|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Thị trường chứng khoán 23/4: VN-Index tăng gần 5 điểm, họ Viettel bứt phá

10:09 | 23/04/2020
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán phiên 23/4 tiếp tục tăng điểm sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết định ngừng cách li xã hội kể từ ngày 23/4.

Kết phiên, VN-Index tăng 4,99 điểm (0,65%) lên 773,91 điểm; HNX-Index tăng 0,16% lên 106,97 điểm; UPCoM-Index tăng 0,51% lên 51,74 điểm.

Xem thêm: Thị trường chứng khoán 24/4

Xu hướng giằng co vẫn tiếp diễn đến cuối phiên, theo đó thanh khoản thị trường giảm sút đáng kể trong phiên chiều. Khối lượng giao dịch cả phiên đạt 275,9 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 4.029 tỉ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận trên HOSE là nguyên nhân chính khiến thanh khoản thị trường giảm, với chỉ 371 tỉ đồng.

Các cổ phiếu vốn hóa lớn HPG, SAB, GAS, VRE giao dịch tích cực giúp thị trường tăng điểm, trong khi đó VPB, VNM và các mã ngân hàng HDB, EIB, CTG, STB, VCB tác động tiêu cực lên chỉ số.

Nhóm bán lẻ và hàng không diễn biến khởi sắc nhờ kì vọng các doanh nghiệp hoạt động ổn định trở lại sau khi hết thời hạn giãn cách xã hội. Nhóm dầu khí cũng khởi sắc sau sự hồi phục của giá dầu. Cổ phiếu họ Viettel giao dịch bứt phá và đều tăng trở lại vùng giá trước dịch.

Tính đến 14h00, VN-Index tăng 5,42 điểm (0,7%) lên 774,34 điểm; HNX-Index tăng 0,14% lên 106,95 điểm; UPCoM-Index tăng 0,25% lên 51,61 điểm.

Cổ phiếu "họ Viettel" giao dịch bứt phá với sắc xanh tràn ngập tại cả 3 mã VTK, VTP, VGI, CTR; trong đó cổ phiếu VTK tăng hơn 11%.

Nhóm bán lẻ cũng diễn biến khởi sắc khi thời gian cách li xã hội kết thúc, các cửa hàng đã mở cửa trở lại. Cổ phiếu FRT tiếp tục tăng kịch trần lên 21.600 đồng/cp. Hai mã PNJ, MWG tăng trên 1%.

Tạm dừng phiên sáng, VN-Index tăng 5,55 điểm (0,72%) lên 774,47 điểm; HNX-Index tăng 0,26% lên 107,08 điểm; UPCoM-Index tăng 0,19% lên 51,58 điểm.

Thị trường diễn biến giằng co đến hết phiên sáng với xu hướng tăng điểm vẫn giữ chủ đạo. Độ rộng thị trường cũng tích cực với 362 mã tăng giá, 230 mã giảm giá. Thanh khoản duy trì ở mức 2.400 tỉ đồng, trong đó phần lớn là giao dịch khớp lệnh.

Cổ phiếu VHM đóng góp nhiều nhất vào mức tăng của VN-Index với mức tăng 2,1%, cùng với đó là các mã SAB, GAS, HPG, VIC. Ngược lại, cổ phiếu VNM giảm 1,5% là nguyên nhân chính khiến đà tăng thị trường bị thu hẹp.

Nhóm hàng không giao dịch khởi sắc khi các hãng hàng không chính thức khai thác trở lại nhiều đường bay. Bộ đôi HVN, VJC tăng trên 1% trong khi ACV tăng 3,6%.

Nhóm thép, ngân hàng, khu công nghiệp, cao su cũng diễn biến sôi động sau kết quả kinh doanh quí I tăng trưởng. Trong khi đó, nhóm dệt may bắt đầu suy yếu khi nhiều cổ phiếu lui về giá tham chiếu, hiện còn VGT giữ được sắc xanh.

Tính đến 10h40, VN-Index tăng 6,54 điểm (0,85%) lên 775,46 điểm; HNX-Index tăng 0,35% lên 107,17 điểm; UPCoM-Index tăng 0,29% lên 51,63 điểm.

Sau những phút khởi sắc, áp lực bán quay trở lại khiến đà tăng thị trường thu hẹp đáng kể. Các cổ phiếu VNM, VCB, VPB, HDB giao dịch kém sắc, tác động tiêu cực lên chỉ số; trong khi đó HPG, GAS, SAB, BVH bứt phá và giao dịch tại vùng giá cao nhất phiên.

Tính đến 9h40, VN-Index tăng 11,73 điểm (1,53%) lên 780,65 điểm; HNX-Index tăng 1,18% lên 108,16 điểm; UPCoM-Index tăng 0,74% lên 51,86 điểm.

Các chỉ số đồng loạt tăng mạnh ngay từ khi mở cửa, VN-Index theo đó lấy lại mốc 780 điểm. Động lực chính đến từ các mã vốn hóa lớn nhu VIC, SAB, VHM, VCB, BID, GAS, CTG. Riêng cổ phiếu "họ Vingroup" đóng góp hơn 3 điểm cho thị trường với VIC tăng 1,6%; VHM và VRE tăng lần lượt 2,6% và 2,3%.

Nhóm thép tiếp tục sôi động sau kết quả kinh doanh tích cực của các doanh nghiệp được công bố. Cổ phiếu HSG tăng kịch trần 2 phiên liên tiếp, HPG tăng 4,3% lên 21.700 đồng/cp.

Nhóm dầu khí cũng khởi sắc trở lại sau khi giá dầu thô phục hồi 19%. Cổ phiếu PXS tăng kịch trần; các cổ phiếu OIL BSR, GAS, PVS, PVC đều tăng trên 2%.

Các nhóm ngân hàng, hàng không, bất động sản, chứng khoán, thủy sản, dệt may nhìn chung đều giao dịch tích cực. Toàn thị trường ghi nhận hơn 400 mã tăng giá, trong đó 40 mã tăng kịch trần.

Thống kê mới đây cho thấy, tại thời điểm cuối tháng 3, giá trị cho vay kí quĩ (margin) tại hầu hết các công ty chứng khoán đều sụt giảm so với cuối năm 2019. Tổng giá trị cho vay margin tại 25 CTCK đã giảm 6.450 tỉ đồng.

Với sự tham gia mạnh mẽ của dòng tiền nội trong thời gian vừa qua, chủ yếu là dòng tiền mới và ít sử dùng margin, áp lực bán ròng của khối ngoại đã giảm đi đáng kể, theo đó VN-Index hiện đã lấy lại mốc 780 điểm.

Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 22/4 đồng loạt khởi sắc khi giá dầu thô quốc tế tăng trở lại. Kết quả kinh doanh khả quan của nhiều doanh nghiệp cũng cải thiện tâm lí nhà đầu tư.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 457 điểm, tương đương 2%, và đóng cửa ở 23.476 điểm. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite tăng lần lượt 2,3% và 2,8%.

Sơn Tùng