|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Thị trường chứng khoán 22/1: HNG giá trần, VN-Index lùi về gần mốc 905 trước lực bán tăng mạnh

15:06 | 22/01/2019
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán 22/1, diễn biến phân hóa khiến các chỉ số giằng co mạnh. Nhóm cổ phiếu được lọt vào rổ VN30 tăng mạnh trong khi các mã bị loại giảm điểm. Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 98,8 tỉ đồng toàn thị trường, tập trung vào EIB, STB, DXG.
thi truong chung khoan 221 hng gia tran vn index lui ve gan moc 905 truoc luc ban tang manh Nhận định thị trường chứng khoán 22/1: Tăng nhẹ trước ngưỡng kháng cự 915-920 điểm
thi truong chung khoan 221 hng gia tran vn index lui ve gan moc 905 truoc luc ban tang manh Thị trường chứng khoán 23/1: Bluechip hồi phục, VN-Index vẫn gặp khó trước thử thách 910 điểm

Kết phiên, VN-Index giảm 4,5 điểm (0,49%) xuống 906,55 điểm; HNX-Index giảm 0,8% xuống 102,54 điểm; UPCoM-Index tăng 0,92% lên 53,86 điểm.

thi truong chung khoan 221 hng gia tran vn index lui ve gan moc 905 truoc luc ban tang manh
Thị trường chứng khoán phiên 22/1. Nguồn: Vietstock Finance

Toàn thị trường ghi nhận 252 mã tăng, 321 mã giảm và 147 mã tham chiếu. Thanh khoản cải thiện khi khối lượng giao dịch đạt 187,7 triệu đơn vị, tương ứng 3.266 tỉ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận trên HOSE khoảng 29,8 triệu đơn vị, tương ứng 617 tỉ đồng. Đáng chú ý, EIB tiếp tục được thỏa thuận gần 8 triệu đơn vị với mức giá 14.000 đồng/cp, tương ứng 110 tỉ đồng.

Hai sàn tiếp tục giảm sâu vào cuối phiên chiều khi áp lực bán tăng mạnh. Sắc xanh thu hẹp tại các nhóm cổ phiếu. Số ít mã bất động sản trụ vững như DXG, NLG, KDH, PDR, trong khi ITA giảm sàn, CII và CTD mất hơn 4%.

Nhóm dầu khí phân hóa rõ nét với PVO tăng 4,7%, BSR, PVD tăng dưới 1%, OIL, GAS, PLX ghi nhận sắc đỏ. Sáng ngày 22/1, tại phiên xử vụ án tại Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, đại diện Viện kiểm sát (VKS) cho biết, hành vi nhận tiền của các bị cáo đủ yếu tố cấu thành tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản nên đề nghị HĐXX tuyên 4 cựu lãnh đạo BSR mức án 5 - 9 năm tù.

Trong khi đó, TIS đại diện nhóm thép đảo chiều tăng 1,9%. Nhóm thủy sản ghi nhận ACL tăng trần, ABT bứt phá 4,7%, HVG, ANV lấy lại sắc xanh với mức tăng trên 2,4%.

Các mã họ FLC chỉ còn ART tăng trần, AMD tăng 1%, các mã còn lại đều giảm điểm.

Tính đến 14h, VN-Index giảm 1,65 điểm (0,18%) xuống 909,4 điểm; HNX-Index giảm 0,47% xuống 102,88 điểm; UPCoM-Index tăng 0,78% lên 53,79 điểm. Lực bán tăng mạnh trong phiên chiều khiến hai sàn lao dốc nhanh chóng. Nhóm VN30 ghi nhận sắc xanh khá yếu ớt, dẫn đầu là SBT tăng 1,3%. Ngược lại, CTD, CII, PLX giảm hơn 3%. Đáng chú ý, HNG ngược dòng thị trường tăng kịch trần cùng ART-KLF, ACL. Các nhóm ngành đều giao dịch tiêu cực.

Tạm dừng phiên sángVN-Index tăng 1,1 điểm (0,12%) lên 912,15 điểm. Ngược lại, HNX-Index giảm 0,22% xuống 103,14 điểm; UPCoM-Index tăng 0,47% lên 53,62 điểm.

Toàn thị trường ghi nhận 225 mã tăng, 252 mã giảm và 142 mã tham chiếu. Thanh khoản toàn thị trường còn rất thấp khi khối lượng giao dịch đạt 99 triệu đơn vị, tương đương 1.702 tỉ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận trên HOSE khoảng 12 triệu đơn vị, tương ứng 259 tỉ đồng.

