|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Thêm một doanh nghiệp ngành dược phẩm đạt mốc lợi nhuận năm 2022 cao nhất từ trước đến nay

16:12 | 26/01/2023
Chia sẻ
Trước Dược phẩm OPC, hai doanh nghiệp dược phẩm là Imexpharm và Dược Hậu Giang cũng đồng loạt công bố lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay, lần lượt 234 tỷ đồng và 988 tỷ đồng. Một trong những nguyên nhân khiến các công ty đồng loạt báo lãi tăng trưởng mạnh là năm 2022 nhu cầu tiêu thụ thuốc tăng cao, đặc biệt là các sản phẩm kháng sinh và các sản phẩm phòng bệnh, tăng cường hệ miễn dịch sau dịch COVID-19.

Báo cáo tài chính quý IV/2022 của CTCP Dược phẩm OPC (Mã: OPC) cho thấy doanh thu thuần gần 300 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong kỳ, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 35,9% quý cùng kỳ lên 39% quý này. Trừ đi các chi phí khác, OPC lãi sau thuế 36 tỷ đồng, gần như đi ngang so với quý IV/2021.

  Nguồn: BCTC quý IV/2022 của công ty. 

Lũy kế cả năm, doanh thu thuần của OPC đạt gần 1.172 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 142 tỷ đồng, lần lượt tăng 4% và tăng hơn 15% so với năm 2021 và là kết quả kỷ lục của doanh nghiệp dược phẩm này.  Nhờ vậy, lợi nhuận sau thuế lũy kế của OPC tính đến hết năm 2022 gần 142 tỷ. 

So với kế hoạch doanh thu đạt 1.150 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 175 tỷ đồng, OPC đã vượt 2% chỉ tiêu doanh thu và vượt 3% mục tiêu lợi nhuận năm.

 Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của công ty. 

Nhu cầu tiêu thụ thuốc tăng cao sau dịch là một trong những nguyên nhân khiến các công ty dược phẩm đồng loạt báo lãi tăng trưởng mạnh so với năm 2021. (Ảnh minh họa: Minh Hằng).

Trước đó, hai doanh nghiệp dược phẩm là Imexpharm (Mã: IMP) và Dược Hậu Giang (Mã: DHG) cũng đồng loạt báo lãi sau thuế đạt mốc kỷ lục, lần lượt 234 tỷ đồng và 988 tỷ đồng. Biên lãi gộp của các công ty trong ngành cũng được cải thiện.

Một trong các nguyên nhân khiến các công ty đồng loạt báo lãi tăng trưởng mạnh là năm 2022 nhu cầu tiêu thụ thuốc tăng cao, đặc biệt là các sản phẩm kháng sinh và các sản phẩm phòng bệnh, tăng cường hệ miễn dịch sau dịch COVID-19.

Về dài hạn, ngành dược có nhiều tiềm năng tăng trưởng cho cả công ty tham gia sản xuất, cũng như những tập đoàn bán lẻ do quy mô dân số Việt Nam ở mức lớn đồng thời dân số cũng đang già đi với tốc độ nhanh.  

Tính đến hết 2022, tổng tài sản của OPC không thay đổi nhiều so với đầu năm, xấp xỉ 1.246 tỷ đồng. Trong đó hàng tồn kho hơn 410 tỷ đồng, giảm 112 tỷ và chiếm 1/3 tổng tài sản. Công ty ghi nhận 1/4 tài sản là khoản tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng, tương ứng 315 tỷ đồng. Riêng năm 2022, khoản tiền nhàn rỗi này đem về cho OPC gần 7 tỷ đồng lãi tiền gửi, gấp đôi cùng kỳ.

Cuối quý, OPC không còn sử dụng đòn bẩy tài chính do đã trả xong 71 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn. Chi phí lãi vay trong năm 2022 chỉ tốn của doanh nghiệp này chưa tới 1 tỷ đồng. Hầu hết nợ phải trả của OPC tập trung tại khoản mục người mua trả tiền trước ngắn hạn gần 210 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tại cuối quý IV là 872 tỷ, trong đó vốn góp là 640 tỷ đồng. 

Minh Hằng