|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ngành hàng không thế giới 'vật lộn' với tình trạng thiếu phi công

21:22 | 06/06/2018
Chia sẻ
Tình trạng thiếu phi công ngày càng gia tăng đang đe dọa đà tăng trưởng gần đây của ngành hàng không.
nganh hang khong the gioi vat lon voi tinh trang thieu phi cong Phi công Vietnam Airlines được áp dụng mức lương mới
nganh hang khong the gioi vat lon voi tinh trang thieu phi cong Ngành hàng không toàn cầu có thể bị thiệt hại do căng thẳng thương mại

Tình trạng thiếu phi công ngày càng gia tăng đang đe dọa đà tăng trưởng gần đây của ngành hàng không, khi nhiều máy bay đang phải nằm “đắp chiếu”, lương phi công tăng đang “bào mòn” lợi nhuận của các hãng và các tổ chức công đoàn trên toàn cầu thì tranh đấu đòi gia tăng quyền lợi.

Các hãng hàng không như Emirates (Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất) và Qantas Airways của Australia (Ôx-trây-li-a) đã đổ nhiều tiền và công sức vào việc tuyển dụng, nhưng thời gian gần đây vẫn phải chật vật trong việc điều phối máy bay hoạt động như kế hoạch kinh doanh đã đặt ra do những trì trệ trong khâu đào tạo.

Trong khi đó, các phi công của hãng hàng không Ryanair của Ireland (Ai-len) đang thành lập các tổ chức công đoàn trên khắp châu Âu để tìm kiếm những điều kiện làm việc tốt hơn, còn các phi công của hãng hàng không Air France ( Pháp) lại đang đình công vì vấn đề tiền lương.

Ở Mỹ, các phi công đã từng bị cắt giảm tiền lương khi các hãng hàng không phá sản 10 năm trước giờ đây đang được tăng lương mạnh theo các hợp đồng mới, trong bối cảnh các hãng hàng không đang thu được lợi nhuận cao.

Chi phí nhân công gia tăng trong bối cảnh giá dầu đi lên đã “ăn vào” lợi nhuận của các hãng hàng không. Đây là hai vấn đề tài chính gây đau đầu nhất, trong khi các hãng cho biết giá vé vẫn chưa bắt kịp được với chi phí.

Ông Brian Pearce, nhà kinh tế trưởng của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) nhận định rằng những áp lực về chi phí này sẽ còn “ám ảnh” các hãng hàng không lâu dài. Nhận định trên được vị chuyên gia này đưa ra trong cuộc họp thường niên của IATA vừa diễn ra ở Sydney, nơi tổ chức hàng đầu trong ngành hàng không thế giới này đã hạ dự báo lợi nhuận của ngành 12% do các chi phí nhân lực và nhiên liệu gia tăng.

Chi phí đào tạo phi công cao và nhiều năm hoạt động tuyển dụng phi công "đóng băng" trước đó ở các thị trường như Mỹ và Australia đã khiến cho nhiều người không còn “mặn mà” với nghề này, trong khi đó, hãng Boeing cho biết ngành hàng không thế giới sẽ cần thêm 637.000 phi công nữa trong 20 năm tới.

Khánh Ly