|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thị trường ngoại hối hôm nay 19/3: 'Vịnh tránh bão' USD lấn lướt các đồng tiền tệ mạnh

19:06 | 19/03/2020
Chia sẻ
Đồng USD nới dài đà tăng trong khi nhà đầu tư tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn giữa lúc thị trường tài chính biến động và lo lắng về việc thanh khoản bị siết chặt. Đáng chú, động thái kích thích mới nhất của ECB ban đầu giúp đồng euro hưởng lợi, nhưng sau đó lợi ích lại chuyển về đồng USD.

Diễn biến thị trường ngoại hối hôm nay

Hôm nay (19/3), vào lúc 17h20 giờ Việt Nam có 5/10 cặp tiền tệ cơ bản giảm điểm và 5 cặp còn lại tăng điểm.

Thị trường ngoại hối hôm nay 19/3: 'Vịnh tránh bão' USD lấn lướt các đồng tiền tệ mạnh - Ảnh 1.

Tỷ giá 10 cặp tiền tệ cơ bản vào lúc 10h20 GMT, tức 17h20 giờ Việt Nam. (Nguồn: Investing.com)

Trong đó, cặp USD/JPY tăng cao nhất với mức tăng 0,91% và cặp NZD/USD giảm mạnh nhất cũng với mức giảm 1,26%.

Thị trường ngoại hối hôm nay 19/3: 'Vịnh tránh bão' USD lấn lướt các đồng tiền tệ mạnh - Ảnh 2.

Mức biến động giá trong ngày của các cặp tiền tệ. (Nguồn: Investing.com)

Thị trường ngoại hối hôm nay 19/3: 'Vịnh tránh bão' USD lấn lướt các đồng tiền tệ mạnh - Ảnh 3.

Đồng USD tiếp tục đà tăng điểm

Trong phiên giao dịch hôm nay, đồng USD tiếp tục tăng cao trong khi nhà đầu tư tìm kiếm một "vịnh tránh bão" giữa thời kì thị trường tài chính biến động và lo lắng về việc thanh khoản bị siết chặt.

Và lúc 15h20 giờ Việt Nam, cặp tỷ giá EUR/USD giảm 0,6% xuống còn 1,0852 USD đổi một EUR.

Theo tổng hợp trên Investing.com, chỉ số USD Index dùng để đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh so với rổ tiền tệ chính tăng 0,4% lên mức 101,93 điểm và cách không xa mức đỉnh hồi cuối năm 2016.

Cặp tỷ giá USD/JPY tăng mạnh trong phạm vi 0,9 -1%, dao động quanh ngưỡng 109,14 JPY đổi một USD. Trong khi đó, cặp GBP/USD giảm 0,8% xuống còn 1,1515 USD đổi một GBP.

Ở nơi khác, đồng AUD đã trượt xuống mức thấp nhất trong 17 năm, còn đồng NZD chạm đáy 11 năm so với đồng USD. Đáng chú ý, vào lúc 17h20 giờ Việt Nam, cặp tỷ giá NZD/USD là cặp tiền giảm mạnh nhất.

Mới đây, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã khởi động chương trình mua trái phiếu khẩn cấp trị giá 750 tỉ euro (tương đương 815 tỉ USD) để giảm thiểu tác động kinh tế của dịch COVID-19.

Ban đầu, động thái của ECB dường như đã giúp ích cho đồng tiền chung của Liên minh châu Âu (EU), tuy nhiên sau đó khiến đồng EUR bị áp đảo và lợi ích sang tay đồng bạc xanh.

Đồng USD còn được tiếp thêm sức mạnh nhờ gói kích thích kinh tế thứ hai mà Thượng viện Mỹ thông qua hôm 18/3.

Cụ thể, sau khi Hạ viện Mỹ thông qua vào ngày 14/3, cuộc bỏ phiếu với tỉ lệ 90 phiếu thuận và 8 phiếu chống tại Thượng viện đã mang về cho Tổng thống Trump dự luật cứu trợ thứ hai, trong đó bao gồm chính sách nghỉ ốm có lương, trợ cấp lương thực cho nhóm dân số dễ bị tổn thương và hỗ trợ tài chính cho việc xét nghiệm COVID-19.

Trong khi Thượng viện bỏ phiếu cho dự luật, các nhà lãnh đảo Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đã bắt đầu nghiên cứu đến đề xuất tiếp theo.

"Thượng viện sẽ họp cho đến khi chúng tôi hoàn thành giai đoạn thứ ba, tức dự luật tiếp theo, và gửi đến Hạ viện", lãnh đạo phe đa số Thượng viện Mitch McConnell cho hay sau cuộc bỏ phiếu nêu trên.

Ông McConnell nói Đảng Cộng hòa dự kiến sẽ đồng thuận với kế hoạch của chính quyền Tổng thống Trump và sau đó sẽ thảo luận với Đảng Dân chủ.

"Tôi muốn các thượng nghị sĩ gắn kết với nhau", ông McConnell nói. Theo Bloomberg, nhà lãnh đạo này không thể dự đoán khi nào dự luật tiếp theo sẽ sẵn sàng cho cuộc bỏ phiếu.

Dù vậy, ông McConnell nhấn mạnh: "Chúng tôi đang gấp rút đẩy nhanh quá trình vì hình hình đòi hỏi như vậy".

Ông John Hardy, chiến lược gia ngoại hối tại Saxo Bank Group, cho hay: "Bên cạnh xu hướng thay đổi chung trong tâm lí nhà đầu tư, vấn đề quan trọng mà chúng tôi đang theo dõi chính là liệu đồng USD có mạnh lên và lấn át các đồng tiền mạnh khác chứ không chỉ có đồng tiền nhiều rủi ro hay không".

Trong khi dịch COVID-19 lây lan đến gần 170 quốc gia/vùng lãnh thổ trên khắp thế giới, khiến hơn 200.000 người nhiễm bệnh và hơn 7.000 người tử vong, giá dầu thô lao dốc thời gian gần đây cũng tác động đáng kể đến thị trường ngoại hối.

Giá dầu thô giảm khiến nhiều đồng tiền của các nước xuất khẩu dầu thô đi xuống. Bên cạnh đó, đồng tiền của các nước nhập khẩu dầu như Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ cũng chịu sức ép lớn.

Khả Nhân