|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thị trường ô tô Việt Nam ngày càng hấp dẫn nhờ nhu cầu tăng trưởng ấn tượng

10:17 | 25/10/2019
Chia sẻ
Thị trường ô tô phân khúc xe cá nhân đang tăng trưởng ấn tượng. Tuy nhiên, làm thế nào để tăng sức cạnh tranh và phát triển ổn định trong bối cảnh hội nhập hiện nay, vẫn là bài toán khó của các doanh nghiệp.

Tiềm năng thị trường ô tô Việt hấp dẫn doanh nghiệp ngoại

Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, sau 9 tháng năm 2019, cả nước đã nhập khẩu hơn 109.000 xe ô tô nguyên chiếc các loại, với kim ngạch 2,4 tỉ USD. So với cùng kì năm 2018, ô tô nhập khẩu tăng tới 267% về lượng và 257% về giá trị.

Đáng chú ý, xe con dưới 9 chỗ dẫn đầu về lượng nhập khẩu, với khoảng 75.848 xe, trị giá 1,459 tỉ USD. Điều này cho thấy sức mua đang ngày một tăng cao cũng như có sự chuyển hướng trong nhu cầu sử dụng của khách hàng.

Số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cũng cho thấy doanh số bán hàng của các doanh nghiệp thành viên trong 9 tháng đầu năm 2019, đạt 219.205 xe ôtô các loại, tăng 18% so với cùng kì năm ngoái. 

Trong đó, riêng phân khúc xe cá nhân có sự tăng trưởng cao, tăng 30% so với cùng kì năm 2019.

Mức tăng trưởng doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt con số gần 20% và VAMA kì vọng giai đoạn cuối năm 2019, đầu 2020 con số này sẽ nhanh chóng chạm ngưỡng hơn 25% với nhiều tiềm năng phát triển mới cho toàn ngành.

Nguyên nhân là dự kiến từ đầu năm 2020, ô tô nhập khẩu sẽ được loại bỏ qui định như kiểm tra theo lô, giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại, sẽ càng làm cho hoạt động nhập khẩu dễ dàng hơn với chi phí giảm, giá xe có điều kiện giảm tiếp, gây sức ép lên xe sản xuất trong nước.

58962938a4fd42a31bec

Nhu cầu về ô tô cá nhân của người tiêu dùng ngày càng tăng. Ảnh: NH.

Tại Triển lãm ô tô Việt Nam 2019 (Vietnam Motor Show 2019) diễn ra trong ngày 24 - 27/10 tại TP HCM, ông Laurent Genet, Đại diện Hiệp hội các nhà Nhập khẩu ô tô chính hãng Việt Nam (VIVA) cho rằng thị trường một cách tổng quan trong 9 tháng đã qua có nhiều sự thay đổi của ngành công nghiệp ô tô trong nước.

Các chính sách đối với ngành ô tô đã có những dịch chuyển tiến bộ hơn, mang đến những tín hiệu tích cực góp phần thúc đẩy sự đầu tư vào các dây chuyền lắp ráp xe hơi cũng như lành mạnh hoá thị trường nhập khẩu. 

Giá bán lẻ các mẫu xe trên thị trường Việt Nam cũng liên tiếp giảm.

Còn theo ông Toru Kinoshita, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam: "Trong tương lai, Việt Nam hứa hẹn là một thị trường tiềm năng nhờ sự phát triển ổn định của nền kinh tế và thế mạnh từ nguồn dân số trẻ. 

Để bắt kịp xu thế đó, các doanh nghiệp đang tập trung trong việc thúc đẩy sản xuất, nâng cao chất lượng hoạt động bán hàng, dịch vụ và phát triển mạng lưới đại lí để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng".

Một trong những hoạt động phát triển cụ thể chính là việc tham gia Vietnam Motor Show cùng giới thiệu hàng trăm mẫu xe mới, phiên bản mới của 15 hãng xe nổi tiếng trong và ngoài nước gồm Toyota, Honda, Mitsubishi, Ford, Nissan, Suzuki, Jaguar, Land Rover, Volkswagen, Lexus, Mercedes-Benz, Volvo, Audi, Subaru và Vinfast.

f8bee16f6caa8af4d3bb

ea285fffd23a34646d2b

Đơn cử như Mercedes-Benz Việt Nam (MBV) giới thiệu hai mẫu xe là GLE 450 4MATIC và Mercedes-AMG G 63; Ford Việt Nam đem đến mẫu SUV hạng trung mới. Audi có nhiều sản phẩm mới gồm Audi A6, A7 Sportback, A8L, Q2, Q3, và Q8 được trang bị công nghệ số hóa một cách có hệ thống. Hay hãng xe Honda ra mắt mẫu Accord thế hệ thứ 10…

Ngoài ra, còn có những mẫu xe đặc biệt thân thiện với môi trường như Audi e-tron quattro, hoàn toàn chạy điện đầu tiên trên toàn thế giới được đạt tiêu chuẩn 5 sao...

9d172ec2a30745591c16

59230d808045661b3f54

Ảnh: NH.

