|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Thị trường bán lẻ dần chuyển dịch sang cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng mini, kênh online

11:19 | 20/04/2021
Chia sẻ
Các cửa hàng mini đang ngày một tăng lên, cụ thể năm 2012 chỉ chiếm 1% thị phần, tới năm 2019 là 5% và dự báo tới năm 2025 chiếm 8% thị phần bán lẻ Việt Nam.

Theo một báo cáo từ hãng nghiên cứu thị trường QandMe, tại Việt Nam, các cửa hàng bán lẻ chủ yếu là cửa hàng truyền thống và chợ địa phương, tuy nhiên hiện đang có sự dịch chuyển thị phần sang các kênh bán hàng hiện đại.

Báo cáo số liệu tính tới tháng 4/2021 cho thấy thị trường bán lẻ của Việt Nam đang dần dịch chuyển từ kênh bán hàng truyền thống sang các kênh bán hàng hiện đại và mua sắm online.

Cụ thể, theo biểu đồ dưới đây, ở năm 2012, các cửa hàng đường phố (Street shops) và chợ bán đồ tươi sống (Wet market) chiếm lần lượt 62% và 12% thị phần, thì tới năm 2019 thị phần giảm xuống còn lần lượt 55% và 9%.

Cửa hàng mini dần chiếm lĩnh thị phần bán lẻ tới năm 2025 - Ảnh 2.

Xu hướng chuyển dịch ngành bán lẻ Việt Nam tới năm 2025. (Nguồn: QandMe, đồ họa: Alex Chu).

Thay vào đó là sự nổi lên của các cửa hàng chuyên doanh (Speciality stores), cửa hàng mini (Mini stores) và kênh Online, tương ứng tăng từ mức 4% lên 9%; 1% lên 5% và 1% lên 2%.

Theo dự báo tới năm 2025, các cửa hàng đường phố vẫn chiếm phần lớn thị phần bán lẻ nhưng sẽ giảm xuống còn 51%, các chợ bán đồ tươi sống chỉ chiếm 6% thị phần. Đồng thời, các cửa hàng chuyên doanh chiếm 10% thị phần bán lẻ Việt Nam, cửa hàng mini chiếm 8% và kênh Online chiếm 6% thị phần.

Về các thương hiệu bán lẻ trên thị trường, mặc dù Việt Nam có nhiều nhà đầu tư ngoại tham gia vào lĩnh vực bán lẻ nhưng ở một số ngành, các công ty Việt nắm thị phần lớn.

Đơn cử như CTCP Đầu tư Thế giới Di động (Mã: MWG) chiếm đa số thị phần bán lẻ đồ điện tử và công nghệ.

Theo báo cáo trên, tính tới tháng 1/2021, MWG có tổng cộng 4.059 cửa hàng, tăng 31,6% so với cùng thời điểm năm ngoái (3.084 cửa hàng). Trong đó có 1.719 cửa hàng Thế giới di động, 1.427 cửa hàng Điện máy Xanh và 913 cửa hàng Bách hóa Xanh.

Về thị trường bán lẻ thực phẩm, VinMart/VinMart+ đang là chuỗi lớn với số cửa hàng lên đến 2.500.

Năm 2019, Tập đoàn Masan (Mã: MSN) đã tiến hành thu mua chuỗi siêu thị này của Vingroup để tái cấu trúc và điều hành trực tiếp. Sau một năm tiếp quản hệ thống VinCommerce, Masan đã hoàn tất quá trình chuyển đổi ban đầu và chuỗi VinMart/VinMart+ lần đầu tiên đạt EBITDA dương 16 tỷ đồng trong quý IV/2020.

Theo QandMe, người Việt Nam trước nay thường mua sắm thực phẩm tại các chợ địa phương, thống kê cho thấy có tới 8.500 chợ địa phương trên thị trường.

Mặt khác, thị trường có sự tăng trưởng nhanh về số lượng các siêu thị mini với mục tiêu thay đổi hành vi mua sắm thực phẩm của người tiêu dùng bằng cách mở rộng nhanh chóng các điểm bán hàng.

Tường Vy