[Thị trường thế giới ngày 12/8] Giá vàng tăng ngày thứ 4 liên tiếp, USD tiếp đà giảm
Bảng cập nhật tình hình thị trường thế giới (giá dầu, vàng, USD và chứng khoán Mỹ). Tổng hợp: Tố Tố. |
Trên thị trường vàng, giá tiếp đà tăng, ghi nhận tăng liên tiếp trong 4 phiên giao dịch vào ngày thứ Sáu (11/8), vì căng thẳng địa chính trị leo thang giữa Mỹ và Triều Tiên.
Bên cạnh đó, báo cáo lạm phát Mỹ cho kết quả không như kỳ vọng cũng hỗ trợ nhu cầu về vàng, và đẩy USD giảm so với các đồng tiền chủ chốt khác trên thị trường tiền tệ.
Chỉ số USD, đo sức mạnh của đồng USD thông qua diễn biến tỷ giá giữa đồng bạc xanh và 6 đồng tiền chủ chốt khác, giảm 0,37% xuống 93,052 điểm. Trong phiên giao dich, có lúc chỉ số xuống thấp nhất 1 tuần ở 92,934 điểm.
USD xuống đáy 16 tuần so với yen Nhật, nhưng đà giảm đã bị kìm hãm sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Nga, ông Sergei Lavrov cho biết Nga – Trung Quốc đã lên kế hoạch để làm giảm căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên.
USD giảm 0,11% so với đồng franc Thụy Sĩ.
Báo cáo công bố ngày hôm qua cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,1% trong tháng trước sau khi không thay đổi vào tháng 6. Kết quả khảo sát các nhà kinh tế học của Reuters trước đó dự báo chỉ số CPI tăng 0,2% trong tháng 7.
Số liệu này có thể khiến Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cẩn trọng về việc tăng lãi suất một lần nữa trong năm nay.
“Kết hợp với báo cáo giá sản xuất công bố trong ngày hôm qua với kết quả thấp hơn dự báo, rõ ràng sẽ không cần phải sử dụng chính sách thắt chặt tiền tệ vào thời điểm này”, ông Karl Schamotta, Giám đốc của phòng chiến dịch thị trường và sản phẩm toàn cầu của Cambridge Global Payments ở Toronto, cho biết.
Euro tăng 0,45% so với USD lên 1,1823 USD sau khi ngân hàng Morgan Stanley nâng dự báo về đồng tiền chung châu Âu, ước tính euro sẽ chạm 1,25 USD vào đầu năm sau.
Đồng bảng Anh phục hồi, tăng 0,32% so với USD sau khi chạm đáy 3 tuần so với đồng bạc xanh ở đầu phiên giao dịch. Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn lo ngại về triển vọng nền kinh tế của Anh sau khi báo cáo kinh tế công bố trong tuần này cho kết quả trái chiều.
Trên thị trường dầu, giá dầu thô giao tương lai tăng trong phiên giao dịch ngày hôm qua, nhưng ghi nhận một tuần giảm giá sau khi cảm nhận của thị trường về giá dầu trở nên tiêu cực hơn trong tuần này.
Nguyên nhân là vì báo cáo của OPEC chỉ ra sản xuất của tổ chức tăng trong tháng 7 sau khi các thành viên không tuân thủ nghiêm ngặn cam kết giảm sản lượng của tổ chức.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, tỷ lệ tuân thủ thỏa thuận cắt sản lượng của OPEC giảm còn 75% trong tháng 7, mức thấp nhất kể từ khi bắt đầu tiến hành giảm sản xuất vào tháng 1 bất chấp cam kết nâng cáo mức độ tuân thủ của tổ chức.
Hồi tháng 5, OPEC thống nhất kéo dài thỏa thuận giảm sản xuất thêm 9 tháng, sang đến tháng 3/2018, nhưng vẫn duy trì mức giảm sản lượng là 1,2 triệu thùng/ngày như cam kết đưa ra vào tháng 11 năm ngoái.
Số liệu về mức độ tuân thủ thỏa thuận được đưa ra sau khi OPEC công bố báo cáo hàng tháng cho thấy, sản xuất của tổ chức tiếp tục tăng trong tháng 7. Nguyên nhân là vì Nigeria, Libya – hai quốc gia được miễn tham gia vào thỏa thuận cắt giảm, và nước xuất khẩu dầu hàng đầu Arab Saudi tăng sản lượng.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Năng lượng Arab Saudi, ông Khalid al-Falid đã cố dập tắt lo ngại của các nhà đầu tư về khả năng nguồn cung dư thừa sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến giá dầu, vì quốc gia này có thể tiếp tục giảm sản xuất.
Trong khi đó, công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho biết, số giàn khoan đang hoạt động của Mỹ trong tuần trước tăng 3 giàn lên 768 giàn.
Thị trường chứng khoán Mỹ kết thúc phiên giao dịch ngày hôm qua với các chỉ số tăng điểm, phục hồi trở lại sau khi giảm mạnh trong phiên giao dịch trước đó, nhờ cổ phiếu ngành công nghệ, dịch vụ tiêu dùng và chăm sóc sức khỏe tăng. Mặc dù vậy, thị trường vẫn ghi nhận một tuần giảm điểm vì bất ổn địa chính trị kéo dài.
Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch chỉ số S&P 500 tăng 0,13% lên 2.441,32 điểm. Dow Jones tăng 0,07% lên 21.858,32 điểm; và chỉ số Nasdaq tăng 0,64% lên 6.256,56 điểm.