TĐC; hỗ trợ phát triển sản xuất; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

Tại Sơn La vùng ảnh hưởng việc xây dựng thủy điện Hòa Bình có 50 xã và 2 thị trấn thuộc 6 huyện: Phù Yên, Mộc Châu, Bắc Yên, Mường La, Mai Sơn, Vân Hồ; với tổng số 664 bản, trên 54.000 hộ.

Mục tiêu của Đề án là đến hết năm 2017, ổn định được nơi ở của các hộ dân, không còn hộ thiếu đất sản xuất và hộ đói, giảm hộ nghèo bằng mức bình quân chung của tỉnh.

Vùng thực hiện Đề án có nền kinh tế phát triển toàn diện, dân cư ổn định, có điều kiện phát triển bền vững và hòa nhịp với sự phát triển chung của tỉnh, đời sống của người dân được bảo đảm và ngày càng nâng cao.

Chí Duy