|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Thị trường đang tiêu cực hóa, TP HCM cần tìm lối thoát cho hơn 30 dự án ách tắc

06:45 | 30/07/2019
Chia sẻ
Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa đề xuất các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sớm ban hành kết luận đối với 30 dự án chưa thể tiếp tục vận hành trở lại. Bởi sự ách tắc vì thiếu nguồn cung đang tác động tiêu cực đến cả nguồn thu ngân sách của TP.

Theo HoREA, TP HCM có hơn 150 dự án thuộc diện rà soát cơ sở pháp lý. Hiện đã cho phép 124 dự án được vận hành trở lại bình thường kể từ tháng 3/2019, nhưng vẫn còn hơn 30 dự án tiếp tục rà soát.

HoREA cho biết, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền rà soát về pháp lý các dự án là rất cần thiết, để các chủ đầu tư chấn chỉnh lại hoạt động đầu tư, kinh doanh và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, không để thất thoát nguồn thu ngân sách Nhà nước. Nhưng quá trình rà soát, thanh tra cũng đã tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các chủ đầu tư, người mua nhà, nhà đầu tư thứ cấp và cả môi trường kinh doanh.

Thị trường ách tắc tác động tiêu cực đa chiều

Theo HoREA, thị trường bất động sản TP HCM 7 tháng đầu năm 2019 đã bị sụt giảm mạnh, tác động đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn, rủi ro rất lớn, thậm chí có doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản. Hệ quả là nguồn thu ngân sách Nhà nước từ thị trường bất động sản, từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế cũng bị sụt giảm lớn. 

Đối với phần lớn người dân TP HCM là người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, người nhập cư ngày càng khó mua nhà, khó thuê nhà ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

von-vao-bat-dong-san-nam-2019-co-kho1544732103-1554187176841938122567-crop-155982007013696696426

Thị trường đang tiêu cực hóa vì nhiều dự ân bị ách tắc. Ảnh: Zing.vn

HoREA rất lo ngại trước tình trạng sụt giảm quy mô thị trường bất động sản TP HCM, sụt giảm nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là loại căn hộ nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền, căn hộ nhà ở xã hội.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, chỉ có 3 dự án nhà ở thương mại mới được Sở Xây dựng đề xuất UBND TP HCM công nhận chủ đầu tư với quy mô chỉ 924 căn hộ, giảm 16 dự án (tương đương giảm 84,2%) so với cùng kỳ năm 2018.

Sở Xây dựng cũng chỉ đề xuất chấp thuận đầu tư 10 dự án nhà ở thương mại mới, giảm 46 dự án (tương đương giảm 82,2%) so với cùng kỳ năm 2018. Trong 6 tháng, chỉ có 24 dự án đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai, với tổng số 7.313 căn hộ (căn nhà), giảm 10 dự án (giảm 29,4%), giảm 2.336 căn (giảm 24,2%) so với cùng kỳ năm 2018.

Sự sụt giảm của thị trường bất động sản trong hơn 2 năm qua tác động tiêu cực đến nguồn thu ngân sách TP HCM hiện nay và có thể cả trong thời gian tới do "độ trễ" của quá trình thực hiện dự án.

Cụ thể, năm 2018, thu ngân sách từ đất khoảng 22.600 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng 9,32% tổng thu ngân sách. So với năm 2017, giảm khoảng 4.570 tỉ đồng (giảm 16,8%). Số thu tiền sử dụng đất dự án giảm khoảng 4.037 tỉ đồng (giảm 22,5%). Kết quả thu ngân sách TP HCM 6 tháng đầu năm 2019 là 133.744 tỉ đồng chỉ đạt 46,08% dự toán thu cả năm.

Trong đó, số thu tiền sử dụng đất tiếp tục xu thế sụt giảm, giảm đến khoảng 60% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tổng số tiền nợ thuế tại TP HCM lên đến 13.545 tỉ đồng, tăng gần 52% so với cùng kỳ năm trước. Riêng khoản nợ thuế liên quan đến đất đai là 3.401 tỉ đồng, chiếm 25,1% tổng số nợ thuế, tăng 1,5 lần so với thời điểm cuối năm 2018.

Nếu không gỡ rối, nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phá sản

Sự sụt giảm nguồn cung mới cũng ảnh hưởng rõ nét đến người dân thành phố, những người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, người nhập cư ngày càng khó mua nhà, khó thuê nhà, từ đó ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Bởi lẽ, quý II năm 2019, không có dự án nhà ở bình dân, vừa túi tiền đưa ra thị trường.

Thậm chí HoREA cho rằng, thị trường bất động sản TP HCM trong 7 tháng đầu năm 2019 đã bị sụt giảm mạnh khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn, rủi ro rất lớn, thậm chí có doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản.

Hiệp hội đề xuất, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sớm có kết luận đối với các dự án thuộc diện rà soát, thanh tra, để các chủ đầu tư chấp hành, trước hết là thực hiện các nghĩa vụ tài chính bổ sung với Nhà nước (nếu có) và được tiếp tục triển khai thực hiện dự án, giúp bổ sung nguồn cung cho thị trường bất động sản, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp nhân dân.

Về ách tắc thủ tục phê duyệt quy hoạch chi tiết dự án nhà ở thương mại: HoREA đề nghị UBND TP HCM chỉ đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc thụ lý, giải quyết hồ sơ đồ án quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 do "nhà đầu tư" dự án đề xuất, sau khi đã có Quyết định chủ trương đầu tư của UBND thành phố, để chủ đầu tư có cơ sở thực hiện thủ tục công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại và các thủ tục về quyền sử dụng đất dự án.

Về ách tắc thủ tục công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại không có 100% đất ở, Hiệp hội đề xuất, Bộ Xây dựng thống nhất với đề nghị của UBND TP HCM theo hướng: Nếu đã được xác định là đất ở trong đồ án quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc đã có văn bản của cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để triển khai dự án xây dựng nhà ở hoặc đã được ghi trong quyết định thu hồi đất khi thực hiện giải phóng mặt bằng là để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thì diện tích đất đó được coi là đất ở.

Trong khi đó tại cuộc họp KTXH TP HCM gần đây, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết, UBND TP đã đề xuất và có chủ trương, những dự án nào thanh tra kết luận sai thì phải dừng lại để thực hiện theo đúng quy định Nhà nước. 

"Những dự án nào công an đang xử lý thì tạm dừng. Những dự án nào chưa rơi vào 2 điểm này thì UBND TP đã làm việc với Thanh tra Chính phủ, các cơ quan kiểm toán và đã thống nhất, tháo gỡ được 124 dự án tiếp tục triển khai thủ tục hành chính bình thường trên cơ sở tuân thủ pháp luật.". Ông Tuyến cho biết

Lãnh đạo thành phố cũng nêu rõ quan điểm bảo vệ tuyệt đối quyền lợi của người dân, những dự án nào Nhà nước đã cho phép rồi thì quyền lợi hợp pháp đó sẽ được bảo vệ. Những doanh nghiệp nào được sự đồng ý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì sẽ được bảo vệ hợp pháp. 

Những sai sót pháp lý thuộc về trách nhiệm cơ quan quản lý Nhà nước thì Nhà nước sẽ xử lý những cán bộ sai phạm, không để ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp.

B.Nguyên