Thị trường mua bán nợ: nút thắt ở hành lang pháp lý!
Đề xuất chức năng và cơ chế hoạt động mới cho Công ty Mua bán nợ Việt Nam | |
Cần có thị trường mua bán nợ hoàn chỉnh |
Thời điểm chính thức của việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, dọn đường cho sự phát triển của thị trường mua bán nợ vẫn chưa được ấn định. Ảnh: THÀNH HOA |
Không thiếu hàng hóa
Thị trường mua bán nợ Việt Nam dù đã đạt được những thành quả nhất định trong thời gian qua, nhất là sau khi Nghị quyết 42 của Quốc hội ra đời, nhưng vẫn được đánh giá còn khá sơ khai và còn rất nhiều việc phải làm nếu muốn phát triển mạnh.
Đầu tiên, xét ở khía cạnh nguồn cung hàng hóa trên thị trường, Việt Nam hoàn toàn không thiếu. Hiện nay, vốn cung cấp cho nền kinh tế vẫn chủ yếu đến từ ngân hàng với tổng quy mô tín dụng đạt khoảng 6,8 triệu tỉ đồng (tính đến tháng 6-2018). Ngoài ra, còn có các khoản vay giữa các doanh nghiệp với nhau. Theo Ngân hàng Nhà nước, tổng quy mô nợ xấu của hệ thống ngân hàng tính đến cuối quí 2-2018 là khoảng 2%. Điều này đồng nghĩa với việc đang có khoảng 140.000 tỉ đồng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng. Đấy là còn chưa tính đến một lượng lớn nợ xấu gần như vẫn đang “án binh bất động” ở Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).
Về người mua và người bán, chủ thể tham gia thị trường hiện nay chủ yếu là Công ty VAMC, Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) và gần 30 công ty quản lý tài sản (AMC) của các TCTD. Tuy nhiên, nhiều công ty AMC thuộc các ngân hàng mới chỉ loanh quanh ở một số nghiệp vụ như thanh lý tài sản gán nợ, quản lý tài sản cầm cố, thu hồi nợ cho ngân hàng mẹ... còn việc xử lý nợ xấu và tái cơ cấu thì gần như không thể. Các quy định đối với AMC hơn 10 năm qua không được sửa đổi, bổ sung dù nhiều nội dung không còn phù hợp. Đó là lý do khiến AMC không giúp được gì nhiều cho ngân hàng, trong khi ở nước ngoài, các AMC được coi là “cánh tay phải” của TCTD.
Vào năm ngoái, Nghị quyết số 42 ra đời đã cho phép nhà đầu tư tư nhân tham gia mua bán nợ và tăng quyền hạn cho các TCTD trong việc thu giữ tài sản bảo đảm. Ước tính kể từ khi Nghị quyết 42 ra đời, hoạt động mua bán nợ xấu đã diễn ra sôi động hơn với khá nhiều công ty mua bán nợ mới được thành lập. Trong đó, mục tiêu chính của các đơn vị này là thâu tóm dự án bất động sản bị thế chấp tại ngân hàng với giá rẻ, từ đó tiến đến phát triển hoặc chuyển nhượng thứ cấp. Tuy nhiên, sẽ là quá lạc quan nếu cho rằng một thị trường mua bán nợ đã được hình thành đầy đủ và chuyên nghiệp tại Việt Nam.
Nút thắt ở hành lang pháp lý
Ước tính kể từ khi Nghị quyết 42 ra đời, hoạt động mua bán nợ xấu đã diễn ra sôi động hơn với khá nhiều công ty mua bán nợ mới được thành lập. |
Trên thực tế, Nghị quyết 42 thời gian qua mới chỉ mởđường cho việc hình thành thị trường mua bán nợ chứ chưa có quy định cụ thể về hoạt động của thị trường này. Theo đó, cần phải có một ủy ban đứng ra để quản lý, giám sát hoạt động, đề ra những yêu cầu, quy định đối với người tham gia thị trường cũng như các giao dịch mua bán. Bên cạnh đó, cần phải có cơ sở hạ tầng cho thị trường này như hình thành sàn giao dịch mua bán nợ (nơi đấu giá mua bán nợ) hay minh bạch tất cả những thông tin về khoản nợ, bao gồm: nợ ở đâu, thuộc loại hình nào, giá trị nguyên thủy là bao nhiêu, giá trị thị trường là bao nhiêu... Trên cơ sở đó, các bên sẽ mua, bán các khoản nợ này thông qua đấu giá.
Theo quy định hiện hành, Bộ Tài chính là cơ quan quản lý chịu trách nhiệm tạo nền tảng, cơ sở hạ tầng, quy chế cho việc thành lập thị trường mua bán nợ. Cụ thể, Nghị định 69/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ có hiệu lực từ ngày 1-7-2016 quy định: Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ; thực hiện quản lý, kiểm tra, thanh tra, giám sát theo thẩm quyền hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ; hướng dẫn thi hành Nghị định 69. Phía Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện kiểm tra, thanh tra, giám sát theo thẩm quyền hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ theo quy định của Nghị định 69 đối với AMC trực thuộc ngân hàng thương mại.
Tuy nhiên, cho đến nay, Bộ Tài chính vẫn chưa có động thái cơ bản nào cho việc ra đời thị trường mua bán nợ. Vào cuối năm ngoái, bộ này ban hành kế hoạch hành động triển khai đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020” và đặt nhiệm vụ: “Nghiên cứu, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động mua, bán nợ của các doanh nghiệp, về hình thành, phát triển và quản lý thị trường mua, bán nợ”. Theo đó, Vụ Tài chính - Ngân hàng được giao chủ trì xây dựng nghị định của Chính phủ về hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ, tiến độ thực hiện trong hai năm 2018-2019. Như vậy, thời điểm chính thức của việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, dọn đường cho sự phát triển của thị trường mua bán nợ vẫn chưa được ấn định.
Một khó khăn khác đối với hoạt động mua bán nợ tại Việt Nam là sự thiếu vắng các đơn vị xếp hạng tín dụng. Tại Việt Nam, mới chỉ có duy nhất chỉ tiêu đánh giá định hạng Công ty VNR 500 được công bố, còn chưa có đơn vị nào đưa ra được định hạng tín dụng cho các khoản nợ. Ngoài ra, Việt Nam cũng thiếu các nhà môi giới chuyên nghiệp - vốn là đội ngũ nắm giữ toàn bộ các thông tin thị trường, đầu mối sắp xếp cho bên mua, bên bán gặp nhau. Nhờ có đội ngũ này, hoạt động mua bán nợ mới được thực hiện một cách chuyên nghiệp, hợp pháp, cũng như bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, để thị trường mua bán nợ hoạt động hiệu quả và bài bản thì cũng cần quốc tế hóa các chuẩn mực kế toán để làm cơ sở dữ liệu cho công tác định giá, mua bán - sáp nhập (M&A) trên thị trường. Một đề xuất được đưa ra là Việt Nam cần xây dựng một cơ sở dữ liệu quốc gia thống nhất, minh bạch và đầy đủ thông tin về các ngành nghề, lĩnh vực, các doanh nghiệp và các khoản nợ đã được chuẩn hóa giao dịch trên thị trường. Điều này sẽ tạo cơ sở thuận tiện cho bất cứ nhà đầu tư nào có ý định tham gia thị trường, cũng như tiết kiệm chi phí, thời gian, gia tăng hiệu quả trong việc ra các quyết định đầu tư.