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho rằng: "Chính nhu cầu di chuyển của người dân Việt Nam ngày càng cao đã thúc đẩy thị trường tiêu thụ ô tô có nhiều khởi sắc với mức dự kiến vượt mốc 300.000 xe được bán ra trong năm 2019".

b214cec64303a55dfc12

Lãnh đạo Bộ Công Thương và Sở ban ngành TP HCM tại triển lãm. Ảnh: NH.

Ngoài ra, theo một số chuyên gia, đây là kết quả đến từ chính sách giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế nhập khẩu ASEAN về mức 0% đã được áp dụng từ đầu năm 2018. 

Đồng thời, thuế suất thuế nhập khẩu với linh kiện ô tô cũng được giảm xuống mức 0%, đi kèm điều kiện về sản lượng. 

Đây là tiền đề chính giúp các dòng xe nhập khẩu nhanh chóng xuất hiện tại thị trường trong nước, thúc đẩy tiêu dùng và làm tăng sức cạnh tranh giữa các thương hiệu.

Doanh nghiệp ngành ô tô tìm hướng đi riêng trước áp lực hàng rào thuế quan dần gỡ bỏ

Tại Hội thảo Xây dựng thị trường cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam hướng tới khách hàng diễn ra ngày 24/10 tại TP HCM, ông Ninh Hữu Chấn, Tổng thư kí Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, cho rằng thị trường ô tô Việt Nam được đánh giá tiềm năng với dân số đông và số lượng ô tô cá nhân còn hạn chế.

Tiềm năng phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam đang phụ thuộc vào 3 yếu tố, gồm: qui mô và cơ cấu dân số, mức thu nhập bình quân đầu người và số xe trung bình/1.000 dân. 

Tại Việt Nam, xu thế ô tô hóa dự báo sẽ diễn ra trong thời gian tới, khi GDP bình quân đầu người vượt 3.000 USD và số xe trung bình trên 1.000 dân đạt 50 xe.

Thị trường ngày càng đa dạng cung lẫn cầu, nên khách hàng sẽ là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp nhận diện thị hiếu tiêu dùng. 

Xây dựng thị trường cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam phải xác định hướng đến khách hàng là vấn đề cần thiết mà cả cơ quan quản lí và doanh nghiệp cần lưu ý trong quá trình chuyển mình của thị trường ô tô nội địa.

Đồng quan điểm, ông Đỗ Nam Bình, Giám đốc Trung tâm phát triển Công nghiệp của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), cho rằng sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô là nhân tố tích cực thúc đẩy các ngành liên quan khác cùng phát triển.

Tuy nhiên, hiện doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nam mới chỉ tham gia vào phân khúc thấp của ngành, chưa làm chủ được công nghệ cốt lõi, giá bán xe ở mức cao và tỉ lệ nội địa hóa với ô tô 9 chỗ thấp…

Ngoài ra, theo các doanh nghiệp, xu thế chuyển dịch mới của thế giới số sẽ giúp đơn vị sản xuất đến gần với khách hàng hơn nhưng sẽ là thách thức trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, khi hàng rào thuế quan dần được gỡ bỏ theo cam kết quốc tế

Ông Nguyễn Đăng Duy Nhất, Tổng giám đốc Global Elite Consulting, Giám đốc CMO Council tại Việt Nam, cho rằng các Hiệp định Thương mại tự do tạo thuận lợi thương mại với lộ trình giảm thuế bằng 0%, thì đơn vị sản xuất không thể "bám" vào đâu ngoài khách hàng để cải thiện năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường.

"Trong chiến lược lấy khách hàng làm trung tâm cần tập trung vào giá trị riêng của từng thương hiệu. Tuy nhiên, đây cũng là bài toán khó mà mỗi doanh nghiệp cần tìm lời giải riêng cho mình", ông Nhất nhấn mạnh.

Trước những tiềm năng và thách thức này, ông Chân cho rằng các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô cần ý thức rõ ràng về tầm quan trọng của việc thấu hiểu nhu cầu khách hàng, từ đó nhanh chóng thích ứng.

Có như thế mới tạo ra sự khác biệt cả về sản phẩm lẫn dịch vụ để bán hàng và giữ vững vị thế trên đường đua cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.

Tuy nhiên ông Chấn cũng chỉ ra rằng, việc lấy khách hàng làm mục tiêu phát triển không chỉ giới hạn ở hoạt động của các doanh nghiệp mà còn liên quan đến các hoạt động xây dựng chính sách và cả đầu tư phát triển công nghệ, hệ thống hạ tầng.

Như Huỳnh

Bách Hoá Xanh lên tiếng vụ nhập hàng từ cơ sở sản xuất giá đỗ ngâm hoá chất
Bách Hoá Xanh cho biết đã lập tức thu hồi và ngưng bán toàn bộ hàng hóa của nhà cung cấp này cũng như tiến hành kiểm nghiệm lại tất cả sản phẩm giá đỗ đang cung cấp cho chuỗi.