|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Thị trường dịch vụ hàng không liệu có phải miếng bánh 'béo bở'?

13:30 | 19/06/2018
Chia sẻ
Năm 2018, doanh thu hàng hóa được dự báo tiếp tục tăng trưởng tốt và là động lực thúc đẩy thương mại toàn cầu. Bên cạnh đó, thị trường hàng không Việt Nam được dự báo phát triển nhanh nhất thế giới giai đoạn 2016 – 2040 do mức sống người dân được cải thiện. Nhờ vậy, những doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này có thể thu lợi không nhỏ…

Giá trị hàng hóa qua hàng không vượt 6.200 tỷ USD năm 2018

Đối với thế giới, giao dịch hàng hóa hàng không là một yếu tố quan trọng của nền kinh tế toàn cầu.

Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (International Air Transport Association - IATA), các hãng hàng không vận chuyển hàng hóa tạo ra 90% tổng doanh thu ngành hàng không.

Tổng giá trị hàng hóa thu được thông qua dịch vụ hàng không dự kiến ​​sẽ vượt 6.200 tỷ USD vào năm 2018, chiếm 7,4% GDP thế giới.

Thống kê cho thấy, ngành công nghiệp dược phẩm dựa vào tốc độ và hiệu quả của vận tải hàng không trong việc vận chuyển hàng hóa có giá trị cao, nhạy cảm với nhiệt độ, đặc biệt là vắc-xin. Có tới 13,4 tỷ USD được chi tiêu trên toàn thế giới. Đến năm 2021, ước tính rằng giá trị này sẽ tăng lên 16,6 tỷ USD.

Trong thế giới ngày nay, hầu hết mọi người đều có thể thông qua nền tảng công nghệ để sử dụng một dịch vụ cung ứng toàn cầu liên kết qua đường hàng không.

Amazon, Alibaba, eBay và các công ty thương mại điện tử khác cũng dựa vào các dịch vụ chuyển phát nhanh được thực hiện bởi hàng không để đưa sản phẩm từ nhà cung cấp đến với người tiêu dùng. Ví dụ chỉ trong "Ngày lễ độc thân" của Trung Quốc, người mua hàng trực tuyến đã chi trả tổng cộng 17,8 tỷ USD, đại diện cho 657 triệu gói hàng và vận tải hàng không đóng vai trò thiết yếu trong giao hàng của họ. Trong năm 2016, chỉ riêng bán lẻ trực tuyến đã chiếm 7,6% doanh thu toàn cầu, cho thấy tiềm năng tăng trưởng trong những năm tới.

Ngoài ra, việc kinh doanh hàng hóa được dự kiến ​​sẽ tăng 4,5% trong năm 2018 (giảm so với mức tăng trưởng 9% của năm 2017).

Doanh thu hàng hóa dự báo tiếp tục tăng trưởng tốt trong năm 2018, có thể đạt 59,2 tỷ USD (tăng 8,6% so với 2017). Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ước tính việc thực hiện Hiệp định Thuân lợi hóa Thương mại (TFA), hiệu lực ngày 22/2/2017 có thể giảm chi phí thương mại từ 12-18% cho các quốc gia và tạo động lực tăng trưởng toàn cầu trong năm 2018. Việc thực hiện TFA sẽ không chỉ thúc đẩy thương mại toàn cầu mà còn làm cho thủ tục biên giới nhanh hơn, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.

Việt Nam là thị trường tăng trưởng hành khách nhanh nhất thế giới

Giai đoạn 2010 - 2017, tốc độ tăng trưởng hành khách thị trường Việt Nam đạt mức tăng trưởng kép (CAGR) 16,7%/năm, cao nhất Châu Á - Thái Bình Dương. Đà tăng trưởng tiếp tục được khẳng định khi Hội đồng Sân bay Quốc tế (ACI) đưa ra dự báo Việt Nam là thị trường tăng trưởng hành khách nhanh nhất thế giới trong nhóm thị trường trên 50 triệu hành khách giai đoạn 2016-2040.

thi truong dich vu hang khong lieu co phai mieng banh beo bo
Nguồn: Báo cáo từ Công ty Chứng khoán MB (MBS)

Ngành hàng không có mối tương quan cùng chiều với tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người. Trong bối cảnh các hãng hàng không lựa chọn chiến lược về giá để cạnh tranh, tăng trưởng GDP bình quân đầu người sẽ kích thích nhu cầu di chuyển bằng đường không cao hơn so với các loại hình di chuyển khác, cùng với đó sức mua của người dân cũng tăng lên.

Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF, 4/2018), GDP của Việt Nam đạt mức tăng trưởng CAGR 11%/năm giai đoạn 2000-2016; dự báo giai đoạn 2017-2023 tăng trưởng CAGR sẽ đạt mức 8,2%/năm, thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng thu nhập nhanh nhất Đông Nam Á. Vì thế, ngành hàng không Việt nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt nhờ mức sống của người dân được cải thiện.

Thị trường vận tải hành khách hàng không Việt Nam cũng nằm trong nhóm tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Tốc độ tăng trưởng tổng vận tải hành khách giai đoạn 2013-2017 đạt mức tăng trưởng kép CAGR 20,5%/năm. Năm 2017, thị trường hành khách nội địa có sự chững lại do các nhà ga nội địa tại sân bay chính đạt hoặc vượt mức công suất thiết kế. Bù lại, khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao, chủ yếu từ khu vực Đông Bắc Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh và Đà Nẵng tiếp tục giữ vai trò tăng trưởng ngành với nhà ga quốc tế mới đưa vào hoạt động giai đoạn 2017-2018, đồng thời là 2 điểm du lịch thu hút khách quốc tế hàng đầu Việt Nam.

