|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thị trường nhà ở Trung Quốc tái hiện \"cơn sốt hoa tulip\"

07:03 | 16/09/2016
Chia sẻ
Giá nhà tại các thành phố lớn tại Trung Quốc đã tăng vọt trong năm qua, tái hiện "cơn sốt hoa tulip" Hà Lan năm 1637, theo nghiên cứu mới đây của hãng tư vấn kinh tế Longview Economics.
tin nhap 20160916065234
Giá nhà trung bình ở những thành phố đắt đỏ nhất thế giới - Nguồn: CNBC

Chris Watling, CEO của Longview Economics trả lời CNBC hôm qua rằng: "Tôi nghĩ những gì đang diễn ra tại Trung Quốc là đáng lo ngại ... một số định giá thực sự là khá bất thường. Chúng tôi đã kiểm tra kép những con số này bảy lần, bởi tôi thấy chúng khá khó tin".

Hãng nghiên cứu chỉ ra rằng chỉ có San Jose ở Thung lũng Silicon là có giá nhà đắt hơn Thâm Quyến. Giá nhà tại Thâm Quyến đã tăng 76% kể từ đầu năm 2015, tăng mạnh từ tháng 4/2015 khi thị trường chứng khoán Trung Quốc gần tới đỉnh. Tình hình ở Bắc Kinh và Thượng Hải tương tự, mặc dù tăng không cao bằng.

Nhà ở một số thành phố cấp 1 của Trung Quốc đắt hơn ở London, điều này theo Watling nghĩ bản thân nó là một bong bóng. Thị trường chứng khoán bùng nổ và sau đó tuột dốc. Tiền phải đi vào đâu đó trong hệ thống và rồi rất nhiều tiền đã chảy vào nhà đất.

tin nhap 20160916065234
Diễn biến giá nhà ở Thâm Quyến và chỉ số Shanghai Composite (đường chấm) - Nguồn: CNBC

Chuyên gia phân tích cho biết một ngôi nhà điển hình ở Thâm Quyến có giá xấp xỉ 800.000 USD. Watling cho rằng tỷ lệ nhà ở trên thu nhập ở Thâm Quyến hiện giờ khoảng 70 lần, so với khoảng 16 lần ở những nơi khác như London.

Những gì diễn ra tại Trung Quốc đang tái hiện lại câu chuyện "cơn sốt hoa tulip" ở Hà Lan năm 1637, bong bóng giá đầu tiên được ghi nhận trong lịch sử. Khi đó giá hoa và củ hoa tulip tăng lên mức không tưởng, sau đó bong bóng vỡ khiến nhiều gia đình phá sản, kéo tuột nền kinh tế của cả nước này.

Trung Quốc, nền kinh tế phát triển mạnh mẽ nhất thế giới trong 30 năm qua, đang xấu đi trong mắt nhiều chuyên gia phân tích. Thị trường chứng khoán gặp trục trặc từ mùa hè qua đã làm nổi bật những khó khăn chồng chất mà các nhà lập pháp Trung Quốc đang đối mặt. Watling cho rằng nhà đất Trung Quốc là câu chuyện nảy sinh do tín dụng, quá nhiều thanh khoản và nhiều nợ. Theo Watling, tất cả các bong bóng một khi đã xảy ra thì cuối cùng sẽ vỡ và xẹp xuống. Câu hỏi chỉ đơn giản là khi nào. Thêm vào đó, việc từ bỏ định giá thấp đồng tiền có thể sẽ là kịch bản dẫn tới sự khởi đầu của các biện pháp thắt chặt và giá sẽ tiếp tục giảm.

Chương trình 60 phút của CBS News năm 2013 đã hướng sự chú ý vào Trung Quốc và khu vực bất động sản của nước này khi nhận định rằng nó đang ở trong tình trạng bong bóng. Trong khi đó, tỷ phú tài chính George Soros đã nhiều lần cảnh báo về Trung Quốc, cho rằng tình trạng nợ tăng cao của nước này có một sự tương đồng kỳ lạ với những điều đã dẫn tới khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Phương Tuyền