Thị trường chứng khoán (21/9): Nhóm vốn hóa vừa và nhỏ hồi phục, VN-Index chỉ còn giảm gần 11 điểm
Kết phiên, VN-Index giảm 10,64 điểm (0,79%) còn 1.339,84 điểm, VN30-Index giảm 12,44 điểm (0,85%) còn 1.446,22 điểm, UPCoM-Index giảm 0,69 điểm (0,71%) còn 96,77 điểm.
Thị trường trải qua nhiều nhịp rung lắc trong phiên khiến nhà đầu tư không khỏi 'say sóng'. Điểm tích cực là đà giảm của VN-Index thu hẹp về cuối phiên nhờ áp lực bán chững lại ở nhóm vốn hóa lớn trong khi nhóm vốn hóa vừa và nhỏ hồi phục. Cuối phiên, VNMid và VNSmall lần lượt tăng 1,32 và 7,83 điểm.
Nhóm bất động sản là lực cản lớn nhất của thị trưởng với mức ảnh hưởng giảm gần 4 điểm. Các cổ phiếu chỉnh sâu có bộ ba mã VHM, VIC, VRE và GVR. Tuy nhiên, với xu hướng phân hóa mạnh của thị trường chung, một số cổ phiếu địa ốc vẫn tăng trần như HDC, SCR, HDG, nhiều mã giữ được sắc xanh tới cuối phiên như ITA, HQC, FLC và DIG.
Kế đến, nhóm ngân hàng cũng là một trong hai tác nhân chính khiến thị trường giảm mạnh. Ngoại trừ VCB, OCB, EVF kết phiên trên ngưỡng tham chiếu, KLB giữ giá không đổi, 23 mã còn lại đồng loạt chìm trong sắc đỏ.
Sàn HOSE hôm nay có 275 mã giảm giá, áp đảo so với 136 mã tăng giá và 36 mã đứng giá tham chiếu. Thanh khoản thị trường duy trì ở mức cao, song có phần yếu dần sau 14h00. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 1,18 tỷ đơn vị, tương ứng giá trị 29.754 tỷ đồng, giảm 5,5% so với phiên trước đó. Giao dịch khớp lệnh trên sàn HOSE hôm nay đạt trên 23.400 tỷ đồng.
Liên quan đến giao dịch khối ngoại, nhóm này đảo vị thế bán ròng gần 333 tỷ đồng trên HOSE hôm nay sau phiên mua ròng nhẹ đầu tuần.
Tính đến 13h40, VN-Index giảm 16,11 điểm (1,19%) còn 1.334,37 điểm, VN30-Index giảm 16,87 điểm (1,16%) còn 1.441,79 điểm.
Đà giảm có phần thu hẹp vào đầu phiên chiều với nhịp hồi nhẹ của nhóm vốn hóa vừa và lớn. Mặc dù sắc đỏ vẫn trùm lên trên diện rộng, độ rộng thị trường đã cải thiện hơn so với cuối phiên sáng.
Một số cổ phiếu ngành thép đang lấy lại sắc xanh như HSG, NKG, TLH. Tại nhóm dầu khi, PVD, PVS, TDG vẫn giao dịch khởi sắc bất chấp áp lực điều chỉnh chi phối các mã còn lại.
Tạm dừng phiên sáng, VN-Index giảm 18,19 điểm (1,35%) còn 1.332,29 điểm, HNX-Index giảm 3,5 điểm (0,98%) còn 355,37 điểm, UPCoM-Index giảm 1,45 điểm (1,49%) còn 96 điểm.
Thị trường chứng khoán rơi mạnh hơn về cuối phiên, có thời điểm VN-Index bốc hơi hơn 25 điểm, tuy nhiên đã giảm đã được hãm lại nhờ lực cầu bắt đáy nhập cuộc.
Áp lực bán dâng cao tại tất cả các nhóm cổ phiếu khiến thị trường đánh mất động lực hồi phục từ giữa phiên sáng. Sắc xanh của các trụ chính như DGC, MWG, OCB, VIB, NKG không thể giúp thị trường tránh khỏi phiên giảm sâu.
Chiều ngược lại, VHM chính là mã ảnh hưởng tiêu cực nhất lên VN-Index khi lấy đi 2,8 điểm của chỉ số. Dừng phiên sáng, mã này rơi về vùng đáy ngắn hạn tại 77.400 đồng/cp. Bên cạnh đó, GVR, VIC, HPG và GAS cũng là cản chính của thị trường phiên sáng nay.
Tại nhóm VN30, chỉ có hai cổ phiếu giữ được sắc xanh đến cuối phiên là MWG và BVH, một mã giữ giá tham chiếu là MSN, các cổ phiếu còn lại đồng loạt giảm điểm.
