|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thị trường có thể chưa đánh giá đúng nhu cầu dầu thô của Trung Quốc

20:21 | 07/03/2021
Chia sẻ
Oilprice.com cho rằng, giá dầu tăng cao và kế hoạch bảo dưỡng nhà máy lọc dầu trong hai tháng tới có thể khiến Trung Quốc giảm nhập khẩu dầu thô, trái ngược với dự báo của các nhà phân tích khác.
Thị trường có thể chưa đánh giá đúng nhu cầu dầu thô của Trung Quốc - Ảnh 1.

Một tàu chở dầu cập cảng Qingdao ở phía đông tỉnh Sơn Đông. (Ảnh: Getty Images).

Kể từ đầu năm nay, nhập khẩu dầu thô của châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, đã tăng mạnh và góp phần thúc đẩy tâm lý lạc quan trên thị trường dầu mỏ thế giới.

Tuy nhiên, có dấu hiệu cho thấy châu Á sẽ không nhập khẩu nhiều dầu thô trong quý II năm nay, vì giá dầu trên 60 USD/thùng có thể ăn vào biên lợi nhuận của các công ty lọc dầu và nhiều nhà máy lọc dầu tại Trung Quốc có kế hoạch bảo dưỡng vào tháng 3 và tháng 4.

Cây bút Clyde Russel của Reuters cho biết, đà tăng của giá dầu thô giao sau và tâm lý lạc quan của nhà đầu tư trên thị trường mua bán hợp đồng tương lai hiện đang áp đảo thị trường dầu thô vật chất và giá hàng hóa xuất đi Trung Quốc cũng như các nước châu Á khác.

Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc có thể chững lại

Trung Quốc, thị trường tiêu thụ dầu thô lớn nhất thế giới, đã tăng đáng kể khối lượng dầu thô nhập khẩu trong tháng 1/2021 so với cuối năm 2020. Các nhà máy lọc dầu tư nhân đã bắt đầu sử dụng hạn ngạch nhập khẩu cho năm 2021, nhờ đó nhập khẩu dầu thô của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể tăng.

Hoạt động nhập khẩu dầu thô theo hạn ngạch đã chững lại vào cuối năm 2020, vì trước đó nhiều nhà máy lọc dầu đã cố gắng tận dụng thời điểm giá dầu chạm đáy nhiều năm để tích trữ dầu thô giá rẻ và dùng hết hạn ngạch cho năm 2020.

Theo oilprice.com, hoạt động nhập khẩu dầu của Trung Quốc trong tháng 1 năm nay đã hỗ trợ nhu cầu dầu tại thời điểm mà châu Âu và một số thành phố tại Trung Quốc phải phong tỏa và gây áp lực cho thị trường năng lượng thế giới.

Tuy nhiên, dầu thô mà Trung Quốc nhập khẩu trong tháng đầu năm 2021 đã được mua từ tháng 10 hoặc 11 năm ngoái, khi giá dầu chỉ neo quanh mức 40 USD/thùng.

Hiện tại, khi giá dầu Brent dao động quanh mốc 65 USD/thùng, nhu cầu dầu thô của châu Á, trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ, đã chững lại đáng kể. Trong vài năm qua, hai nước này chính là động lực tăng trưởng quan trọng bậc nhất của thị trường dầu thô.

Ngoài ra, nhiều nhà máy lọc dầu của Trung Quốc sẽ bắt đầu bảo dưỡng theo kế hoạch trong hai tháng 3 và 4 năm nay. Điều này có thể làm giảm nhu cầu dầu thô của thị trường tỷ dân này trong quý II.

"Nhu cầu dầu thô hiện nay tăng rất chậm và chúng tôi có nhiều nguồn cung để lựa chọn", Reuters dẫn lời một nhân viên nhà máy lọc dầu tại Trung Quốc cho hay hồi tuần trước.

Trung Quốc cũng được cho là đã gần đạt đến giới hạn công suất trữ dầu và sẽ không hợp lý nếu họ mua thêm dầu thô khi giá đang ngót nghét hơn 60 USD/thùng và vào mùa xuân năm ngoái Trung Quốc từng tranh thủ gom hàng ở mức 20 - 30 USD/thùng.

Ấn Độ không vui khi giá dầu neo cao

Ấn Độ - nhà nhập khẩu dầu thô lớn thứ ba thế giới, cũng đang bồn chồn khi giá dầu tăng cao hơn trong những tuần gần đây. 80% khối lượng dầu thô mà Ấn Độ tiêu thụ là hàng nhập khẩu.

Đầu tuần này, Ấn Độ đã kêu gọi liên minh OPEC+ tăng cung từ tháng 4 và phản đối việc "cố tình hạ sản lượng để giữ cho giá dầu tăng".

Khi giá dầu thô chạm đỉnh 13 tháng, Ấn Độ đã bắt đầu tác động OPEC+ ngay từ tháng 1 để liên minh dầu mỏ xem xét tác động của giá dầu tăng cao với hoạt động tiêu dùng ở các nền kinh tế đang phục hồi từ đại dịch COVID-19.

Nhà đầu tư ham lợi nhuận?

Nhu cầu dầu thô của các thị trường nhập khẩu hàng đầu châu Á chắc chắn đang cao hơn so với mức thấp ở thời điểm đầu của đại dịch, song không phải là động lực duy nhất của giá dầu giao sau những ngày qua.

Khá nhiều quan chức trong ngành, từ Tổng thư ký OPEC Mohammad Barkindo đến công ty dầu mỏ lớn nhất thế giới Saudi Aramco, lạc quan rằng nhu cầu dầu thô của châu Á đang phục hồi.

Nhu cầu năng lượng của châu Á quả thực có cải thiện, nhưng đà tăng trên thị trường mua bán hợp đồng tương lai có thể đang che lấp một sự thật khác: nhu cầu dầu thô vật chất thực tế có lẽ đang đi xuống.

Nguồn cung dầu thô bị siết chặt và kỳ vọng nhu cầu sẽ tăng mạnh vào nửa cuối năm 2021 đã gây ra tình trạng bù hoãn bán (backwardation) trên thị trường dầu mỏ. Tức là, giá giao ngay của dầu thô cao hơn giá đang được giao dịch trên thị trường tương lai. Nhà đầu tư có thể tận dụng bù hoãn bán để kiếm lợi nhuận bằng cách mở vị thế bán ở giá giao ngay và mở vị thế mua với giá thấp hơn ở thị trường tương lai.

Ngoài ra, hợp đồng dầu thô tương lai còn được cho là hàng rào chống lại lạm phát nên nhà đầu tư và giới đầu cơ có thể đang cố tình đẩy giá giao dịch ở thị trường tương lai tăng cao nhằm hưởng lợi. Thực trạng này chưa chắc chỉ ra nhu cầu dầu thô vật chất thực tế.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Khả Nhân