Từ ngày 1/3, NHNN 'điểm danh' thêm một hình thức sở hữu chéo
Bắt đầu từ ngày 1/3/2019, Thông tư 46/2018 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định về thời hạn, trình tự, thủ tục chuyển tiếp đối với trường hợp cổ đông lớn của một tổ chức tín dụng (TCTD) và người có liên quan của cổ đông đó sở hữu cổ phần từ 5% trở lên vốn điều lệ của một TCTD khác chính thức có hiệu lực.
Theo thông tư này NHNN yêu cầu TCTD cần xác định danh sách cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông đó sở hữu cổ phần từ 5% trở lên vốn điều lệ của một TCTD khác (nhóm cổ đông lớn có liên quan).
Sau đó, TCTD cần lập kế hoạch khắc phục việc sở hữu cổ phần vượt giới hạn, đảm bảo chậm nhất vào ngày 31/12/2020, tỉ lệ sở hữu cổ phần của nhóm cổ đông lớn có liên quan tuân thủ quy định tại Luật các TCTD. Ngoài ra, TCTD đầu mối phải phối hợp với TCTD khác và nhóm cổ đông lớn có liên quan hoàn thiện kế hoạch khắc phục và gửi NHNN.
Đáng chú ý, kể từ ngày thông tư này có hiệu lực thi hành (1/3/2019), nhóm cổ đông lớn có liên quan không được tăng số lượng cổ phần sở hữu tại TCTD đầu mối và TCTD khác dưới mọi hình thức, trừ các trường hợp nhận cổ phiếu thưởng hoặc cổ tức bằng cổ phiếu; mua cổ phiếu phát hành thêm khi TCTD đầu mối, TCTD khác tăng vốn điều lệ nhưng phải đảm bảo tỉ lệ sở hữu cổ phần sau khi mua tuân thủ giới hạn sở hữu cổ phần quy định tại Luật các TCTD.
Đặc biệt, TCTD đầu mối, TCTD khác không được cấp tín dụng cho nhóm cổ đông lớn có liên quan sau 90 ngày kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành cho đến khi nhóm cổ đông lớn có liên quan tuân thủ tỉ lệ sở hữu cổ phần theo quy định.
Động thái ban hành văn bản này cho thấy NHNN đã và đang rất nỗ lực và quyết liệt trong giải quyết sở hữu chéo, đồng thời giúp giảm thiểu nguồn vốn "ảo" thông qua việc đi vay tiền.