|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Thị trường chứng khoán 16/3: VN-Index giảm gần 14 điểm, cổ phiếu họ FLC ngược dòng tăng kịch trần

10:17 | 16/03/2020
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán phiên đầu tuần quay đầu giảm điểm sau khi Fed đột ngột hạ lãi suất về 0% và bơm tiền 700 tỉ USD vì COVID-19.

Kết phiên, VN-Index giảm 13,92 điểm (1,83%) xuống 747,86 điểm; HNX-Index giảm 1,74% xuống 99,62 điểm; UPCoM-Index giảm 0,67% xuống 50,15 điểm.

Xu hướng tiêu cực tiếp tục chiếm ưu thế đến cuối phiên, VN-Index theo đó rơi khỏi mốc 750 điểm. Thị trường bị sắc đỏ chi phối với 387 mã giảm giá so với 304 mã tăng giá, còn lại 127 mã đứng giá tham chiếu.

Thanh khoản thị trường giảm so với những phiên cuối tuần trước nhưng vẫn giữ ở mức cao. Khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt 360,2 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 5.382 tỉ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận trên HOSE chiếm 1.448 tỉ đồng.

Hàng loạt cổ phiếu bluechips giảm sâu, trong đó PNJ, VPB, SBT giảm sàn. Các cổ phiếu ngân hàng CTG, BID, HDB, VCB cũng mất hơn 5%. Trong khi đó, họ Vingroup hồi phục đáng kể về cuối phiên khi VIC đóng cửa tại giá tham chiếu; VHM và VRE còn giảm 0,3% và 2,1%.

Họ FLC duy trì sự khởi sắc đến hết phiên với ART, HAI, AMD, KLF tăng kịch trần. Các cổ phiếu nhóm Viettel VGI, VTK, VTP, CTR và nhóm cao su, cảng biển, thép cũng ghi nhận sắc xanh.

Các cổ phiếu penny nhóm bất động sản giao dịch sôi động, hàng loạt mã tăng kịch trần như C4G, L14, L35, IDJ, QCG, NTL, VRC, trong đó cổ phiếu QCG tăng trần 13 phiên liên tiếp.

Tính đến 14h00, VN-Index giảm 16,06 điểm (2,11%) xuống 745,72 điểm; HNX-Index giảm 1,26% xuống 100,1 điểm; UPCoM-Index giảm 0,51% xuống 50,23 điểm.

Sang phiên chiều, áp lực bán quay trở lại khiến các chỉ số lại quay đầu giảm sâu. Nhiều mã VN30 giảm trên 5% như HDB, VRE, PNJ, VPB, CTG. Trong khi đó, cổ phiếu thép ghi nhận sự hồi phục với DTL, DNY tăng kịch trần, các mã HPG, HSG, TVN đều lấy lại sắc xanh.

Tạm dừng phiên sáng, VN-Index giảm 8,5 điểm (1,12%) xuống 953,28 điểm; HNX-Index giảm 0,19% xuống 101,19 điểm; UPCoM-Index giảm 0,46% xuống 50,26 điểm.

Thị trường tiếp tục hồi phục về cuối phiên sáng, dù vậy xu hướng giảm giá vẫn áp đảo. Toàn thị trường ghi nhận 294 mã tăng giá, 320 mã giảm giá và 112 mã đứng giá tham chiếu. Áp lực bán suy giảm khi thanh khoản thị trường giảm xuống 2.455 tỉ đồng, trong đó riêng giao dịch thỏa thuận trên HOSE chiếm 609 tỉ đồng.

Tâm điểm thị trường trong phiên sáng ghi nhận tại nhóm FLC với nhiều mã tăng kịch trần, sự sôi động cũng lan tỏa sang các cổ phiếu penny khác như FIT, CCL, DST, JVC. Các nhóm dầu khí, dệt may, cao su, khu công nghiệp cũng dần hồi phục về cuối phiên sáng.

Ngược lại, các cổ phiếu vốn hoán lớn vẫn chịu áp lực bán khiến thị trường giảm điểm. Nhóm VN30 ghi nhận 25 mã giảm giá, tập trung chủ yếu tại các mã ngân hàng VCB, CTG, MBB, VPB, TCB. Cổ phiếu VIC giảm sâu đầu phiên đã hồi phục lên mức giá 92.300 đồng/cp, trong khi hai mã VHM, VRE còn giảm trên 3%.

