Thị trường ngoại hối hôm nay (6/1): Mỹ - Iran căng thẳng, yen Nhật, franc Thụy Sĩ cùng tăng giá với vàng và dầu mỏ
Diễn biến thị trường ngoại hối hôm nay
Hôm nay (6/1), vào lúc 16h06 giờ Việt Nam có 5/10 cặp tiền tệ cơ bản giảm điểm và 5 cặp còn lại tăng điểm.
Trong đó, cặp EUR/USD tăng cao nhất với mức tăng 0,21% và cặp USD/CHF giảm mạnh nhất với mức giảm 0,26%.
Cùng với vàng và dầu mỏ, các đồng tiền trú ẩn đều tăng giá sau sự kiện tướng Iran thiệt mạng
Bên cạnh các loại tài sản như vàng, đồng yen Nhật (JPY) và một số đồng tiền có độ an toàn cao khác đều tăng giá trong phiên giao dịch hôm nay do nhà đầu tư lo ngại rằng việc Washington tiêu diệt chỉ huy quân sự nổi tiếng nhất của Iran có thể phát động một cuộc xung đột qui mô lớn ở Trung Đông.
Động thái trên của chính quyền Tổng thống Trump đã thúc đẩy nhà đầu tư tìm đến sự an toàn kể từ ngày 3/1, ngay sau khi Mỹ tiến hành không kích tấn công tướng Qasem Soleimani tại sân bay Baghdad, Iraq.
Trong loạt tweet đăng tải hôm 5/1, Tổng thống Trump cho biết Washington vừa chi 2.000 tỉ USD cho thiết bị quân sự và khẳng định Mỹ là nước mạnh nhất trên thế giới.
Đồng thời, ông còn tuyên bố cứng rắn rằng nếu Iran tấn công căn cứ của Mỹ hoặc bất kì người Mỹ nào, Nhà Trắng sẽ không ngần ngại sử dụng các thiết bị quân sự tối tân kể trên để cho Iran một bài học.
Trong phiên giao dịch sớm tại châu Á hôm nay, đồng JPY đã tăng lên mức đỉnh ba tháng là 107,77 JPY đổi một USD và sau đó tăng 0,2% trong ngày lên mức 108 JPY đổi một USD.
Theo Reuters, giá vàng giao ngay đã tăng hơn 1,4%, gần kể mức đỉnh 7 năm, trong khi giá dầu cũng tăng không kém do lo ngại rằng xung đột ở Trung Đông có thể làm gián đoạn nguồn cung toàn cầu.
Đồng franc Thụy Sĩ (CHF), một đồng tiền trú ẩn khác, có lúc giao dịch đi ngang so với một số đồng tiền khác, tuy nhiên cũng đang gần kề mức cao nhất trong 4 tháng ghi nhận hôm 3/1 so với đồng euro (EUR) là 1,0824.
Đồng USD có lúc dậm chân tại chỗ so với 6 cặp tiền tệ chính và giảm nhẹ so với đồng EUR, với cặp tỷ giá EUR/USD lần cuối ghi nhận tăng 0,1% lên mức 1,1167 USD đổi một EUR.
Trong khi đó, các đồng tiền nhạy cảm với rủi ro như đồng đô la Australia (AUD) và đồng đô la New Zealand (NZD) đều suy yếu.
Vào lúc 16h40 giờ Việt Nam, chỉ số USD Index dùng để đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh so với rổ tiền tệ chính giảm 0,15% xuống còn 96,693 điểm.
"Iran gần như chắc chắn sẽ đáp trả ở một qui mô, phạm vi và cường độ nhất định", ông Lee Hardman, một nhà phân tích tiền tệ tại MUFG, cho hay.
Do đó, ông nhận định các thành phần tham gia thị trường có thể ôm tâm trạng lo lắng cho đến khi có thêm thông tin rõ ràng hơn về căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Iran. Ngoài ra, ông cũng lưu ý các căng thẳng địa chính trị có thể gây ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, cho đến nay thì các đồng tiền liên quan đến dầu mỏ như đô la Canada (CAD), kronw Na Uy (NOK) và rúp Nga (RUB) vẫn chưa mạnh lên dù giá dầu Brent tiếp tục tăng giá và lần đầu đạt ngưỡng 70 USD/thùng kể từ tháng 9/2019.
Ở nơi khác, đồng bảng Anh (GBP) lại giao dịch ổn định quanh mức 1,3076 USD đổi một GBP. Reuters nhận định dường như tình hình đang "sóng yên biển lặng" trước khi các nhà lập pháp Anh dự kiến tổ chức tranh luận về thỏa thuận Brexit mà Thủ tướng Boris Johnson đạt được với Brussels.