MBS dự phóng giai đoạn 2017-2022, thị trường vận tải hành khách nội địa sẽ tăng trưởng đạt mức CAGR 10%/năm. Động lực tăng trưởng toàn ngành đến từ nhóm khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Thống kê 4 tháng đầu năm, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 5,5 triệu lượt, hoàn thành 36,7% kế hoạch, tăng 29,5% cùng kỳ. Khách du lịch Trung Quốc tăng trưởng chậm lại với mức tăng 39,7% cùng kỳ.

Giai đoạn 2017-2022, thị trường vận tải hành khách quốc tế có thể tăng trưởng chậm dần đạt mức CAGR 18,5%/năm. Dự phóng năm 2018, thị trường hành khách đạt 72 triệu lượt (tăng 16% cùng kỳ), trong đó hành khách nội địa và quốc tế đạt lần lượt 35 và 37 triệu lượt.

Doanh nghiệp dịch vụ hàng không Việt Nam “thăng hoa”

Tại Việt Nam, ngành dịch vụ hàng không có triển vọng ngày càng phát triển. Lĩnh vực chính của các công ty hầu như xoay quanh dịch vụ bán vé, cung cấp suất ăn, kinh doanh nhà hàng, phòng chờ, hàng miễn thuế, đưa đón khách tại sân bay…

Quý I/2018, hầu hết công ty đạt kết quả kinh doanh khả quan như Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bây Tân Sơn nhất (Mã: SAS) ghi nhận 697 tỷ đồng doanh thu thuần và 71 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế công ty mẹ. SAS chính thức giao dịch trên UPCoM từ năm 2015. Hiện nay, công ty có hơn 133 triệu cổ phiếu lưu hành với vốn hóa thị trường đạt khoảng 3.800 tỷ đồng.

Ngoài ra, CTCP Phục vụ mặt đất Sài Gòn (Mã: SGN) cũng đạt hơn 318 tỷ đồng doanh thu thuần, lãi ròng sau thuế công ty mẹ 74 tỷ đồng.

thi truong dich vu hang khong lieu co phai mieng banh beo bo
Biên lợi nhuận gộp các nhà bán lẻ tại sân bay. (Nguồn: Báo cáo của Công ty Chứng khoán MB)

Tháng 1, Sàn Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) chào đón thành viên mới là CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco (Taseco Airs – Mã: AST). Công ty được tách ra từ Taseco Thăng Long và thành lập từ tháng 9/2015, hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ hàng không như kinh doanh nhà hàng, đại lý cung cấp dịch vụ viễn thông, đại lý thu đổi ngoại tệ, dịch vụ du lịch, cung cấp suất ăn cho các hãng hàng không… tại các sân bay quốc tế Nội Bài, Đà Nẵng, Huế, Cam Ranh,Tân Sơn Nhất, Phú Quốc…

CTCP Dịch vụ Sân bay Quốc tế Cam Ranh (Mã: CIA) cũng là một cái tên khá "hot" khi cả năm 2017 đạt doanh thu thuần 439 tỷ đồng, tăng 60% so với 2016. Lợi nhuận sau thuế 48,6 tỷ đồng, tăng 212%. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) năm 2017 đạt 7.062 đồng.

Mới đây, CIAS phát hành khoảng 1,6 triệu cổ phiếu mới chia cổ tức 2017 với tỷ lệ 40%, nâng vốn điều lệ từ 80 tỷ lên 96 tỷ đồng. Thời gian qua, cổ phiếu CIA giảm sâu sau khi công ty công bố sự kiện không thuê được mặt bằng kinh doanh tại Nhà ga quốc tế Cam Ranh.

thi truong dich vu hang khong lieu co phai mieng banh beo bo
Kết quả kinh doanh của các công ty dịch vụ hàng không (Đvt: Tỷ đồng, Nguồn: BCTC)

Điểm chung của các công ty dịch vụ hàng không là mức chi trả cổ tức khá cao. Đơn cử, CTCP Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài (Mã: NCT) trả cổ tức lên tới 50% cho năm 2017. Hay như CTCP Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS – Mã: SGN) cũng trả cổ tức 2017 bằng tiền 30%, ứng với 72 tỷ đồng.

Cùng tỷ lệ với SGN còn có CTCP Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn. Năm 2017, lợi nhuận sau thuế của SCS tăng trưởng 40% lên 346 tỷ đồng. Theo giải trình, hàng hóa qua sân bay Tân Sơn Nhất tăng hơn 15% đã góp phần đáng kể vào kết quả này.

SCS thành lập tháng 4/2008 với vốn điều lệ ban đầu 300 tỷ đồng, gồm 6 cổ đông sáng lập: Cụm Cảng hàng không miền Nam (nay là Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam – Mã: ACV), Công ty Sửa chữa máy bay A41 (nay là Công ty TNHH MTV Sửa chữa máy bay 41), CTCP Đại lý liên hiệp vận chuyển (CTCP Gemadept), Công ty TNHH Đầu tư Nam Phú Quốc tế, CTCP Đầu tư Á Châu và CTCP Sóng Việt.

Theo SCS, công ty là đơn vị duy nhất cung cấp dịch vụ kho thu gom hàng lẻ hàng không xuất khẩu và kho ngoại quan chuyên dùng hàng tươi sống tại Việt Nam. SCS đang sở hữu và khai thác nhà ga hàng hóa hàng không với tổng diện tích hơn 14 ha tại Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Hiện nay, SCS kinh doanh 3 dịch vụ chính gồm cho thuê sân đậu máy bay, khai thác nhà ga hàng hóa và cho thuê văn phòng, bãi đậu xe.

Xem thêm

Anh Túc