|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thị trường thế giới: USD giảm, chứng khoán và hàng hóa tăng nhẹ

06:28 | 24/08/2016
Chia sẻ
Phiên 23/8, giới đầu tư tiền tệ, chứng khoán và vàng tập trung phân tích những đồn đoán xung quanh quan điểm của Chủ tịch Fed về kinh tế Mỹ trong khi tín hiệu tích cực từ Iran đã giúp giá dầu duy trì được đà tăng.
thi truong the gioi usd giam chung khoan va hang hoa tang nhe

Trên thị trường kim loại quý, giá vàng giao ngay chốt phiên 23/8 chỉ tăng 0,07% lên 1.339,2 USD/ounce sau khi chạm đáy 2 tuần trong phiên trước đó.

Giá vàng giao tháng 12/2016 tại Mỹ cũng tăng 0,2% lên 1.346,1 USD/ounce. Trong phiên, quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới SPDR giữ nguyên tổng dự trữ vàng ở 958,37 tấn sau khi đã bán hơn 2 tấn trong phiên trước đó.

Đà tăng của giá vàng bất ngờ bị chặn đứng trong phiên 22/8 do những bình luận đến từ Phó chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho rằng, ngân hàng trung ương Mỹ đang gần tiến sát tới mục tiêu về việc làm và lạm phát, nâng khả năng Mỹ sẽ tăng lãi suất vào cuối năm nay.

Tuy nhiên đến phiên 23/8, tâm điểm của thị trường vàng chuyển sang cuộc họp thường niên của các ngân hàng trung ương thế giới vào cuối tuần này bắt đầu từ ngày 25/8. Giới đầu tư chờ đợi Chủ tịch Fed sẽ cung cấp nhiều tín hiệu rõ ràng hơn về chính sách lãi suất của ngân hàng.

Trên thực tế, việc thị trường chuyển đổi tâm điểm sang hướng khác cũng ảnh hưởng đến tâm lý đầu tư vào tiền tệ. USD theo đó giảm so với cả yen và euro, với chỉ số đôla không đổi ở 94,533 điểm. Cụ thể, USD giảm 0,1% so với yen và euro tăng 0,1% so với USD.

Ngoài vàng, giá một số kim loai quý khác cũng chỉ tăng nhẹ; trong đó, giá bạch kim tăng 0,03% và giá palladium tăng 0,83%. Riêng giá bạc lại giảm nhẹ 0,08% trong cả phiên.

Cũng trên thị trường hàng hóa, dầu vẫn duy trì được đà tăng giá dù tốc độ tăng đang chậm lại.

Chốt phiên 23/8, giá dầu Brent tăng 1,6% lên 49,96 USD/thùng trong khi giá dầu WTI tăng 1,5% lên 48,10 USD/thùng.

Giá dầu tăng sau khi Reuters đăng tải thông tin cho biết, Iran - nước sản xuất dầu lớn thứ 3 của Hiệp hội các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) - có vẻ đã sẵn sàng hỗ trợ OPEC trong vòng đàm phán sắp tới tại Algeria vào tháng 9 tới đây.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu tại Mỹ, châu Âu và châu Á phần lớn chuyển sang sắc xanh sau phiên biến động trái chiều ngày 22/8.

Cụ thể, ba chỉ số chứng khoán lớn của Mỹ, gồm Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq, chốt phiên lần lượt tăng 0,1%, 0,2% và 0,3%. Thị trường chứng khoán Mỹ tăng nhờ tín hiệu tích cực mới của kinh tế Mỹ. Theo đó, doanh số bán nhà mới trong tháng 7/2016 tại Mỹ bất ngờ lên mức cao nhất gần 9 năm do nhu cầu tăng mạnh.

Tại châu Âu, đà tăng của cổ phiếu xây dựng cùng với sự phục hồi sau bán tháo của cổ phiếu khai thác mỏ đã giúp chỉ số STOXX 600 tăng 0,5%.

Ngược lại, thị trường chứng khoán châu Á biến động phức tạp hơn dù chỉ số MSCI châu Á Thái Bình Dương chốt phiên tăng 0,1%.

Trong khi cổ phiếu tại Singapore, Australia và New Zealand đồng loạt tăng điểm thì cổ phiếu tại Nhật Bản bất ngờ giảm với chỉ số Topix giảm 0,5% trong cả phiên. Đà tăng giá của đồng yen trong thời gian gần đây đã gây áp lực rất lớn lên hoạt động xuất khẩu của nước này.