Tính đến 10h40, VN-Index giảm 9,49 điểm (1,25%) xuống 952,29 điểm; HNX-Index giảm 0,07% xuống 101,31 điểm; UPCoM-Index giảm 0,38% xuống 50,3 điểm.

Cổ phiếu dầu khí lần lượt hồi phục, dẫn đầu là BSR tăng 4,5% lên 7.000 đồng/cp; hai mã GAS và PLX tăng gần 4%. Đà tích cực cũng diễn ra tại nhiều nhóm cổ phiếu giúp VN-Index lấy lại mốc 950 điểm.

Nhóm penny giao dịch sôi động với hàng loạt mã tăng trần, điển hình là các cổ phiếu họ FLC và QCG, DST, CCL, FIT, TSC, JVC. Tính đến sáng nay, cổ phiếu QCG đã có 13 phiên tăng trần liên tiếp.

Tính đến 9h40, VN-Index giảm 19,5 điểm (2,56%) xuống 742,28 điểm; HNX-Index giảm 1,16% xuống 100,22 điểm; UPCoM-Index giảm 0,59% xuống 50,19 điểm.

Sau phiên hồi phục cuối tuần trước, thị trường chứng khoán lại tiếp tục lao dốc ngay khi mở cửa phiên giao dịch đầu tuần này. Dù vậy, đà bán tháo không còn diễn ra mạnh khi số mã giảm giá đã ít hơn, đồng thời thanh khoản cũng giữ ở mức thấp.

Họ Vingroup tạo áp lực mạnh nhất lên thị trường. Cổ phiếu VIC giảm 5,7% xuống 87.200 đồng/cp; là mã giảm sâu thứ 2 nhóm VN30 sau SBT giảm sàn. Hai cổ phiếu VHM, VRE cũng mất lần lượt 4,9% và 1,2%.

Áp lực giảm điểm cũng đến từ nhóm ngân hàng với hàng loạt cổ phiếu chìm trong sắc đỏ, tuy nhiên một số mã vẫn ngược dòng giao dịch tích cực như BID, VIB, TPB hay LPB. Các nhóm cổ phiếu dầu khí, chứng khoán, bất động sản nhìn chung đều giao dịch kém sắc.

Trong khi đó, họ FLC tiếp tục là điểm sáng thị trường khi các cổ phiếu ART, HAI, AMD, KLF đồng loạt tăng trần; trong đó AMD đã có phiên tăng trần thứ 11 liên tiếp. Riêng mã ROS dò đáy mới 5.120 đồng/cp khi giảm 3,4%.

Cổ phiếu AAA tăng kịch trần sau khi Nhựa An Phát Xanh công bố muốn mua lại gần 26 triệu cổ phiếu quĩ, đồng thời có kế hoạch phát triển KCN diện tích 180 ha trong năm 2020. An Phát Holdings, công ty mẹ của Nhựa An Phát Xanh cũng đã nộp hồ sơ niêm yết lên HOSE.

Thị trường chứng khoán Mỹ ngày cuối tuần trước diễn biến tăng mạnh khi Tổng thống Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để ứng phó với đại dịch COVID-19. Các chỉ số do vậy lấy lại phần lớn thiệt hại của phiên giảm kỉ lục 33 năm ngày 12/3.

Tuy nhiên, đến sáng nay, các hợp đồng tương lai chỉ số trên thị trường này lại giảm kịch biên độ sau khi Fed bất ngờ hạ lãi suất về 0% và công bố chương trình nới lỏng định lượng 700 tỉ USD để ứng phó với thiệt hại kinh tế từ dịch COVID-19. Hợp đồng tương lai chỉ số Dow Jones giảm hơn 1.000 điểm.

Sơn Tùng

Cập nhật kết quả quý I ngân hàng: Techcombank tạm dẫn đầu, LPBank báo lãi tăng mạnh nhất
Nhiều ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý I với lợi nhuận phân hoá rõ nét, bảng xếp hạng lợi nhuận lại tiếp tục có xáo trộn với sự vươn lên trước của Techcombank.