|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thị trường dầu đã học cách vượt qua khủng hoảng tại Trung Đông như thế nào?

15:44 | 13/01/2020
Chia sẻ
Một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ đã khiến một vị tướng quan trọng nhất của Iran thiệt mạng. Tehran thề báo thù và giá dầ đã tăng gần 5% vì các nhà giao dịch đổ xô vào dầu vì lo ngại về một cuộc chiến ở Trung Đông. Nhưng ngay sau đó là những đợt bán tháo đẩy giá dầu giảm sâu.

Xu hướng giao dịch này đã diễn ra một thập kỉ trước, nhưng hiện ngày càng trở nên phổ biến.

Mối đe dọa về một cuộc tranh chấp bao phủ trung tâm của thị trường dầu thế giới trong tuần vừa qua tưởng chừng như có thể khiến giá dầu tăng cao trong thời gian dài.

Tuy nhiên, những đợt mua vào một cách hoảng loạn của giới giao dịch và người tiêu dùng đã nhanh chóng được đáp ứng bởi làn sóng dầu đá phiến Mỹ, nơi các nhà sản xuất nắm bắt thời cơ để chốt giá giao sau ở mức cao, đã khiến đợt tăng vọt bất ngờ của giá dầu chấm dứt.

Và khi căng thẳng hạ nhiệt, giá dầu lao dốc.

Những giao dịch giảm rủi ro như trên, kết hợp với lượng dầu dự trữ khổng lồ tại châu Á và xuất khẩu dầu thô Mỹ tăng vọt là "nguyên liệu" cho một thị trường có khả năng loại bỏ gián đoạn nguồn cung một cách nhanh chóng, điều vẫn được coi là kịch bản ác mộng cho tới gần đây.

Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ đã giảm trở lại dưới 60 USD/thùng là diễn biến mới nhất sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump không sử dụng biện pháp quân sự với Iran.

Sự biến động này của giá dầu không chỉ phản ánh căng thẳng tại Trung Đông đã hạ nhiệt sau khi cuộc trả đũa của Iran không dẫn tới thương vong cho Mỹ, nó còn cho thấy cuộc cách mạng dầu đá phiến Mỹ đã thay đổi tâm lí trên thị trường dầu như thế nào.

Cùng ngày tên lửa đạn đạo của Mỹ sát hại nhà lãnh đạo quân sự quan trọng nhất của Iran gần sân bay quiốc tế Baghdad (Iraq), Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) tuyên bố nền kinh tế lớn nhất thế giới xuất khẩu dầu ròng 1,73 triệu thùng/ngày.

Đây là sự kiện làm thay đổi lịch sử đối với qiốc gia từng là một trong những nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới trong thập kỉ trước, và nó đã thay đổi cách thị trường phản ứng với khủng hoảng.

Chìa khoá nằm ở những mỏ dầu đá phiến của nước Mỹ

Sự bùng nổ của dầu đá phiến, yếu tố dẫn tới sự thay đổi này, được hình thành bởi một loạt các nhà khai thác độc lập, những công ty ít có khả năng hấp thụ tác động tài chính khi giá biến động như nhà khổng lồ Exxon Mobil hay Royal Dutch Shell.

Không giống như thời đại bị thống trị bởi các nhà sản xuất siêu khổng lồ, các công ty nhỏ hiện tại sẽ hạn chế rủi ro ở mức tối thiểu bằng các giao dịch để phòng hộ nếu có bất kì đợt tăng nào diễn ra.

Giá dầu thô đang trong thời kì vàng đối với nhiều nhà sản xuất Bắc Mỹ, chuyên gia phân tích Michael Tran của RBC Capital Markets nhận định. Nhiều người đang chờ đợi hay hi vọng, về cơ hội chốt giá dầu ở mức 60 USD/thùng trong năm 2020.

Giá dầu thô vượt mức 60 USD/thùng sau khi tướng Soleimani của Iran thiệt mạng trong các cuộc không kích của Mỹ tại Iraq.

Thị trường dầu đã học cách vượt qua khủng hoảng tại Trung Đông như thế nào? - Ảnh 1.

Ảnh: shafaaq.com

Occidental Petroleum, một trong những nhà khai thác lớn nhất tại mỏ Permian ở Texas và New Mehico, tuần trước, cho biết đã tăng sản lượng phòng hộ trong 2020 từ 300.000 thùng/ngày lên 350.000 thùng/ngày với sự hỗ trợ từ các ngân hàng Phố Wall.

"Hoạt động giảm rủi ro đã tăng mạnh trong những tuần gần đây", RBC cho hay.

Mỗi đợt giao dịch để phòng hộ mang lại một động lực cho các nhà sản xuất Mỹ, theo đó cho phép họ duy trì sản lượng ở mức cao tại thời điểm các chuyên gia phân tích dự đoán tăng trưởng dầu đã phiến đang chậm lại.

Cuối năm nay, một lượng dầu từ các hợp đồng này có thể sẽ sử dụng hệ thống đường ống, kho dầu và cảng nối với Vịnh Mexico, nhờ đó củng cố vị thế của Mỹ là cường quốc xuất khẩu năng lượng và cung cấp một nguồn cung thay thế rủi ro thấp cho dầu Trung Đông. 

Tổng thống Trump đã nhấn mạnh sự thay đổi này hôm 8/1 trong buổi họp báo tại Nhà Trắng sau cuộc tấn công tên lửa trả đũa của Iran nhắm vào căn cứ quân sự Mỹ tại Iraq.

"Nước Mỹ độc lập và chúng tôi không cần dầu Trung Đông", ông Trump phát biểu.

Mặc dù tuyên bố của ông có phần thái quá, sự thống trị của khu vực Trung Đông về xuất khẩu đang suy yếu. 

Xuất khẩu từ Trung Đông và Bắc Phi chiếm 38% tổng lượng dầu bán ra thị trường quốc tế trên thế giới trong 2018, giảm từ 43% của thập kỉ trước, theo dữ liệu từ BP Plc. 

Một số quốc gia đã tăng công suất sản xuất, một số khác như Iran và Libya ghi nhận sản lượng giảm mạnh vì lệnh trừng phạt và tranh chấp.

Ngược lại, kể từ giữa thế kỉ trước, Mỹ đã ghi nhận xuất khẩu dầu tăng vọt từ gần như 0 lên hơn 3 triệu thùng/ngày, lớn hơn nhiều so với khối lượng xuất khẩu của bất kì nhà sản xuất Trung Đông nào trừ Iraq và Arab Saudi. 

Một lượng lớn khối lượng dầu thô Mỹ được chuyển sang châu Á, khu vực có lịch sử phục thuộc nhiều nhất vào nguồn cung năng lượng từ Vịnh Ba Tư. 

Phản ứng yếu ớt trước cuộc khủng hoảng mới nhất tại khu vực là lần thứ hai chỉ sau vài tháng, thị trường đã thoát khỏi tình trạng hỗn loạn nghiêm trọng ở Trung Đông. 

Cuộc tấn công vào cơ sở chế biến dầu Abqaiq của Arab Saudi vào tháng 9 năm ngoái là sự gián đoạn nguồn cung lớn nhất trong lịch sử, nhưng đà tăng của giá dầu kết thúc chỉ hai tuần sau khi cơ sở được sửa chữa.

Lyly Cao