Cần có thị trường mua bán nợ hoàn chỉnh
Phải có sàn giao dịch mua bán nợ |
Đề xuất loại dịch vụ mua bán nợ khỏi ngành nghề có điều kiện |
Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã rất nỗ lực trong việc xử lý nợ xấu, nhất là từ khi Nghị quyết 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu có hiệu lực.
Theo NFSC, các ngân hàng và tổ chức tài chính đã xử lý được 70.000 tỷ đồng nợ xấu, tăng 40% so với năm 2016. Ảnh: Dự án cao ốc Sài Gòn M&C đã bị VAMC thu giữ để bán đấu giá thu hồi nợ. |
Kết quả tích cực
Theo Báo cáo Tổng quan thị trường tài chính của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC), nhờ có Nghị quyết 42, các ngân hàng và các tổ chức tài chính đã xử lý được 70.000 tỷ đồng nợ xấu, tăng 40% so với năm 2016. Điều đó đã giúp giảm tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng năm 2017 xuống còn 9,5% tổng dư nợ, giảm tới 1 điểm phần trăm so với cuối năm 2016.
Trước đó, tại phiên chất vấn trên Quốc hội hồi giữa tháng 11, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 9/2017 là 2,34%, giảm so với mức 2,46% cuối năm trước. Tuy nhiên, đây chỉ là tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các ngân hàng, chưa gộp các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC và được đưa ra khỏi bảng cân đối tài sản.
Nếu tính thận trọng bao gồm cả một số khoản nợ tiềm ẩn, nợ VAMC đã mua cùng với nợ xấu nội bảng tại ngân hàng, thì tổng mức nợ xấu đến cuối tháng 9/2017 khoảng 566.000 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ 8,61%.
Con số này vẫn cao so với mục tiêu NHNN đề ra đến năm 2020 đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD, nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ xấu đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3%. Tuy nhiên, so với năm 2016, tỷ lệ nợ xấu là 10,08% thì kết quả này đã khá khả quan hơn.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết: “Với có con số trên, tôi kỳ vọng vào việc xử lý nợ xấu năm 2018 sẽ khả quan hơn so với năm 2017”.
Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý
Trên thực tế, Nghị quyết 42 đã tạo điều kiện đáng kể trong việc xử lý tài sản bảm đảm của các TCTD, giúp nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu trong năm 2017. Tuy nhiên, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc xử lý nợ xấu trong năm 2017 vẫn còn chậm.
Để đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu trong năm 2018, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: Rất cần sự hợp tác giữa các ngân hàng với NHNN, cơ quan công an, tòa án trong việc xử lý các tài sản bảo đảm. “Điều tôi đang lo lắng là các khoản nợ tồn tại trên sổ sách trước ngày 15/8/2017 là ngày Nghị quyết 42 có hiệu lực thì việc xử lý có thuận lợi hay không?”, TS. Nguyễn Trí Hiếu băn khoăn.
Ngoài ra, nhiều khung pháp lý có liên quan cũng cần có sự thay đổi, bởi Nghị quyết 42 mới chỉ mở ra hướng xử lý tài sản bảo đảm, vẫn còn nhiều vướng mắc trong vấn đề sở hữu tài sản bảo đàm, cần những quy định tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các ngân hàng trong việc chuyển nhượng tài sản bảo đảm.
Ngoài ra, cần phải mở ra một thị trường mua - bán nợ xấu có nhiều thành phần tham gia hơn so với hiện nay, như vậy mới đảm bảo hình thành một thị trường mua-bán nợ công khai, minh bạch, giúp đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu.