|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thị trường ngoại hối hôm nay 16/4: Nhà đầu tư tăng mua đồng USD vì dự báo và dữ liệu kinh tế tiêu cực, đồng EUR gặp yếu tố bất lợi

17:50 | 16/04/2020
Chia sẻ
Đồng USD có thêm một phiên tăng điểm khi mà hàng loạt dự báo và dữ liệu cho thấy hoạt động kinh tế toàn cầu đang sụp đổ, kích thích nhà đầu tư tìm đến "vịnh tránh bão" này. Trong khi đồng EUR gặp bất lợi vì lợi suất trái phiếu chính phủ Italy tăng vọt.

Diễn biến thị trường ngoại hối hôm nay

Hôm nay (16/4), vào lúc 17h05 giờ Việt Nam có 8/10 cặp tiền tệ cơ bản giảm điểm và 2 cặp còn lại tăng điểm.

Thị trường ngoại hối hôm nay 16/4: Nhà đầu tư tăng mua đồng USD vì dự báo và dữ liệu kinh tế tiêu cực, đồng EUR gặp yếu tố bất lợi - Ảnh 1.

Tỷ giá 10 cặp tiền tệ cơ bản. (Nguồn: Investing.com)

Trong đó, cặp USD/CHF tăng cao nhất với mức tăng 0,35% và cặp AUD/USD giảm mạnh nhất cũng với mức giảm 0,4%.

Thị trường ngoại hối hôm nay 16/4: Nhà đầu tư tăng mua đồng USD vì dự báo và dữ liệu kinh tế tiêu cực, đồng EUR gặp yếu tố bất lợi - Ảnh 2.

Mức biến động giá trong ngày của các cặp tiền tệ. (Nguồn: Investing.com)

Thị trường ngoại hối hôm nay 16/4: Nhà đầu tư tăng mua đồng USD vì dự báo và dữ liệu kinh tế tiêu cực, đồng EUR gặp yếu tố bất lợi - Ảnh 3.

Đồng bạc xanh lại tăng điểm

Trong phiên giao dịch tại châu Âu hôm nay, nhà đầu tư tiếp tục mua vào đồng bạc xanh khi mà hàng loạt dự báo và dữ liệu cho thấy hoạt động kinh tế toàn cầu đang sụp đổ, kích thích nhà đầu tư tìm đến "vịnh tránh bão" này.

Vào lúc 14h05 giờ Việt Nam, chỉ số USD Index dùng để đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh so với rổ tiền tệ chính tăng 0,3% lên ngưỡng 99,82 điểm.

Vào thời điểm này, cặp tỷ giá EUR/USD giảm 0,2% xuống còn 1,0888 USD/EUR, trong khi cặp GBP/USD giảm 0,1% xuống mức 1,2501 USD/GBP và cặp USD/JPY tăng 0,3% để giao dịch quanh ngưỡng 107,75 JPY/USD.

Hôm qua (15/4), Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo, lần đầu tiên trong gần 60 năm qua, tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á năm 2020 sẽ chững về mức 0%.

"Đây là mức tăng trưởng tồi tệ nhất trong gần 60 năm qua, vượt qua cả cuộc Khủng hoảng Tài chính Toàn cầu (4.7%) và Khủng hoảng Tài chính châu Á (1,3%)", ông Chan Yong Rhee - giám đốc IMF khu vực châu Á - Thái Bình Dường, cho biết trong một bài đăng trên blog.

Tuy nhiên, ông Chang nói thêm, hoạt động kinh tế của châu Á vẫn được dự đoán là tốt hơn so với các khu vực khác.

Vị giám đốc này cho rằng các nhà hoạch định chính sách châu Á cần đưa ra chính sách hỗ trợ dành cho các hộ gia đình và doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì các lệnh cấm đi lại, biện pháp giãn cách xã hội và một số biện pháp chống đại dịch COVID-19 khác.

Trước dự báo của IMF, doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng 3 đã giảm kỉ lục 8,7% so với cùng kì năm ngoái. Trong hôm nay, chính phủ Mỹ sẽ công bố số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp, các chuyên gia dự báo con số lần này có thể rơi vào khoảng 5,1 triệu hồ sơ.

"Đồng USD đang duy trì đà tăng sau dữ liệu kinh tế công bố ngày 15/4 của Mỹ", ông Kazushige Kaida - người đứng đầu bộ phận ngoại hối của công ty State Street chi nhánh Tokyo, nhận định.

Đồng EUR chịu áp lực vì lợi suất trái phiếu chính phủ Italy tăng

Một yếu tố thu hút sự chú ý là mức tăng của lợi suất trái phiếu chính phủ Italy sau khi ý tưởng về "trái phiếu corona" bị bác bỏ trong cuộc họp của các bộ trưởng tài chính Liên minh châu Âu (EU) tuần trước.

Lợi suất trái phiếu chính phủ của một nền kinh tế yếu kém trong EU sẽ gây áp lực lên đồng EUR, theo tổng hợp của Investing.com.

Cho đến nay, Italy là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 ở châu Âu. Tình huống đó khiến lĩnh vực tài chính công của Italy bị kéo căng nghiêm trọng. Chính phủ Italy, cùng với các nhà lãnh đạo Pháp và Tây Ban Nha, đã đề xuất ý tưởng về một công cụ chia sẻ nợ công của châu Âu nhằm giúp hỗ trợ các nước nghèo hơn vượt qua đại dịch.

Theo một nghiên cứu của Danske Bank, lợi suất trái phiếu chính phủ kì hạn 10 năm của Italy hiện đang tăng trở lại ngưỡng 1,8% - mức cao nhất kể từ trước khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) khởi động Chương trình Thu mua Tài sản Khẩn cấp (PEPP).

Khả Nhân