|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bài học từ các đời Tổng thống Mỹ: Phát động chiến tranh với Iran sẽ không giúp ông Trump tái đắc cử

16:09 | 06/01/2020
Chia sẻ
Trong bộ phim "Wag the Dog" phát hành năm 1997, một cố vấn chính trị đã phát động chiến tranh để giúp vị tổng thống tai tiếng tái đắc cử. Nhiều người đã liên tưởng đến bộ phim này sau khi Tổng thống Trump ra lệnh không kích tiêu diệt tướng Qasem Soleimani của quân đội Iran.

Tổng thống Trump đã nhiều lần dự đoán việc phát động chiến tranh với Iran sẽ giúp ông Barack Obama tái đắc cử.

Điều này cho thấy ông cũng nhận định rằng "khai hỏa" một cuộc chiến trong năm bầu cử là chiến lược hợp lí để giành được lòng tin của cử tri. Tuy nhiên, nghiên cứu khoa học chính trị lại chỉ ra lập luận khác.

Cử tri Mỹ không phải "gió chiều nào, theo chiều ấy"

Hiệu ứng "tập hợp dưới cờ" (rally around the flag) xảy ra khi các cuộc khủng hoảng trên phạm vi thế giới giúp tăng cường sự ủng hộ cho Tổng thống Mỹ tại quê nhà.

Hiệu ứng này là một trong các lí do chính mà một số người có thể đem ra lập luận rằng việc tấn công Iran sẽ mang lại lợi ích chính trị cho ông Trump.

Chẳng hạn, tỉ lệ ủng hộ của cựu Tổng thống George H.W. Bush (Bush cha) và George W. Bush (Bush con) ngay lập tức tăng vọt sau khi hai ông lần lượt can thiệp quân sự chống lại Iraq. 

Ông Trump có vẻ thực sự muốn người dân Mỹ ủng hộ mình khi ông đăng tải bức ảnh lá cờ Mỹ lên Twitter ngay sau khi tướng Soleimani thiệt mạng.

Tuy nhiên, The Washington Post lập luận rằng không phải tất cả cuộc khủng hoảng quân sự đều tạo ra hiệu ứng "tập hợp dưới cờ". Nghiên cứu khoa học chính trị cho thấy hiệu ứng trên có thể xảy ra nhất khi các chính trị gia ưu tú trong cả hai đảng ủng hộ hành động của Tổng thống Mỹ.

Lập luận này đúng ngay cả đối với sự ủng hộ to lớn dành cho cựu Tổng thống Bush cha sau vụ khủng bố ngày 9/11. Hai học giả Cindy Kam và Jennifer Ramos chỉ ra rằng niềm tin dành cho ông Bush bị xói mòn sau khi Đảng Dân chủ quay lại chỉ trích vị tổng thống đến từ Đảng Cộng hòa này.

Bài học cũ từ các đời Tổng thống Mỹ: Phát động chiến tranh với Iran sẽ không giúp ông Trump tái đắc cử - Ảnh 2.

Tuyên chiến với Iran không có lợi cho Tổng thống Trump trong chiến dịch tranh cử năm nay. (Ảnh: AP)

Lần này, các chính trị gia ưu tú thuộc Đảng Dân chủ đã chỉ trích ông Trump mà không hề do dự vì ông đã ra lệnh không kích tiêu diệt tướng Soleimani mà không thông báo cho quốc hội và khẳng định Nhà Trắng thiếu chiến lược sâu rộng trong việc đối phó với Iran.

Việc thiếu vắng sự ủng hộ từ cả hai đảng đối với hành động đơn phương của Tổng thống Trump khó có thể kích thích niềm tin của cử tri Mỹ dành cho ông.

Chiến tranh không giúp các tổng thống đương nhiệm tái đắc cử

Phát động cuộc chiến qui mô lớn hơn với Iran cũng không làm tăng tỉ lệ tái đắc cử của ông Trump. Trên thực tế, nghiên cứu cho thấy chiến tranh có tác dụng ngược lại.

Mô hình "Bánh mì và Hòa bình" nổi tiếng của học giả Douglas A. Hibbs chỉ ra hai yếu tố giúp lí giải sự thay đổi trong kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ kể từ năm 1948.

Yếu tố đầu tiên là hiệu ứng tích cực từ tăng trưởng thu nhập khả dụng thực tế. Yếu tố thứ hai là tác động tiêu cực của thương vong quân sự tích lũy do triển khai quân sự Mỹ vô cớ trong các cuộc chiến ở nước ngoài.

Nghiên cứu trên cho thấy Đảng Dân chủ đã phải trả giá đắt trong các kì bầu cử do cam kết triển khai quân sự ở Triều Tiên và Việt Nam.

Chiến tranh Iraq cũng làm suy yếu sự ủng hộ dành cho ông George W. Bush trong chiến dịch tái tranh cử năm 2004.

Mặc dù chiến thắng sát nút năm 2004, ông Bush giành được ít phiếu bầu hơn dự kiến đối với một tổng thống đương nhiệm trong một nền kinh tế phát triển như Mỹ.

Do đó, một cuộc xung đột vũ trang với Iran có thể dẫn đến thương vong cho phía Mỹ và gây hại đến mức độ ủng hộ dành cho ông Trump trong năm nay thay vì giúp ông đắc cử.

Hành động quân sự chống lại Iran không nhận được sự ủng hộ to lớn

Điều đó đặc biệt đúng khi xem xét tình hình dư luận hiện tại. Không giống như sự ủng hộ ban đầu mạnh mẽ cho việc triển khai quân sự ở Triều Tiên, Việt Nam và Iraq, công chúng Mỹ tỏ ra không mấy mặn mà với chiến tranh chống lại Iran.

Một cuộc thăm dò hồi tháng 7 của Gallup cho thấy 78% người dân Mỹ ủng hộ các nỗ lực ngoại giao hơn là động thái quân sự để ngăn chặn Iran chế tạo vũ khí hạt nhân. Gần 2/3 đối tượng tham gia thăm dò bày tỏ lo ngại rằng Mỹ sẽ vội vàng triển khai lực lượng quân sự chống lại Iran.

Một cuộc thăm dò của Đại học Maryland hồi tháng 9 cho thấy kết quả tương tự. Chỉ 20% người Mỹ tham gia khảo sát cho rằng Mỹ nên chuẩn bị tuyên chiến với Iran để đạt được mục tiêu, trong khi 76% nhận định các mục tiêu chính sách của Mỹ không đủ vững chắc để tiến hành chiến tranh.

Hành động quân sự chống lại Iran có thể nhận được nhiều đồng thuận hơn khi những người ủng hộ ông Trump tập hợp để bảo vệ động thái của ông. Theo The Washington Post, người Mỹ thường thay đổi quan điểm về chính sách đối ngoại dựa trên quan điểm của họ về vị tổng thống đưa ra chính sách.

Tuy nhiên, điều đó cũng sẽ không thay đổi những bài học cơ bản mà nghiên cứu học thuật kết luận trước đây: Tấn công Iran sẽ không giúp ông Trump tái đắc cử.

Yên Khê