Thị trường hàng hóa 4/5: Giá xăng tăng đè nặng lên cước vận tải, EVN phải xin lỗi khách hàng nếu làm sai
Thứ trưởng Bộ Công thương: Hàng hóa 'đội lốt' xuất xứ Việt Nam để hưởng lợi là trách nhiệm của nhiều đơn vị
Chiều nay (4/5) họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2019 dưới sự chủ trì của ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
Tại đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã trả lời câu hỏi về việc một số doanh nghiệp sản xuất gỗ và nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc, sau đó xuất sang nước khác để trốn thuế.
Theo Thứ trưởng, một số doanh nghiệp Việt Nam phối hợp doanh nghiệp nước ngoài nhập khẩu một số sản phẩm, trong đó có nhôm, gỗ. Nếu nhập khẩu chính ngạch, đúng quy định thì được phép, nhưng nhập lậu bất hợp pháp thì hiện nay, lực lượng chức năng như Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Công an, Bộ đội biên phòng, quản lý thị trường đã có kế hoạch thực hiện ráo riết giải quyết tình trạng này.
Đưa giá điện và giá xăng dầu vào tài liệu mật giảm thiểu tác động vào lạm phát kì vọng
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết đây là phương án tính toán đã trình các cấp các ngành. Việc điều hành giá xăng dầu hiện nay đã theo cơ chế thị trường nhưng theo định hướng của Nhà nước nhằm phục vụ công tác điều hành kinh tế vĩ mô nói chung và lạm phát nói riêng.
Thử trưởng cho hay, thực tế việc điều chỉnh giá xăng dầu, giá điện ảnh hưởng lớn đến lạm phát kì vọng ở nhân dân. Vì vậy, Bộ Công Thương đã lấy ý kiến đóng góp về danh mục bí mật của ngành trong đó có giá mặt hàng xăng dầu và giá điện.
Mảng nhuộm: Nỗi buồn của ngành dệt may
Trong bối cảnh hiện nay CPTPP được coi là động lực chính của ngành dệt may. Tuy nhiên, để đủ điều kiện hưởng thuế ưu đãi giảm từ 17,5% xuống còn 0% hàng dệt may Việt Nam phải đạt quy tắc xuất xứ.
Trong khi đó, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết Việt Nam vẫn đang thiếu hụt nguồn nguyên liệu như sợi và ngành nhuộm vẫn chưa phát triển. Do đó, Việt Nam vẫn đang phải nhập khẩu từ các nước không nằm trong khối CPTPP do bản thân các nước trong khối cũng chưa thể cung ứng đủ nguồn nguyên liệu.
Thứ trưởng Bộ Công Thương: Hóa đơn điện tăng đột biến, nếu ngành điện sai, EVN phải xin lỗi khách hàng
Trước thông tin hàng loạt hộ dân phản ánh hóa đơn tiền điện trong giai đoạn tháng 3 - 4 tăng đột biến sau khi Bộ Công Thương tăng giá điện bán lẻ bình quân 8,36% hồi giữa tháng 3, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết Bộ và Tổng Công ty Điện lực Việt Nam đã giải thích với khách hàng về nguyên nhân của vấn đề này.
Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xử lí kịp thời, đầy đủ các phản ánh của khách hàng. Nếu là lỗi của ngành điện sai thì EVN phải nhanh chóng xin lỗi khách hàng.
Giá xăng tăng 3 lần trong hơn 1 tháng: Cước vận tải khó chống đỡ
Giá xăng tăng mạnh liên tiếp cộng với hóa đơn tiền điện tăng cao vừa qua đã gây áp lực lớn lên giá cước vận tải và giá cả nhiều mặt hàng tiêu dùng.
Chỉ trong vòng hơn 1 tháng, giá xăng đã tăng mạnh 3 lần liên tiếp với tổng mức tăng khoảng 3.500 đồng/lít, tương ứng khoảng 19%.