Thị trường rung lắc dữ dội do bluechip phân hóa mạnh. Trong khi CTG, VHM, VNM, BID, HDB cố gắng giữ nhịp tích cực thì PLX, VRE, BVH, NVL, GAS lại kéo tụt chỉ số. Nhóm ngân hàng với EIB tăng mạnh 6,8%, theo sau là CTG với 2,3%.

Nhóm bất động sản, xây dựng với NVT tăng trần, OGC, DXG, VHM, KDH, HBC giao dịch tích cực nhưng hầu hết các mã còn lại đều chìm trong sắc đỏ. Không khả quan hơn, HPG là đại diện duy nhất của nhóm thép giữ vững sắc xanh trong phiên sáng.

Như vậy, nhóm cổ phiếu sắp lọt rổ VN30 (EIB, HDB, VHM) tăng tích cực, riêng TCB có đảo chiều giảm nhẹ cuối phiên sáng. Ngược lại, nhóm bị loại (HSG, KDC, PLX) đồng loạt giảm, riêng BMP tăng nhẹ.

thi truong chung khoan 221 hng gia tran vn index lui ve gan moc 905 truoc luc ban tang manh
Diễn biến thị trường chứng khoán châu Á phiên sáng 22/1. Nguồn: CNBC

Các cổ phiếu ở thị trường chứng khoán châu Á giao dịch kém tích cực vào sáng thứ Ba trong bối cảnh lo ngại về triển vọng toàn cầu, đặc biệt sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cắt giảm dự báo kinh tế thế giới vào thứ Hai.

Tại khu vực Trung Quốc, Shanghai composite có thời điểm giảm gần 0,7%, Shenzen composite giảm 0,48%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm hơn 1%.

Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 và Topix giảm nhẹ lần lượt 0,66% và 0,2%. Cổ phiếu của chỉ số bán lẻ nhanh, công ty đứng sau chuỗi cửa hàng may mặc Uniqlo, giảm khoảng 0,3%. Kospi của Hàn Quốc mất 0,7% mặc dù tăng trưởng kinh tế của đất nước trong quý IV/2018 đạt được trên mức mong đợi.

Tính đến 10h40, VN-Index tăng 0,58 điểm (0,06%) lên 911,63 điểm; HNX-Index giảm 0,19% xuống 103,17 điểm; UPCoM-Index tăng 0,46% lên 53,62 điểm. Hai sàn vẫn giằng co với biên độ rộng quanh tham chiếu trong khi dòng tiền tích cực chảy vào UPCoM giúp chỉ số này tăng mạnh. Nhóm ngân hàng hiện dẫn đầu về thanh khoản thị trường, đại diện là CTG với hơn 5 triệu đơn vị khớp lệnh. Các nhóm ngành còn lại như chứng khoán (HCM, BSI, VND, VCI, CTS), dầu khí (GAS, PET) có phục hồi nhẹ. Đáng chú ý, cổ phiếu ART và KLF đều tăng trần.

Tính đến 9h40, VN-Index tăng 0,22 điểm (0,02%) lên 911,27 điểm; HNX-Index giảm 0,09% xuống 103,27 điểm; UPCoM-Index tăng 0,39% lên 53,58 điểm.

Thị trường tiếp tục phân hóa và giằng co mạnh dù một số doanh nghiệp báo cáo kết quả kinh doanh năm 2018 khởi sắc. Nhóm ngân hàng không còn là trụ đỡ cho VN-Index như phiên hôm trước (21/1) do HDB, CTG, TPB chỉ tăng nhẹ. Đáng chú ý, EIB tăng kịch trần lên 16.050 đồng/cp sau phiên thỏa thuận 329 tỉ đồng phiên trước.

Hôm qua, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) công bố sẽ thêm mới VHM, EIB, TCB, HDB vào rổ VN30. Các mã này đều giao dịch tích cực trong phiên sáng nay. TCB có thanh khoản hơn 1 triệu đơn vị trong khi HDB được nước ngoài mua ròng hơn 150.000 đơn vị. Trong khi đó, các mã HSG, PLX, KDC và BMP sẽ bị loại bỏ. Danh mục mới sẽ có hiệu lực từ ngày 11/2 và các quỹ cần hoàn thành tái cơ cấu danh mục trong ngày thứ 6 ngày 1/2.

Cổ phiếu bất động sản cũng kém tích cực khi QCG mất 3,5%, HQC, TCH, VRE, CII, VIC đều chìm trong sắc đỏ.

Nhóm thủy sản, dệt may, dầu khí cũng giao dịch tiêu cực. Số ít mã tăng nhẹ như ANV, TCM, PVO, POW. BSR cũng tăng trở lại sau khi giảm hơn 8% trong phiên 21/1 do xét xử một số lãnh đạo.

Hôm qua (21/1), thị trường tài chính Mỹ nghỉ lễ Martin Luther King.

Xem thêm

Nhật Huyền