|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Thị trường chứng khoán 31/10: Áp lực bán cuối phiên, VN-Index rơi khỏi mốc 1.000 điểm

10:06 | 31/10/2019
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán phiên cuối tháng 10 giao dịch khởi sắc trong phiên sáng sau khi Fed ra quyết định cắt giảm lãi suất, tuy nhiên áp lực bán tại vùng kháng cự tâm lí 1.000 điểm khiến VN-Index quay đầu giảm điểm về cuối phiên.

Xem thêm: Thị trường chứng khoán ngày 1/11

Kết phiên, VN-Index giảm 2,07 điểm (0,21%) xuống 998,82 điểm; HNX-Index giảm 0,66% xuống 105,19 điểm; UPCoM-Index giảm 0,05% xuống 56,23 điểm.

Áp lực bán duy trì đến cuối phiên khiến các chỉ số đều đóng cửa trong sắc đỏ, VN-Index theo đó cũng rơi khỏi mốc 1.000 điểm. Thị trường bị sắc đỏ chi phối với 391 mã giảm giá so với 195 mã tăng giá, còn lại 117 mã đóng đứng giá tham chiếu.

Thanh khoản thị trường tăng mạnh về cuối phiên với giá trị giao dịch 4.562 tỉ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận trên HOSE 886,7 tỉ đồng. Hai cổ phiếu "họ FLC cũng đóng góp thanh khoản đáng kể với giá trị hơn 700 tỉ đồng.

Cổ phiếu VNM là nguyên nhân chính khiến thị trường giảm điểm trong phiên hôm nay khi giảm 1,5% xuống 130.000 đồng/cp, cùng với đó các mã HPG, CTG, VRE, VCB, SAB, TCB, MBB, MWG tác động tiêu cực lên chỉ số. Ngược lại, hai cổ phiếu "họ Vingroup" gồm VIC và VHM góp phần giúp thị trường không giảm sâu.

Cổ phiếu "họ FLC" chịu áp lực bán mạnh với FLC, AMD, KLF giảm sàn; các mã còn lại ROS, GAB, HAI, ART đều đóng cửa trong sắc đỏ. Trong khi đó, nhóm Viettel ngược dòng thị trường giao dịch khởi sắc với VGI, VTP, CTR tăng giá, riêng VTK đóng cửa tại giá tham chiếu.

Tính đến 14h00, VN-Index giảm 2,14 điểm (0,21%) xuống 998,75 điểm; HNX-Index giảm 0,7% xuống 105,15 điểm; UPCoM-Index giảm 0,64% xuống 55,9 điểm.

Các cổ phiếu bluechips đồng loạt đảo chiều khiến VN-Index một lần nữa rơi khỏi mốc 1.000 điểm. Nhóm VN30 ghi nhận 17 mã giảm giá, trong đó cổ phiếu VNM giảm mạnh nhất với 2,3% xuống còn 129.000 đồng.

Các cổ phiếu ngân hàng cũng lần lượt quay đầu giảm giá, hiện chỉ còn HDB và BID giữ được sắc xanh. Trong khi đó, hai cổ phiếu "họ Vingroup" là VIC và VHM vẫn đóng vai trò nâng đỡ giúp thị trường không giảm sâu.

Cổ phiếu "họ FLC" gồm ART, KLF, AMD, FLC, HAI đồng loạt giảm sàn, trong khi ROS cũng giảm 0,4%.

Tạm dừng phiên sáng, VN-Index tăng 0,88 điểm (0,09%) lên 1.001,77 điểm; HNX-Index giảm 0,23% xuống 105,65 điểm; UPCoM-Index giảm 0,3% xuống 56,09 điểm.

Phiên giao dịch buổi sáng diễn ra giằng co khi VN-Index kiểm định lại mốc 1.000 điểm, áp lực bán diễn ra tại hầu hết các nhóm cổ phiếu với 210 mã tăng giá, 305 mã giảm giá và 165 mã đứng giá tham chiếu.

Sau phiên tăng đột biến hôm qua, thanh khoản thị trường tiếp tục duy trì ở mức trung bình với 216,7 triệu đơn vị giao dịch, tương ứng giá trị 2.347 tỉ đồng; trong đó giao dịch thỏa thuận trên HOSE ở mức 290,2 tỉ đồng.

Cổ phiếu "họ Vingroup" là động lực giúp thị trường tăng điểm trong sáng nay, cùng với một số cổ phiếu vốn hóa lớn như VCB, MSN, BVH, TCB, CTG, SAB, BID, FPT trong khi đó cổ phiếu VNM tiếp tục giảm 1,3% sau khi công bố kết quả kinh doanh không được như kì vọng.

Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có công văn yêu cầu không thực hiện chào bán cổ phiếu ra công chúng của CTCP Tập đoàn FLC (Mã: FLC). Tập đoàn FLC cũng cho rằng thị trường chứng khoán gần đây diễn biến không thuận lợi, có khả năng ảnh hưởng tới thành công của đợt chào bán và do vậy đã hủy danh sách cổ để thực hiện quyền mua cổ phiếu phát hành thêm

Ngay lập tức, cổ phiếu FLC quay đầu giảm sàn trong phiên giao dịch sáng nay với khối lượng khớp lệnh hơn 20 triệu đơn vị và còn dư bán sàn gần 8,4 triệu đơn vị. Hiệu ứng tiêu cực cũng lan rộng sang các cổ phiếu nhóm này với KLF giảm sàn, các mã ROS, AMD, HAI, ART, GAB cũng chìm trong sắc đỏ.

Tính đến 10h40, VN-Index tăng 0,46 điểm (0,05%) lên 1.001,35 điểm; HNX-Index giảm 0,22% xuống 105,66 điểm; UPCoM-Index giảm 0,28% xuống 56,1 điểm.

Áp lực chốt lời tại vùng kháng cự tâm lí quanh mốc 1.000 điểm khiến thị trường giao dịch chững lại, đà tăng của chỉ số theo đó cũng bị thu hẹp dần.

Cổ phiếu họ FLC tiếp tục bị bán mạnh, riêng mã FLC hiện giảm sàn (6,9%) xuống 4.750 đồng/cp với khối lượng khớp lệnh gần 20 triệu đơn vị, trong khi các mã còn lại GAB, ROS, HAI, ART, AMD, KLF đều chìm trong sắc đỏ.

Trong khi đó, cổ phiếu họ Viettel giao dịch tích cực với cả 4 mã VGI, VTK, CTR, VTP đều tràn ngập sắc xanh.

Tính đến 9h30, VN-Index tăng 2,6 điểm (0,26%) lên 1.003,49 điểm; HNX-Index tăng 0,15% lên 106,05 điểm; UPCoM-Index tăng 0,27% lên 56,41 điểm.

Rạng sáng 31/10 theo giờ Việt Nam, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã ra quyết định cắt giảm 0,25% lãi suất cơ bản. Đây là lần thứ ba Fed cắt giảm lãi suất cơ bản kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra trong giai đoạn 2007-2008. Trước đó, tại hai cuộc họp diễn ra vào ngày 31/7 và 18/9, Fed cũng đã cắt giảm lãi suất với cùng một mức 0,25%.

Phản ứng tích cực với thông tin trên, thị trường chứng khoán trong nước diễn biến khởi sắc ngay từ đầu phiên với động lực yếu đến từ nhóm ngân hàng, "họ Vingroup" và một số cổ phiếu vốn hóa lớn. Cụ thể, cổ phiếu VCB đóng góp nhiều nhất cho chỉ số, theo sau là VHM, MSN, BID, VIC, GAS, SAB, CTG, TCB và VRE.

Nhóm bất động sản giao dịch sôi động với nhiều mã tăng giá, đặc biệt là các mã đầu cơ như HUT, IDJ, QCG, C4G, SCR, NBB, LGL, IJC, NTL, SDI, DXG. Nhóm dầu khí cũng ghi nhận sắc xanh tại các mã BSR, POW, PXS, OIL, PVD, GAS, PLX.

Trong khi đó, cổ phiếu "họ FLC" đồng loạt quay đầu điều chỉnh, dẫn đầu đà giảm là FLC giảm 5,1% xuống còn 4.810 đồng/cp, cùng với đó các mã ART, AMD, HAI, ROS, GAB cũng chìm trong sắc đỏ.

Trên thị trường thế giới, chứng khoán Mỹ ngày 30/10 tràn ngập sắc xanh khi nhà đầu tư ăn mừng quyết định hạ lãi suất lần thứ ba trong năm nay của Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Chủ tịch Jerome Powell cũng ra tín hiệu sẽ không sớm tăng lãi suất trở lại.

Chỉ số S&P 500 kết phiên tăng 0,33% lên đỉnh cao mới trong lịch sử 3.046,77 điểm. Mức đỉnh cũ là 3.036,89 điểm của phiên 28/10.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 115,27 điểm (tương đương 0,43%) lên 27.186,69 điểm. Nasdaq Composite kết phiên cũng tăng 0,33% lên 8.303,98 điểm.

Sơn Tùng

Chủ tịch Sacombank: Tôi không liên quan gì bà Trương Mỹ Lan, Vạn Thịnh Phát
Người đứng đầu ngân hàng nói rằng tất cả tin đồn ảnh hưởng đến ông sẽ ảnh hưởng đến Sacombank, từ đó chắc chắn ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông.