Thị trường đồn đoán Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ phối hợp can thiệp tỷ giá
Phối hợp hành động
Đồng yen Nhật Bản đang dao động quanh mức thấp nhất trong 34 năm so với đồng USD. Đồng tiền châu Á này gặp khó khăn và rơi khỏi mốc 150 yen đổi 1 USD kể từ khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) tăng lãi suất vào tháng 3.
Giữa lúc đó, đồng won Hàn Quốc đã trượt xuống mức thấp nhất trong 18 tháng là 1.389,5 won đổi 1 USD. Các nhà chức trách ở hai nước cho rằng hai đồng tiền đang biến động “quá mức”.
Tuần trước, Mỹ đã thừa nhận “những quan ngại sâu sắc” của Nhật Bản và Hàn Quốc về đà giảm nghiêm trọng của hai đồng tiền. Bộ Tài chính Mỹ cho biết cả ba bên đồng ý “trao đổi chặt chẽ về diễn biến thị trường ngoại hối”.
Các bình luận nói trên khiến nhà đầu tư bắt đầu đồn đoán rằng hai nền kinh tế châu Á sẽ phối hợp can thiệp tiền tệ, theo đưa tin từ CNBC.
Ông James Brady, Phó Giám đốc cấp cao tại hãng tư vấn Teneo, cho biết việc can thiệp vào tỷ giá là phù hợp với mô hình hợp tác sâu rộng hơn giữa Nhật Bản và Hàn Quốc thời gian gần đây.
“Không hoàn toàn vô lý khi thị trường suy đoán về khả năng Nhật Bản và Hàn Quốc phối hợp hành động, đặc biệt là khi Tokyo và Seoul đề cập đến ‘những quan ngại sâu sắc’ của mình”, ông Brady nói thêm.
Quan trọng hơn, một động thái phối hợp sẽ mang lại lợi ích chính trị cũng như kinh tế cho cả hai bên nếu biện pháp của hai nước thành công nâng đỡ giá đồng yen và đồng won so với đồng USD, vị phó giám đốc tiếp lời.
Song, ông cảnh báo rằng những động thái đó sẽ chỉ có tác động lâu dài nếu Nhật Bản và Hàn Quốc phối hợp cùng Mỹ. Nếu không có sự hỗ trợ của Mỹ, các biện pháp can thiệp vào đồng yen thường chỉ “tạo ra cú hích ngắn hạn, trước khi đồng tiền này quay về con đường ban đầu”, ông Brady lưu ý.
Theo vị phó giám đốc, Hàn Quốc và Nhật Bản có thể khuếch đại thông điệp tới thị trường bằng cách phối hợp chính sách, điều này cũng có thể nâng cao tác động ngắn hạn so với khi từng nước đơn phương hành động.
Tuy nhiên, cả hai nước đều thừa nhận rằng Mỹ là quốc gia có ảnh hưởng lớn trên thị trường tiền tệ. Nếu không có sự tham gia của Mỹ, ông Brady cho rằng khả năng Tokyo và Seoul hợp tác có thể giảm đi.
Song, nếu cả hai tiến tới can thiệp tỷ giá, ông Brady cho biết BoJ và Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) sẽ cùng đưa ra quyết định và có lẽ sẽ tiến hành các biện pháp song song với nhau mà không có bất kỳ thông báo công khai nào.
Chưa chắc Nhật Bản sẽ can thiệp
Các nhà phân tích từng kỳ vọng ngân hàng trung ương Nhật bản sẽ hỗ trợ đồng yen sau khi các nhà chức trách liên tục cảnh báo về hành vi thao túng đồng tiền này, theo CNBC.
Song, BoJ không thực hiện bất kỳ động thái nào khi đồng yen rơi xuống mức 150 yen đổi 1 USD, hay 152 hoặc gần đây là 154.
Ông Frederic Neumann, nhà kinh tế trưởng của HSBC tại khu vực châu Á, nhấn mạnh điều quan trọng hơn cả là đồng yen đang suy yếu như thế nào.
Theo vị chuyên gia, nếu đồng yen “giảm giá từ từ”, chính phủ Nhật Bản sẽ không phản ứng quá mạnh. Ông nói đồng yen yếu hơn sẽ giúp ích cho các nhà xuất khẩu Nhật Bản, đặc biệt là trong bối cảnh đồng euro và nhân dân tệ đều cũng đang yếu đi.
Tuy nhiên, ông Brady của Teneo cho rằng đó sẽ là một “bất ngờ” nếu đồng yen giảm xuống dưới mức 160 yen đổi 1 USD mà BoJ không thực hiện bất kỳ biện pháp can thiệp mang tính biểu tượng nào.
Dù vậy, ông cũng cho biết “các tiền lệ trong quá khứ cho thấy chưa chắc chính phủ Nhật Bản sẽ can thiệp khi đồng yen rơi xuống một ngưỡng tâm lý quan trọng nào đó”.