Thị trường bia sẽ vào tay nước ngoài?
Sau nhiều năm trì hoãn, mới đây Chính phủ tuyên bố sẽ thoái toàn bộ 82% vốn đang nắm giữ tại Habeco ngay trong năm 2016. Còn tại Sabeco, lộ trình thoái hơn 89% vốn sẽ chia làm 2 đợt. Đợt 1, Sabeco sẽ chào bán 53,59% vốn trong năm nay. Số cổ phần còn lại sẽ được thoái vào năm sau.
Quá tầm với nhà đầu tư nội
Ngay sau khi tin tức loan đi, theo hãng tin Wall Street Journal, Thai Beverage và Singha của Thái Lan, Kirin và Asahi của Nhật Bản, Heineken của Hà Lan, Anheuser-Busch InBev của Mỹ, SABMiller của Anh đều bày tỏ ý muốn tham gia mua cổ phần của Sabeco và Habeco. Hãng Bloomberg dẫn lời ông Lê Hồng Xanh - TGĐ Sabeco cho biết thêm, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cũng là một đơn vị nằm trong danh sách nhà đầu tư tiềm năng.
Tuy nhiên, khả năng các công ty nội địa trở thành đối tác chiến lược của Sabeco được đánh giá khó xảy ra. Bởi căn cứ mức giá cổ phiếu Sabeco đang giao dịch trên sàn OTC khoảng 80.000 đồng/CP. Ước tính, để nắm giữ hơn 53% cổ phần của Sabeco, nhà đầu tư phải chi ra tối thiểu 2 tỷ USD. Đây là số tiền rất lớn so với năng lực tài chính của các công ty trong nước.
Ứng cử viên sáng giá nhất trong cuộc chạy đua đặt chân vào Sabeco đang thuộc về Heineken. Hiện tại, Heineken đã nắm giữ khoảng 5% cổ phần và có ý định trở thành cổ đông chiến lược của Sabeco.
Theo số liệu của Euromonitor, hơn 80% thị phần toàn thị trường bia Việt Nam hiện nằm trong tay của 3 doanh nghiệp là Sabeco, VBL (nay là Heineken, sở hữu các thương hiệu như Heineken, Tiger, Larue...) và Habeco. Nhưng nếu như Sabeco nắm giữ khoảng 40% thị phần thì Heineken lại chỉ nắm khoảng 20%. Gia tăng sở hữu ở Sabeco sẽ giúp Heineken rút ngắn khoảng cách thị phần với Sabeco.
Heineken đã và đang chạy đua cạnh tranh trên thị trường bia Việt Nam. Năm 2015, Heineken lần đầu tiên vượt qua Habeco để vươn lên vị trí thứ 2 về sản lượng ngành bia trong khi Sabeco gần như không có sự tăng trưởng về sản lượng.
Về mặt thương hiệu, dù năm ngoái Sabeco đã chi ra số tiền cho quảng cáo, tiếp thị lên gần 1.300 tỷ đồng, cao gấp 3 lần so với chi phí marketing của 3 năm trước nhưng thống kê của trang Buzzmetrics chỉ ra, thương hiệu Bia Sài Gòn của Sabeco vẫn xếp sau 3 thương hiệu Tiger, Heineken và Budweiser.
Đặc biệt, Heineken gần như không có đối thủ ở phân khúc cao cấp. Điều này đã lý giải phần nào vì sao Heineken thường bỏ xa Sabeco về mặt lợi nhuận dù thị phần thua kém. Và cũng lý giải vì sao Heineken lại xem Việt Nam là thị trường quan trọng thứ 2, chỉ sau Mexico.
Ảnh: Qúy Hòa |
Quyết tâm của nhà đầu tư ngoại
Để củng cố vị thế trong phân khúc dòng bia phổ thông, Heineken có thể chi đậm để sở hữu ở Sabeco. Nhưng không chỉ Heineken, ThaiBev- hãng bia nổi tiếng của Thái Lan cũng tỏ ra quyết tâm sở hữu một phần Sabeco. Tháng 11/2014, ThaiBev đã ngỏ ý muốn sở hữu 53% cổ phần ở Sabeco và định giá Sabeco khoảng 2 tỷ USD.
Đến tháng 2/2015, ThaiBev lại lên tiếng muốn mua 40% cổ phần của Sabeco với giá trị 1 tỷ USD. ThaiBev cho thấy họ sẵn sàng trả giá cao để mua cổ phần Sabeco như bước đệm để tiến bước nhanh nhất vào thị trường Việt Nam.
Riêng Carlsberg - hãng bia lớn thứ 3 thế giới và đang nắm giữ 10% thị phần bia ở Việt Nam lại hướng chú ý đến Habeco. Đầu tháng 9 vừa qua, Carlsberg đã bán nhà máy tại Bà Rịa - Vũng Tàu như một cách dồn lực tập trung vào thị trường phía Bắc.
Carlsberg đặt mục tiêu nâng tỷ lệ sở hữu tại Habeco từ 17% lên mức 30%. Ngoài sở hữu cổ phần ở Habeco, Carlsberg còn nắm 100% cổ phần của bia Huế (Huda Beer), 60% cổ phần liên doanh Nhà máy Bia Đông Nam Á (Halida) cùng một số công ty nhỏ khác.
Sự quyết tâm của ThaiBev hay sự tích cực chạy đua của những tên tuổi lâu năm như Heineken, Carlberg trong giành quyền sở hữu ở Sabeco, Habeco cho thấy, thị trường bia Việt Nam rất hấp dẫn. Theo báo cáo của Hiệp hội Bia - Rượu – Nước giải khát Việt Nam, năm 2015, người Việt đã tiêu thụ khoảng 3,4 tỷ lít bia, tăng 10% so với năm 2014 và tăng gần 41% so với năm 2010.
Đáng nói là mức tiêu thụ bia của Việt Nam vẫn tiếp tục tăng mạnh bất chấp thuế tiêu thụ đặc biệt được áp dụng cho bia kể từ đầu năm nay. Và Việt Nam đã thành quốc gia dẫn đầu Đông Nam Á, đứng thứ 3 thế giới (sau Nhật, Trung Quốc) về tiêu thụ bia. Với sức hấp dẫn này, Việt Nam cũng là một trong những thị trường lý tưởng để các hãng bia thế giới tăng cường hiện diện và dồn lực đầu tư.
Sau khi gia nhập thị trường Việt Nam thông qua liên doanh với Vinabata, Sapporo Holdings - tập đoàn bia hàng đầu Nhật Bản đã mua lại toàn bộ cổ phần của Vinataba trong liên doanh. Sau đó, Sapporo đã thay đổi nhận diện bao bì sản phẩm và đã mở rộng mạng lưới phân phối với 4.000 cửa hàng trên khắp cả nước chỉ sau 5 năm.
Riêng AB-InBev (Mỹ) đã khánh thành nhà máy bia 50 triệu lít/năm tại Bình Dương vào tháng 5 năm ngoái. Theo kế hoạch, công suất nhà máy của AB-InBev tại Việt Nam sẽ tăng lên 100 triệu lít/năm trong thời gian tới và sản phẩm sẽ chủ yếu phục vụ cho thị trường Việt Nam.
Hay Singha - hãng bia đứng đầu của Thái Lan đã rót vốn để nắm giữ 25% cổ phần tại Masan Consumer Holdings - đơn vị đầu tư Nhà máy Bia Masan Brewery HG tại Hậu Giang, với công suất 100 triệu lít/năm. Đặc biệt, Heineken mới đây đã mua thêm nhà máy Carlsberg ở Vũng Tàu và đổi tên Công ty Bia Việt Nam thành Công ty Heineken Việt Nam.
Những đầu tư mạnh mẽ này hứa hẹn sẽ dần làm thay đổi thứ bậc trên thị trường bia. Trong đó, thứ hạng dẫn đầu của Sabeco, Habeco có nguy cơ bị đe dọa. Các chuyên gia còn dự báo, dù Heineken hay bất cứ một hãng bia nước ngoài nào sở hữu cổ phần ở Sabeco, Habeco thì sớm muộn gì thị trường bia Việt Nam cũng sẽ là "cuộc chơi" của những hãng bia ngoại.
Theo Diệu Thảo
Doanh Nhân Sài Gòn