Thị trường đang quá lạc quan về nhu cầu tiêu thụ dầu thô của Trung Quốc?
Tồn kho dầu thô của Trung Quốc tăng lên do hoạt động lọc dầu giảm sút
Theo Reuters, tồn kho dầu thô của Trung Quốc tiếp tục tăng trong tháng 10 do hoạt động lọc dầu giảm từ mức cao kỷ lục và nhập khẩu tăng nhẹ so với tháng 9.
Khoảng 560.000 thùng/ngày đã được đưa vào kho dự trữ trong tháng 10, dựa trên tính toán sử dụng dữ liệu chính thức về nhập khẩu, sản xuất trong nước và sản lượng lọc dầu.
Đây là sự đảo ngược so với tháng 9, khi các nhà máy lọc dầu đưa vào các bể chứa, xử lý nhiều hơn 240.000 thùng/ngày so với lượng sẵn có từ nhập khẩu và sản lượng trong nước.
Các nhà lọc dầu tại quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới đã giảm hàng tồn kho trong trong tháng 4, tháng 7 và tháng 9.
Tuy nhiên, 7 tháng còn lại đã chứng kiến lượng dự trữ bổ sung đủ lớn để bù đắp cho sự sụt giảm, với khoảng 680.000 thùng/ngày.
Trung Quốc không tiết lộ khối lượng dầu thô đầu ra và dầu vào trong kho dự trữ chiến lược và tồn kho thương mại, nhưng có thể ước tính bằng cách lấy tổng sản lượng dầu thô trong nước và nhập khẩu trừ đi khối lượng dầu thô đã qua tinh chế.
Theo dữ liệu của Cục Thống kê Quốc gia công bố ngày 15/11, các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc đã xử lý gần 64 triệu tấn dầu thô trong tháng 10, tương đương khoảng 15 triệu thùng/ngày.
Sản lượng lọc dầu đã giảm từ mức kỷ lục 15,5 triệu thùng/ngày trong tháng 9, phần lớn do lợi nhuận trong nước giảm trong bối cảnh tăng trưởng nhu cầu chậm lại và xuất khẩu giảm do các nhà máy lọc dầu vượt quá hạn ngạch.
Nhập khẩu dầu thô là gần 49 triệu tấn và sản lượng trong nước là 17,33 triệu tấn, tổng cộng 66,3 triệu tấn, tương đương 15,61 triệu thùng/ngày.
Trừ đi sản lượng của nhà máy lọc dầu sẽ dư thừa 560.000 thùng/ngày để đưa vào dự trữ thương mại hoặc chiến lược.
Mô hình nhập khẩu dầu thô và chế biến tại nhà máy lọc dầu của Trung Quốc trong năm nay là mua thêm dầu thô khi giá thấp, tăng cường lọc dầu khi nhu cầu trong nước phục hồi và có hạn ngạch xuất khẩu, cho phép họ tận dụng lợi nhuận biên cao từ nhiên liệu ở châu Á, đặc biệt là dầu diesel.
Ngược lại, khi giá dầu thô tăng Trung Quốc có xu hướng cắt giảm nhập khẩu trong những tháng tiếp theo.
Điều này cho thấy các nhà máy lọc dầu Trung Quốc khá hài lòng khi sử dụng kho dự trữ dồi dào của mình để giảm thiểu chi phí dầu thô cao.
Những dự báo về nhu cầu của Trung Quốc đang bị cường điệu hoá?
Dòng chảy vào kho lưu trữ tính đến tháng 10 cũng khiến một số người nghi ngờ trước một số dự báo lạc quan về nhu cầu của Trung Quốc. Trước đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu của Trung Quốc sẽ tăng 1,8 triệu thùng/ngày vào năm 2023.
Nhập khẩu của Trung Quốc trong 10 tháng là 11,36 triệu thùng/ngày, cao hơn 1,19 triệu thùng/ngày so với cả năm 2022.
Để có được bức tranh chân thực hơn về tình trạng tiêu dùng nội địa của Trung Quốc, cũng cần tính đến dòng chảy vào bể chứa cũng như sự gia tăng xuất khẩu nhiên liệu đã lọc.
Xuất khẩu sản phẩm đã tinh chế cao hơn 33,2% trong 10 tháng đầu năm ở mức 53,1 triệu tấn, tức là khoảng 1,4 triệu thùng/ngày, cao hơn 220.000 thùng/ngày so với cả năm 2022.
Cộng thêm sự gia tăng xuất khẩu sản phẩm vào các kho dự trữ, đưa con số tổng lên 900.000 thùng/ngày trong 10 tháng.
Nếu trừ đi mức tăng 1,19 triệu thùng/ngày trong nhập khẩu dầu thô, điều đó có nghĩa là mức tiêu thụ thực tế trong nước chỉ nhiều hơn 290.000 thùng/ngày so với năm 2022.
Con số này cho thấy rằng một số sự lạc quan của IEA về tình trạng nhu cầu của Trung Quốc là bị cường điệu hóa.
Trong khi hàng tồn kho và tái xuất khẩu dầu thô dưới dạng sản phẩm đã lọc là một phần của tăng trưởng nhu cầu, việc dựa vào chúng để đưa ra dự báo tích cực đối với Trung Quốc có thể là một chiến lược sai lầm.