Thị trường thế giới nín thở chờ phát biểu của Chủ tịch Fed
Trên thị trường kim loại quý, trong khi vàng chạm đáy thấp nhất 4 tuần, bạch kim xuống thấp nhất 1 tháng thì bạc cũng ghi nhận phiên giảm thứ 4 liên tiếp.
Cụ thể, giá vàng giao ngay chốt phiên 25/8 giảm 0,1% xuống 1.322,26 USD/ounce, trong khi giá vàng giao tháng 12/2016 cũng giảm 0,4% xuống 1.324,60 USD/ounce.
Trong phiên, quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới SPDR cũng nhanh chóng bán 1,78 tấn vàng trong kho trước khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen đăng đàn phát biểu tại hội nghị thường niên của các ngân hàng trung ương thế giới tại Jackson Hole, Wyoming.
"Giới đầu từ dường như đã từ bỏ các màn đánh cược vào đà tăng giá của vàng với lo ngại rằng, bà Yellen sẽ cam kết tăng lãi suất vào cuối năm nay trong bài phát biểu tại Diễn đàn chính sáchJackson Hole. Một số chuyên gia theo dõi giá vàng thậm chí cho rằng, Fed sẽ sớm tăng lãi suất trong tháng 9 tới", chiến lược gia hàng hóa Bart Melek tại công ty chứng khoán TD (Canada) cho biết.
Ngoài vàng, bạc cũng ghi nhận phiên giảm giá thứ 4 liên tiếp với mức giảm 0,3% xuống thấp nhất 8 tuần ở 18,46 USD/ounce. Bạch kim cũng mất giá 0,4% xuống thấp nhất 1 tháng. Riêng palladium lại bật tăng 0,9% trong cả phiên.
Với tâm lý lo ngại, giới đầu tư tiền tệ cũng nhanh chóng rút vốn ra khỏi đồng bạc xanh, khiến USD bất ngờ giảm giá. Chốt phiên 25/8, euro tăng 0,3% so với USD và tỷ giá USD/JPY không đổi so với phiên trước sau khi liên tiếp giảm trong 100 phiên gần đây.
Thị trường chứng khoán toàn cầu cũng hứng chịu cảnh tương tự khi các chỉ số chứng khoán trên các sàn lớn đồng loạt chuyển đỏ.
Tại Mỹ, ba chỉ số chứng khoán chính, gồm Dow Jone, S&P 500 và Nasdaq, lần lượt giảm 0,18%, 0,14% và 0,11%, với tổng 5,48 tỷ cổ phiếu được giao dịch trao tay trên các sàn - thấp hơn mức giao dịch trung bình của 20 gần đây là 6,2 tỷ.
Tại châu Âu, chỉ số STOXX 600 giảm mạnh hơn với 1,14%. Trong đó, chỉ số FTSE 100 của Anh, DAX của Đức và CAC của Pháp lần lượt giảm 0,29%, 0,87% và 0,67%.
Tại châu Á, chỉ số MSCI châu Á Thái Bình Dương tăng nhẹ 0,1% sau khi giảm ở đầu phiên. Trong đó, chỉ số Topix của Nhật Bản chốt phiên giảm 0,2% với 1,349 tỷ cổ phiếu được giao dịch trao tay - thấp hơn nhiều mức trung bình của 30 phiên gần đây nhất.
Ngoài ra, chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc, S&P/ASX của Australia cũng lần lượt giảm 0,57% và 0,36%.
Điểm sáng duy nhất trên thị trường thế giới là giá dầu thô. Sau phiên 24/8 giảm gần 2%, giá dầu lại bật tăng do căng thẳng chính trị giữa Mỹ và Iran tại Vùng Vịnh. Ngày 24/8, phía Mỹ cho biết, bốn tàu tấn công nhanh của Iran đã quấy rối, tiếp cận và ngăn chặn một tàu khu trục Mỹ tại eo biển Hormuz ở tốc độ cao dù tàu Mỹ đã bắn 10 quả pháo sáng cảnh báo.
Ngoài ra, giá dầu vẫn được hỗ trợ lớn bởi những đồn đoán tích cực về vòng đàm phán sắp tới của Hiệp hội các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) trong tháng 9 tới đây.
Giá dầu Brent theo đó tăng 1,3% lên 49,67 USD/thùng và giá dầu WTI của Mỹ tăng 1,2% lên 47,33 USD.