Thị trường hàng hóa (17/10): Giá heo trên 50.000 đồng/kg có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro, xuất khẩu rau quả lao đao
Thị trường hàng hóa (16/10): Nhu cầu thép có thể tăng gần 4% năm 2018, tăng trưởng nhu cầu dầu dự báo chững lại |
1. Giữ giá heo trên 50.000 đồng/kg sẽ có nhiều rủi ro
Ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi Việt Nam cho biết, bài học giá heo năm 2017 cho thấy việc điều tiết của thị trường chưa thực sự hiệu quả. Nếu giữ giá heo trên 50.000 đồng/kg thì sẽ có nhiều rủi ro.
Đặc biệt là các vấn đề về dịch bệnh, giá heo cao sẽ kích thích người chăn nuôi tăng và không có khả năng kiểm soát, nguy cơ giá giảm lặp lại như lịch sử.
2. Lô hàng lúa mì giá tới 500 tỉ đồng có nguy cơ bị tái xuất vì văn bản trái thẩm quyền
Việc Chi cục Kiểm dịch thực vật Vùng I ban hành văn bản trái thẩm quyền đã khiến các lô hàng lúa mì nhập khẩu trị giá tới 20 triệu USD (500 tỉ đồng) có nguy cơ bị buộc phải tái xuất, thiệt hại vô cùng lớn
Ngày 17-10, tại buổi làm việc giữa Tổ công tác của Thủ tướng với các bộ, ngành về cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP HCM (FFA), cho biết doanh nghiệp nhập khẩu lúa mì đang rất hoang mang trước một công văn yêu cầu tạm ngưng nhập khẩu lúa mì nhiễm cỏ kế đồng vào Việt Nam của Chi cục Kiểm dịch thực vật Vùng I ký ngày 5-9-2018.
3. Bộ Công Thương tiếp nhận đơn yêu cầu miễn trừ áp dụng biện pháp tự vệ đối với bột ngọt
Theo thông báo từ Cục Phòng vệ thương mại, trong tháng 10 này Cơ quan điều tra của cơ quan này sẽ tiếp nhận hồ sơ đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm bột ngọt.
Thời hạn miễn trừ đối với các hồ sơ đề nghị nộp trong thời điểm này là 1 năm tính từ ngày 1/1/2019 đến ngày 31/12/2019.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ thời điểm cơ quan điều tra thông báo tiếp nhận hồ sơ miễn trừ. Các đối tượng đề nghị miễn trừ phải gửi hồ sơ đề nghị miễn trừ tới cơ quan điều tra.
4. Xuất khẩu rau quả lao đao
Hàng ngàn tấn thanh long bí đầu ra, ớt bị ngưng cấp phép vào Malaysia; Hàn Quốc phát hiện đu đủ biến đổi gien của VN nhập vào nội địa... Xuất khẩu rau quả của VN đang rơi vào khủng hoảng khi các mặt hàng chủ lực đồng loạt gặp khó.
Trong hơn 3 năm qua xuất khẩu rau quả luôn đạt tốc độ tăng trưởng 40 - 50% và nhanh chóng trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành nông sản. Báo cáo của Bộ NN-PTNT cho biết, tính từ đầu năm đến hết tháng 9, xuất khẩu rau quả ước đạt 3,1 tỉ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ nhưng đang gặp nhiều khó khăn.
5. Còn nhiều thách thức trong nhập khẩu giấy phế liệu
Hiện nay, nguồn cung giấy phế liệu trong nước không thể đáp ứng được nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc nhập khẩu nguyên liệu này vẫn còn gặp nhiều thách thức về mặt quản lý, đặt ra bài toán được - mất giữa sản xuất và môi trường.
6. Đại diện Cục Chăn nuôi Việt Nam: Chăn nuôi 2018 được giá
Đại diện Cục Chăn nuôi nhận định năm 2018 là năm được giá của ngành chăn nuôi Việt Nam với tăng trưởng trong sản lượng chăn nuôi heo, gia cầm; sản lượng trứng, sữa. Đồng thời, sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam có những thế mạnh nhất định hoàn toàn có thể đi ra các nước.