Diễn biến theo các nhóm ngành, sắc đỏ trùm lên thị trường với áp lực bán mạnh nhất tại hai nhóm bất động sản và ngân hàng. Với tín hiệu kém sắc của thị trường chúng, khối ngoại quay đầu bán ròng 133 tỷ đồng trên HOSE phiên sáng nay với áp lực bán mạnh đặt lên FUEVFVND (82 tỷ đồng), HPG (62,6 tỷ đồng), VIC (29,4 tỷ đồng)...
Thanh khoản thị trường cũng được đẩy lên cao với 19.196 tỷ đồng, tương đương gần 780 triệu đơn vị cổ phiếu được giao địch. Trong đó giá trị giao dịch trên HOSE vượt 15.100 tỷ đồng, tăng 12,3% so với phiên trước và tăng tới 25,5% so với giá trị trung bình trong một tháng trở lại đây.
Tính đến 10h40, VN-Index giảm 12,5 điểm (0,93%) xuống 1.337,98 điểm, VN30-Index giảm 12,1 điểm (0,83% còn 1.446,56 điểm.
Áp lực chốt lời tại ngưỡng kháng cự 1.345 điểm khiến VN-Index lùi bước và đánh mất đà hồi phục tích cực. Chỉ số lại tiếp tục giảm sâu và các trụ đỡ chính như DGC, MWG, OCB, MSN và VIB lần nữa tỏ ra yếu thế trước đà chỉnh sâu của hai cổ phiếu họ Vingroup là VHM và VIC.
Tính đến 9h55, VN-Index giảm 4,5 điểm (0,33%) còn 1.345,98 điểm, VN30-Index giảm 3,53 điẻm (0,24%) còn 1.455,13 điể.
Đà giảm được thu hẹp đáng kể nhờ sự hồi phục của các dòng cổ phiếu. Tính đến hiện tại VN30-Index chỉ còn giảm hơn 3,5 điểm, VNMid hồi về gần tham chiếu trong khi VNSmall cũng chỉ còn giảm gần 7 điểm.
Tính đến 9h40, VN-Index giảm 13,49 điểm (1%) còn 1.336,99 điểm, HNX-Index giảm 0,64% còn 356,57 điểm, UPCoM-Index giảm 0,89% còn 96,59 điểm.
Thị trường chứng khoán Việt Nam rơi vào cảnh bán tháo ngay đầu phiên sáng với việc VN-Index rơi hơn 15 điểm khi mở cửa. Bên cạnh áp lực chốt lời gia tăng, có thể thấy việc thị trường thế giới giảm mạnh phần nào ảnh hưởng tiêu cực đến trạng thái giao dịch của nhà đầu tư trong nước.
Với lực cầu đối ứng nhập cuộc, thị trường đang dần ổn định với đà giảm đang được thu hẹp. Lúc này, các trụ đỡ chính của thị trường là VIB, MWG, SAM, DGC, TGG, trong khi áp lực giảm của VHM, VCB, VIC, GVR, HPG gây áp lực lên chỉ số chung.
Tại nhóm VN30, duy nhất MWG xanh nhẹ, các mã còn lại trong rổ đồng loạt giao dịch dưới ngưỡng tham chiếu. Sắc đỏ gần như phủ lên toàn bộ các nhóm ngành, trừ nhom điện tử & thiết bị điện, thiết bị & dịch vụ y tế xanh nhẹ.
Với lực cung áp đảo, độ rộng thị trường nghiêng hẳn về bên bán với 325 mã giảm, 55 mã tăng và 33 mã đứng giá tham chiếu. Theo quan sát, phần lớn số mã đang giao dịch trên tham chiếu thuộc dòng cổ phiếu đầu cơ.
Trở lại với diễn biến quốc tế, thị trường chứng khoán Mỹ chìm trong sắc đỏ phiên đầu tuần 20/9 khi nhà đầu tư lo lắng về nguy cơ tập đoàn bất động sản khổng lồ Evergrande phá sản, Fed rút bớt nới lỏng tiền tệ, số ca COVID-19 tăng cao ...
Chỉ số S&P 500 mất 1,7%, đóng cửa ở gần 4.358 điểm. Đây là phiên giảm sâu nhất của chỉ số này kể từ ngày 12/5, tức là hơn 4 tháng trước. Tất cả 11 nhóm cổ phiếu thành phần đều kết phiên dưới tham chiếu.
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 614 điểm, tương đương 1,8%, và đóng cửa ở 33.970 điểm, ghi nhận phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 19/7. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite cũng sụt 2,2% còn 14.714 điểm.