Sở hữu của cổ đông lớn, lãnh đạo cấp cao cũng được tính vào giới hạn sở hữu chéo giữa các ngân hàng
Ảnh minh hoạ.
Sở hữu chéo giữa các ngân hàng là một trong những vấn đề gây nhức nhối và tạo ra những hệ luỵ không đáng có cho thị trường ngân hàng trong những năm qua. Việc siết sở hữu chéo được qui định khá rõ ràng trong Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước năm 2014.
Qui định này mới đây đã được đề xuất sửa đổi bổ sung tại Dự thảo Thông tư thay thế cho Thông tư 36 nhằm siết chặt hơn nữa về vấn đề này.
Mục đích của việc sử đổi là nhằm hạn chế việc đầu tư dàn trải, dẫn đến không kiểm soát hết rủi ro của các tổ chức tín dụng (TCTD). Đồng thời, thực hiện đa dạng hoá hoạt động đầu tư nhưng phải đảm bảo hiệu quả, duy trì vốn tự có ở mức bảo đảm các tỉ lệ an toàn.
Cụ thể, theo điều 18 Dự thảo sửa đổi qui định về "Giới hạn góp vốn, mua cổ phần" được bổ sung thêm cụm từ "ngân hàng thương mại và công ty con, công ty liên kết của ngân hàng thương mại" phải tuân thủ giới hạn góp vốn, mua cổ phần nhằm phù hợp với quy định tại Luật các TCTD (đã được sửa đổi, bổ sung).
Điều này hàm ý rằng việc xem xét về giới hạn góp vốn không chỉ dừng ở riêng bản thân các ngân hàng thương mại (NHTM) mà còn ở các công ty con, công ty liên kết.
Cùng với đó, qui định về điều kiện giới hạn mua, nắm giữ cổ phiếu của TCTD khác cũng được thay đổi. Theo đó, NHTM mua, nắm giữ cổ phiếu tối đa không quá hai TCTD khác và nắm giữ cổ phiếu của một TCTD khác không được vượt quá 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết của TCTD khác đó.
Giới hạn góp vốn này được mở rộng thêm ngoài việc nắm giữ cổ phiếu của TCTD còn bao gồm thêm cả việc nắm giữ, mua cổ phiếu của Chủ tịch, thành viên Hội đồng Quản trị, Chủ tịch, thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc (Giám đốc), thành viên Ban Kiểm soát, cổ đông lớn của ngân hàng, công ty con của ngân hàng (trừ công ty con là công ty cho thuê tài chính) và những người liên quan của những cá nhân trên.
NHTM cũng có thể nắm giữ cổ phiếu của một TCTD khác vượt quá giới hạn qui định này tuy nhiên chỉ được thực hiện trong những trường hợp đặc biệt. Cụ thể với mục đích nhằm tái cơ cấu, hỗ trợ tài chính cho TCTD gặp khó khăn về tài chính, có nguy cơ mất khả năng thanh toán, ảnh hưởng đến an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng và được NHNN chấp thuận hoặc được NHNN chỉ định theo qui định của pháp luật.
-- Trích dự thảo Thông tư qui định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài--
Điều 18. Giới hạn góp vốn, mua cổ phần
Ngân hàng thương mại, ngân hàng thương mại và công ty con, công ty liên kết của ngân hàng thương mại tuân thủ giới hạn góp vốn, mua cổ phần theo quy định tại Điều 103, Điều 129 và Điều 135 Luật các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung).
Điều 19. Ngân hàng thương mại mua, nắm giữ cổ phiếu của tổ chức tín dụng khác
1. Ngân hàng thương mại mua, nắm giữ cổ phiếu (bao gồm cả các khoản ủy thác cho tổ chức, cá nhân khác và cổ đông của ngân hàng thương mại mua,nắm giữ cổ phiếu) của tổ chức tín dụng khác phải đảm bảo tuân thủ các điềukiện quy định tại khoản 2 và giới hạn quy định tại khoản 3 Điều này.
2. Tại thời điểm mua, nắm giữ cổ phiếu của tổ chức tín dụng khác, ngân hàng thương mại phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:
a) Giá trị thực của vốn điều lệ không thấp hơn vốn điều lệ đã đăng ký;
b) Đảm bảo các giới hạn và tỷ lệ an toàn quy định tại Thông tư này;
c) Có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%;
d) Có quy trình xét duyệt, thẩm định, đánh giá rủi ro đối với việc mua, nắm giữ cổ phiếu của tổ chức tín dụng khác;
đ) Từng khoản mua, nắm giữ cổ phiếu của tổ chức tín dụng khác phải được Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên thông qua;
e) Không bị xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động ngân hàng trong thời gian 01 năm trước ngày mua, nắm giữ cổ phiếu;
g) Chủ tịch và thành viên khác của Hội đồng quản trị, Chủ tịch và thành viên khác của Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc), Trưởng Ban và thành viên khác của Ban kiểm soát, cổ đông lớn của ngân hàng thương mại, công ty con của ngân hàng thương mại và người có liên quan của những người này không mua, nắm giữ vốn cổ phần có quyền biểu quyết của tổ chức tín dụng đó;
h) Chủ tịch và thành viên khác của Hội đồng quản trị, Chủ tịch và thành viên khác của Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc), Trưởng Ban vàthành viên khác của Ban kiểm soát, cổ đông lớn của ngân hàng thương mại, công ty con của ngân hàng thương mại và người có liên quan của những người này không ủy thác cho tổ chức khác mua, nắm giữ vốn cổ phần có quyền biểu quyết của tổ chức tín dụng đó.
3. Giới hạn:
a) Ngân hàng thương mại chỉ được mua, nắm giữ cổ phiếu tối đa không quá hai (02) tổ chức tín dụng khác, trừ trường hợp tổ chức tín dụng khác là công ty con của ngân hàng thương mại đó;
b) Ngân hàng thương mại chỉ được mua, nắm giữ cổ phiếu của một tổ chức tín dụng khác dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết của tổ chức tín dụng khác đó;
c) Ngân hàng thương mại không được đề cử người tham gia hội đồng quản trị tại tổ chức tín dụng mà ngân hàng thương mại đã mua, nắm giữ cổ phiếu, trừ trường hợp tổ chức tín dụng đó là công ty con của ngân hàng thương mại hoặc ngân hàng thương mại là tổ chức tín dụng hỗ trợ được chỉ định tham gia quản trị, kiểm soát, điều hành, hỗ trợ tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt;
d) Việc mua, nắm giữ cổ phiếu của một tổ chức tín dụng khác vượt quá giới hạn quy định tại điểm a, điểm b khoản này hoặc ngân hàng thương mại không đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này được thực hiện trong những trường hợp sau:
(i) Việc mua, nắm giữ cổ phiếu nhằm tái cơ cấu, hỗ trợ tài chính cho tổ chức tín dụng gặp khó khăn về tài chính, có nguy cơ mất khả năng thanh toán, ảnh hưởng đến an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng và được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận;
(ii) Được Ngân hàng Nhà nước chỉ định theo quy định của pháp luật.
đ) Trường hợp ngân hàng thương mại bán cổ phần của tổ chức tín dụng khác theo hình thức trả chậm, ngân hàng thương mại chỉ được chuyển quyền sở hữu đối với số cổ phần tương ứng với số tiền đã được bên nhận chuyển nhượng thanh toán.